Chùa Đại Phương Lang (chùa Đại – An Lão, Hải Phòng)

Chùa Đại Phương Lang (chùa Đại – An Lão, Hải Phòng)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Chùa Đại Phương Lang tên chữ  là “Hưng Phúc tự” còn được gọi là chùa Đại Quang hoặc chùa Đại, toạ lạc tại thôn Đại Phương Lang (thôn Đại), xã An Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. 

Từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa Đại Phương Lang là nơi ghi dấu những chiến công của quân và dân địa phương. Cùng với đình, miếu và chùa Đại Phương Lang hợp lại thành cụm kiến trúc văn hoá tâm linh của làng Đại Phương Lang.

Lịch sử

Theo văn bia chữ Hán “Hưng Phúc tự trùng tu bia kí” niên hiệu Chính Hòa 26 (đời vua Lê Hy Tông), trước kia chùa được xây dựng khá quy mô, bao gồm nhiều tòa ngang, các dãy nhà dọc với 36 gian gỗ lim, mái lợp ngói và có gần 100 pho tượng các loại. 

Tuy nhiên, đến năm 1952 thời kỳ quân Pháp xâm lược nước ta, để thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, chống giặc chiếm đóng tại địa phương, vào ngày 17/11/1952 chùa Đại Phương Lang đã được dở bỏ. Sau khi hòa bình lập lại, nhằm phục vụ nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân địa phương, chùa Đại Phương Lang được ni sư Thích Đàm Thu cùng chính quyền, nhân dân xã An Thọ đứng ra hưng công xây dựng lại theo quy mô lớn.

Trước năm 1952, Chùa Đại Phương Lang từng là nơi diễn ra nhiều sự kiện trong lịch sử dân tộc, từ sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, chùa Đại Quang là nơi tổ chức các cuộc mít tinh chào mừng sự thành công của cuộc cách mạng. Các lớp huấn luyện thanh niên, dân quân lư vệ nòng cốt ở cơ sở được tổ chức ngay tại trong chùa, ngoài chùa còn là nơi tổ chức các lớp học xóa nạn mù chữ cho nhân dân trong làng. 

Đặc biệt, năm 1946, dưới sự trụ trì của nhà sư Thích Quảng Căn, chùa đã tổ chức tiếp nhận 50 cháu mồ côi tuổi từ 11 đến 15 về nuôi dạy. Chùa từng quyên góp, ủng hộ kháng chiến quả chuông đồng nặng 500kg để đúc vũ khí cùng 2 tấn thóc nuôi quân.

Tại nội thất đình và khu vườn chùa có đào hầm bí mật nối thông với công sự chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương. Trong giai đoạn đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc năm 1964 – 1972, chùa là nơi đóng quân của đơn vị bộ đội phòng không, trận địa ra-đa, tên lửa bảo vệ thành phố. 

Kiến trúc

Chùa Đại Phương Lang được xây dựng trên thế đất linh thiêng “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”, diện tích rộng thoáng, chùa quay hướng Tây Nam, tổng thể chùa bao gồm ao, hồ, Vườn Tháp và các kiến trúc thờ tự chính. 

Tòa Phật điện được xây cao hơn nền sân khoảng 50cm, có lối bậc thềm từ dưới dẫn lên nhà, toà xây 3 tầng gồm 2 tầng mái, các tầng phía trên có diện tích nhỏ dần.

 Kiến trúc chùa mang tính hiện đại, mái hiên giật cấp, xà cột, tường trang trí đắp vẽ bằng vật liệu mới, mang dáng dấp những ngôi chùa mới ở nội thành Hải Phòng như chùa Đỏ, chùa An Đà…

Mái lợp ngói mũi hài, các đầu đao uốn cong, đắp nổi các hình rồng, nghê với hoạ tiết cầu kì, tỉ mỉ. 

Chùa Đại Phương Lang có hệ thống tượng thờ tương đốì đầy đủ như: bộ tượng Tam Thế, tượng A Di Đà, tượng Thích Ca Sơ Sinh, tượng Quán Âm Chuẩn Đề, tượng Đức Ông,… có niên đại nghệ thuật cuối thế kỉ XX. 

Di vật

Di vật còn lại tại chùa là tấm văn bia “Hưng Phúc tự trùng tu bia kí” theo kiểu trúc đài, văn khắc tên hiệu người có công tu sửa ngôi chùa năm Chính Hòa 26 (1724) do hậu chủ Nguyễn Thiên Niệm cung tiến. 

Xếp hạng

chùa Đại Phương Lang được công nhận là Di tích Lịch sử Kháng chiến cấp Thành phố năm 2009.

Tài liệu tham khảo

  1. Chùa cổ Hải Phòng, tập 2, Nxb Hải Phòng (2017).  
Chấm điểm
Chia sẻ
Z5299112367266 05a4f4c5ebe9cede9a99e3f98d9c9b2d (1)

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)