Tên gọi và vị trí địa lý
Chùa Đại Bái, tên chữ là Diên Phúc tự, là một công trình trong cụm di tích lịch sử văn hoá của làng gò đồng Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Diên Phúc là công trình văn hóa tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân địa phương, là nơi thờ Phật, thờ Mẫu và thờ Tổ, đồng thời phối thờ Hậu Phật Nguyễn Công Hiệp – người có công lớn trong việc trùng tu đình, chùa, làm cầu quán cho nhân dân và tổ sư nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền.
Lịch sử và nhân vật
Chùa xây dựng từ năm nào chưa rõ nhưng theo tư liệu văn bia được biết chùa được trùng tu mở rộng với quy mô lớn vào giữa thế kỷ XVII, một văn bia lưu tại chùa mô tả: “Chùa cũ xây dựng trên khu đất ba bề là sông, phía trước là đường, cây cối um tùm.”
Tháng 10 năm Phúc Thái thứ 5 (1647) được sự công đức của gia đình Gia quận công Nguyễn Công Hiệp, làng xây lại chùa thành đại danh lam gồm các hạng mục: Tam Quan 3 gian với kiến trúc kiểu chồng diêm 8 mái, nhà Thập Điện 7 gian, Hậu Cung gắn vào nhà Thập Điện, Gác Chuông, Nhà Tổ, nhà Tả, Hữu vu mỗi bên 10 gian nối từ nhà Thập Điện đến hết Nhà Tổ, Nhà Khách 5 gian, Nhà Mẫu 3 gian 2 dĩ. Đến tháng 4 năm sau thì hoàn thành, đặt tên chùa là Diên Phúc (vạn sự tốt lành mãi mãi). Văn bia chùa ca ngợi: “Quy mô chùa thay đổi hẳn, thật là đặc biệt trong chốn rừng thiền, rỡ ràng như trên thế giới thần tiên.” Tuy nhiên, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa bị phá huỷ hoàn toàn.
Sau khi hoà bình lập lại, dân làng dựng tạm toà Tam Bảo phục nhằm hành lễ tuần tiết và bảo quản 2 bảo vật còn lại của chùa clà tấm bia đá “Diên Phúc tự kiến tạo bi ký” và pho tượng đá Gia quận công Nguyễn Công Hiệp to gần bằng người thật.
Năm 1997, Hoà thượng Thích Quảng Kính về trụ trì tại chùa. Dân làng đã phát tâm công đức xây lại ngôi Tam Bảo quy mô gần như thời trước và các tín chủ cung tiến tượng phật mới. Tiêu biểu là cụ Nguyễn Thị Sâm cung tiến pho Quan Âm, bà Nguyễn Thị Bùi cung tiến 2 pho Hộ Pháp, bà Nguyễn Thị Cừu cung tiến pho A Di Đà, bà Nguyễn Thị Sâm cung tiến toà Cửu Long, ông Nguyễn Đức Khai cung tiến pho Thế Tôn… Từ đó, dân làng tiếp tục phát tâm xây lại các công trình của chùa theo kiến trúc cổ: ông Nguyễn Đức Khai cung tiến xây Tam Quan; ông Trần Văn Thắng cung tiến đúc khánh đồng nặng 387 kg, kích thước 1,4 x 2,2m trị giá trên 1 tỷ đồng… Năm 2007 dân làng phát tâm đúc chuông 870kg kích thước cao 1,4m; đường kính 1,08m. Đồng thời xây mới Nhà Tổ, Nhà Mẫu, Nhà Bia, Gác chuông,… tạo thành diện mạo hiện nay của chùa Diên Phúc.
Về hậu thần Nguyễn Công Hiệp, trong gia phả họ Nguyễn (Công) ở Đại Bái cho biết: Nguyễn Công Hiệp sinh vào thời Lê – Trịnh, năm Hoằng Định thứ 17 (1617) ông vào làm việc tại phủ chúa, do có công nên được thăng chức rất nhanh. Đặc biệt vào các năm Phúc Thái thứ 3 (1645), Phúc Thái thứ 6 (1648) với công đánh dẹp sự xâm lấn của nhà Nguyễn (Đàng Trong), Nguyễn Công Hiệp đã được vua (Lê) khen rằng: Công Hiệp thật là người “Văn võ kỳ tài” và lập tức phong cho ông là: Dực vận tán trị công thần đặc tiến kim tử, vinh lộc đại phu, phụ quốc Thượng tướng quân, trung quân đô đốc, thiên sự, tước Gia quận công; sau đó lại được phong Đô đốc đồng tri thượng trụ quốc; rồi vua Lê Thần Tông lại phong: Phụ quốc bảo dân Minh Tuệ đại vương.
Là một đại công thần dưới thời vua Lê – chúa Trịnh, công việc bộn bề nhưng Nguyễn Công Hiệp luôn dành sự quan tâm đặc biệt với quê hương Đại Bái. Ông cùng với cha mẹ mình đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc trùng tu chùa Diên Phúc và đình Văn Lãng, xây cầu Bái Giang, nhiều lần miễn tô thuế cho dân, khuyến khích phát triển nghề gò đồng ở làng. Vì những công lao to lớn, tình cảm sâu nặng của Nguyễn Công Hiệp với dân làng, nên sau khi ông mất dân làng đã tôn ông làm Á Thánh (Thánh thứ 2) thờ tại đình làng. Cũng do có công lớn trong việc trùng tu chùa Diên Phúc, ông đã được tạc tượng đặt tại Nhà Tổ của chùa. Hiện nay tại đình Văn Lãng làng Đại Bái còn hệ thống bia đá: “Văn Lãng đình bi” dựng vào năm Khánh Đức thứ 4 (1652), “Bái Giang kiều bi” dựng năm Phúc Thái tứ 2 (1644) và “Bái Giang thạch kiều bi” dựng năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) cho biết rõ công lao của Gia quận công Nguyễn Công Hiệp và gia đình đối với dân làng Đại Bái.
Kiến trúc cảnh quan
Chùa nằm ở trung tâm của làng Đại Bái, quay về hướng Nam, phía trước giáp Tỉnh lộ 284, các phía còn lại giáp đường làng và khu dân cư đông đúc. Hiện nay, chùa có các công trình: Tam Quan, Tam Bảo, Nhà Mẫu, Nhà Tổ và một số công trình phụ trợ khác… Tất cả các hạng mục công trình đều xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống.
Tam Bảo có kiến trúc hình chữ Đinh, kiểu “bình đầu bít đốc tay ngai, cột trụ cánh phong, chồng diêm 2 tầng 8 mái”. Tiền đường 5 gian 2 dĩ, hệ chịu lực bằng gỗ lim gồm 6 bộ vì, mỗi một bộ vì có 4 hàng chân cột (trốn cột quân phía sau). Kết cấu các bộ vì nóc kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách trước kiểu “vì ván mê (cốn)” liên kết với cột hiên (đá) bằng kẻ truyền, vì nách sau có xà nách gác lên tường bao.
Nhà Tổ có kiến trúc hình chữ Nhị, kiểu “bình đầu bít đốc tay ngai cột trụ cánh phong”, hệ chịu lực bằng bê tông cốt thép.
Hiện vật
Chùa Diên Phúc còn bảo lưu được hệ thống tài liệu cổ vật rất phong phú, độc đáo và quý hiếm như: tượng phật, tượng chân dung có niên đại thời Lê và Nguyễn; chuông chùa Diên Phúc đúc năm Tự Đức 30 (1877), bia “Diên Phúc tự bi” dựng năm Khánh Đức 2 (1650), bia “Diên Phúc tự bi” dựng năm Đức Long (1629-1639), bệ đá thời Lê, hệ thống đại tự, câu đối có nội dung ca ngợi Phật pháp và người được thờ hậu. Trong số những tài liệu cổ vật này, tiêu biểu nhất là hai pho tượng chất liệu đá Quận công Nguyễn Công Hiệp và ông Nguyễn Công Kế, những người có công lớn trong việc tu bổ chùa. Tượng Nguyễn Công Hiệp được tạc năm “Khánh Đức nhị niên” (1650), tượng Nguyễn Công Kế tạc năm “Vĩnh Thọ tứ niên” (1661).
Xếp hạng
Chùa Diên Phúc được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử tại Quyết định số 1570/VH-QĐ ngày 05/9/1989.
Tham khảo
- Chùa làng Đại Bái, Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh, https://bacninh.gov.vn/news/-/details/20182/chua-lang-ai-bai-39900320
- https://giabinhindustrialpark.vn/top-8-di-tich-di-san-van-hoa-tai-gia-binh-bac-ninh/
- https://chuadienphuc123.blogspot.com/2013/08/gioi-thieu.html