Giới thiệu
Khác với nhiều làng xã cổ truyền, làng Dưỡng Động (nay là xã Minh Tân), huyện Thủy Nguyên có tới 5 ngôi chùa: chùa Dãng Trung (Linh Thứu tự), chùa Dãng Đông (Hồi Long tự), chùa Dãng Tây (Hàm Long tự), chùa Bến (Linh Quang tự) và chùa Diệp; trong đó chùa Dãng Trung (Linh Thứu tự) nổi lên như một trung tâm sinh hoạt Phật giáo của vùng.
Hiện vật
Các cổ tự ở Dưỡng Động, Minh Tân đang lưu giữ nhiều cổ vật, di vật quý có giá trị lịch sử và mỹ thuật như: chuông chùa Dãng Trung đúc năm Chính Hoà nhị thập ngũ niên (1704); chuông chùa Dãng Đông đúc năm Vĩnh Thịnh ngũ niên (1709); chuông chùa Dãng Tây đúc năm Cảnh Hưng thập tam niên (1752); Thạch thiên đài trụ chùa Dãng Tây niên hiệu Chính Hoà vạn thế (1680-1705); Thạch Thiên đài trụ chùa Dãng Trung niên hiệu Chính Hoà nhị thập nhất niên (1700); Thạch thiên đài trụ chùa Bến dựng năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Chính Hoà (1689); Thạch thiên đài trụ chùa Diệp dựng năm Vĩnh Thịnh thất niên (1711). Đặc điểm của những Thạch thiên đài trụ, bia đá ở Dưỡng Động đều được chạm khắc tinh xảo với đề tài chim phương hoàng, cỏ cây hoa lá thiêng ở nhiều tư thế khác nhau và hình ảnh long, mã hầu như rất phổ biến.
So sánh với kết quả khai quật khu di chỉ Luy Lâu (Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh) với hệ thống mộ gạch hình vòm cuốn mang phong cách Hán phát hiện Minh Tân nói riêng và vùng Lưỡng Tổng nói chung có rất nhiều nét tương đồng. Chứng tỏ đương thời giữa nhóm cư dân làm ruộng, đánh cá sông, cá biển vùng Lưỡng Tổng và nhóm cư dân cấy lúa, trồng dâu, chăn tằm, dệt vải ở vùng Dâu – Luy Lâu đã mở mang giao lưu, trao đổi. Phải chăng việc xuất hiện của nhiều ngôi chùa ở vùng Lưỡng Tổng như Phúc Liệt có chùa Mộc, chùa Tó, chùa Nghè (Nha Sơn tự); Mỹ Liệt có chùa Chõi (Hạ Sơn tự), chùa Trong, chùa Sối (Sối Sơn tự), chùa Bến Đò; chùa Dãng Trung (Linh Thứu tự), chùa Dãng Đông (Hồi Long tự), chùa Dãng Tây (Hàm Long tự), chùa Bến (Linh Quang tự)… là di sót của tục thờ Phật Tứ pháp của người xưa?
Chùa Dãng Trung hiện tồn được xây dựng trên khu đất rộng 8.150m2. Tòa điện Phật có bố cục chữ đinh quen thuộc, gồm 3 gian tiền đường và 1 gian thượng điện. Theo cố Hòa thượng Kim Cưong Tử, chùa này được làm trước đời Hậu Lê. Vườn chùa còn có hai ngọn tháp sư tổ và cùng với niên hiệu hai vị ở tháp này còn có mảnh văn bằng để lại ghi duệ hiệu hai vị danh tăng như sau: Maha sa môn tự Tịnh Căn Thích Không Không luật sư, Lê triều Vĩnh Hựu (1735-1740) sắc tứ tăng phó. Maha sa môn tự Hải Huệ Thích Thông Thông luật sư, Lê triều Cảnh Hưng (1740-1786) sắc tứ tăng chánh. Với giá trị tự thân, chùa Dãng Trung (Linh Thứu tự) được công nhận là Di tích Văn hóa cấp Quốc gia năm 1996.