Truyền thuyết Man Nương và tín ngưỡng Tứ Pháp
Bản chất của đạo Phật là từ bi, hỷ, xả, vạn sự tùy duyên, cho nên, ngay từ khởi thủy, đạo Phật đã không có tính cưỡng ép, thống trị hay độc tôn tôn giáo. Cũng chính vì lẽ đó, đạo Phật có thể đi sâu, bén rễ một cách ôn hòa vào những nền văn minh khác nhau, hòa hợp với tín ngưỡng bản địa. Đạo Phật du nhập vào nước ta hoà nhập cùng tín ngưỡng đạo Mẫu bản địa, hệ thống thần linh trong văn hoá nông nghiệp, hình thành nên đạo Phật-Tứ Pháp.
Theo Thánh Tích Thực Lục聖跡實錄, Chép năm Thành Thái thứ 9, Đinh Dậu 1897, bản in đồng, có kí hiệu A.1067, lưu trữ tại thư viện Quốc Gia chép rằng: “Sự tích 4 vị thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện: nhà sư Khâu Đà La(1), người nước Thiên Trúc, một lần đi vân du, tới Luy Lâu(2) (Thuận Thành, Hà Bắc), Kinh thành của Sĩ Vương(3), nơi có nhiều người tu hành và sùng kính đạo Phật. Nhà sư được mời về ở nhà một người tu hành, trong nhà có cô gái hàng ngày rất chãm chỉ và thành kính dâng hương hoa cúng Phật. Nhà sư bèn đặt tên cho cô là Man Nương. Khi từ biệt gia đình Man Nương(4) để vào núi, nhà sư nói rằng: 3 nãm sau, vùng này sẽ có hạn lớn. Rồi nhà sư lấy chiếc gậy của mình cắm xuống một nơi trong vườn, bảo gia đình Man Nương đào một cái giếng ở chỗ đó đề phòng hạn lớn. Được ít lâu, Man Nương bỗng nhiên có mang, qua 14 tháng, sinh 1 bé gái. Gia đình Man Nương mang bé vào núi giao cho Khâu Đà La. Nhà sư đặt tên cho bé là Đà La Tử (con của Đà La), rồi hỏi các cây cổ thụ, muốn nhờ cây nuôi giữ hộ. Có một cây tự tách thân ra làm đôi, đón nhận bé gái vào lòng rồi khép kín lại. Đúng như lời sư nói, 3 năm sau dân thành Luy Lâu gặp hạn lớn, các nguồn nước đều khô cạn, phải đến xin nước giếng nhà Man Nương. Vua biết chuyện bảo Man Nương kể hết đầu đuôi rồi sai nàng vào núi tìm nhà sư giúp dân trong thành cứu hạn. Nghe Man Nương truyền đạt lệnh vua, nhà sư ngồi lặng giây lát, bỗng mây đen kéo đến mù mịt, mưa lớn trút xuống. Gió to lay bật gốc cây cổ thụ trong có đứa bé. Cây cổ thụ theo nguồn nước lũ lớn trôi về bên thành Luy Lâu. Thấy có tiếng nhạc và vừng sáng tỏa ra từ thân cây, Sĩ Vương sai cưa thân cây ra làm 4 đoạn, tạc thành 4 pho tượng để thờ. Các pho tượng này rất thiêng. Mỗi khi vua sai làm lễ cầu mưa thì lập tức mây đen kéo đến, mưa đổ xuống, lại có sấm và chớp. Vì vậy Sĩ Vương đặt tên cho 4 pho tượng là Pháp Vân (mây), Pháp Vũ (mưa), Pháp Lôi (sấm), Pháp Điện (chớp).”
Từ câu chuyện vị cao tăng Khâu Đà La bước qua người bà Man Nương khiến bà gián tiếp thụ thai. Đây được xem là mối lương duyên giữa người con gái bản địa tượng trưng cho tín ngưỡng dân gian và vị cao tăng tượng trưng cho văn hóa Phật giáo Ấn Độ. Cho thấy, Phật giáo đã nhanh chóng thu nạp, biến đổi phù hợp với tín ngưỡng bản địa như: tục thờ Mẹ, tục thờ Nữ thần hay tục thờ Tứ Pháp. Sự giao thoa tâm linh giữa nàng Man Nương và một vị cao tăng Ấn Độ là Khâu Đà La, là sự kết hợp hai luồng tư tưởng, các vị Phật Ấn Độ cùng với các vị thần tự nhiên của Việt Nam để tạo ra một hình tượng mới là Phật Mẫu và Phật Tứ Pháp, những vị Phật này xuất phát từ cội rễ văn hóa của người Việt được hình thành từ chính đời sống lao động của người dân, bình dị, gần gũi gửi gắm những tâm tư nguyện vọng của mình. Chính vì thế, các vị Phật của người Việt lúc bấy giờ phải mang vóc dáng, gương mặt, khát vọng của người Việt. Do đó, thần mây, thần mưa, thần sấm, thần chớp đã hóa thành hệ Tứ Pháp bao gồm: Phật Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện.
Muốn hiểu về Tứ Pháp, ta phải hiểu về bước đi của người Việt. Theo truyền thuyết về Phật Mẫu Man Nương, xuất phát từ vùng Dâu (Luy Lâu), trong đó sông Dâu đóng vai trò quan trọng về thủy lợi với nông nghiệp của vùng Kinh Bắc xưa. Xưa kia sông Dâu bắt nguồn từ vùng sông Cầu nối sông Tiêu Tương (vùng Tiên Du, phía kinh Bắc xưa), qua Hà Nội có nhập nhánh vào sông Hồng, chạy về phía Luy Lâu rồi đi về phía Văn Lâm nối với sông Châu Giang. Đầu thế kỷ XIX, sông Đuống chưa được khơi rộng nên sông Dâu vẫn là tuyến đường giao thông chính ở phía Nam phần kinh Bắc. Sông Dâu được coi là con sông cổ xưa của Trung tâm Kinh Bắc nối các sông phía Bắc vào sông Hồng, nên nền nông nghiệp vùng Luy Lâu, Thuận Thành cổ phụ thuộc chính vào con sông này. Chính vì vậy, tín ngưỡng thờ Tứ Pháp ra đời tại vùng Dâu, khởi nguồn ở chùa Dâu thờ Pháp Vân; chùa Đậu, thờ Phật Pháp Vũ; chùa Tướng, thờ Phật Pháp Lôi (Bụt Sấm); chùa Đàn, thờ Phật Pháp Điện ( Bụt Chớp) rồi lan rộng ra các vùng châu thổ sông Hồng, sông Thiên Đức như: Đông Anh, Gia Lâm, Thuận Thành, Văn Lâm, những vùng này đều thờ tín ngưỡng Tứ Pháp.
Từ khi hình thành và phát triển cho đến ngày nay, tín ngưỡng thờ Tứ Pháp luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Có thể nói hệ thống Tứ Pháp đã tạo ra dấu ấn đặc trưng riêng của Phật giáo Việt Nam.
Chùa Dâu, Luy Lâu – Trung tâm Phật giáo đầu tiên
Trung tâm Phật giáo Luy Lâu được hình thành do sự viếng thăm của các tăng sĩ, và thương gia Ấn Độ theo các thuyền buôn tới Việt Nam. Trong thời gian lưu trú tại xứ này, họ sinh sống người dân bản xứ và đã dạy cho dân nơi đây những kỹ thuật canh tác, y thuật tiến bộ, do đó mà người dân vùng này cũng mến mộ và dần mến chuộng tôn giáo của họ. Những thương gia họ tuy không phải là những nhà truyền giáo và mục đích của họ đến xứ ta là để buôn bán nhưng trong thời gian lưu lại Giao Chỉ, họ mang theo sinh hoạt Phật Giáo tới xứ ta, họ thờ Phật, đốt trầm, đọc kinh, cúng dường. Phật giáo nguyên thuỷ Ấn Độ bắt đầu hình thành tại nơi đây.
Qua những phân tích trên, ta có thể khẳng định rằng chính những thương gia Ấn Ðộ đã trước tiên đem Phật giáo vào nước ta.
Các thương thuyền này lênh đênh nhiều tháng trên biển nên họ thường thờ đức Quán Thế Âm và đức Nhiên Đăng(5), cầu nguyện Đức Phật và chư vị Bồ Tát hộ trì, che chở cho sóng yên biển lặng. Cũng chính vì thế mà họ thỉnh các vị tăng sĩ đi theo, các vị này đã biến Luy Lâu thành trung tâm Phật giáo của Giao Chỉ.
Do đó ta có thể khẳng định rằng ban đầu, Phật tại Giao Chỉ là từ Ấn Độ truyền sang trực tiếp, không phải là từ Trung Hoa truyền xuống.
Trung tâm Phật giáo Luy Lâu được hình thành đầu tiên ở Việt Nam, khoảng những năm đầu Công Nguyên và phát triển rực rỡ cho đến khoảng thế kỷ thứ 13 thời Lý, Trần. Đây được coi là trung tâm Phật giáo xuất hiện sớm hơn trung tâm Phật giáo Trung Hoa (Lạc Dương và Bành Thành)(6). Theo Việt Nam Phật giáo sử luận viết: “Tác phẩm Phật giáo đầu tiên viết bằng Hán tự, trong khi đó, lại được viết tại Giao Chỉ, đó là cuốn Lý Hoặc Luận của Mâu Tử, một người Trung Hoa trước theo Lão Giáo, sau lánh nạn tới Giao Chỉ, theo học đạo Phật ở đây và trở nên một Phật tử rất thuần thành.”(7) Căn cứ vào sự kiện đó, có thể nói rằng Phật giáo được truyền vào Luy Lâu trễ nhất là vào cuối thế kỷ thứ II.
Chính từ vùng đất Luy Lâu này việc truyền bá đạo Phật diễn ra sôi nổi. Nhiều chuyên gia nghiên cứu Phật giáo cho rằng, nơi đây đã có một hệ thống chùa tu viện để phục vụ cho việc hành đạo và truyền giáo. Theo các nhà nghiên cứu, trung tâm Luy Lâu là trung tâm có tổ chức tăng đoàn lớn nhất và sớm nhất, căn cứ vào những tài liệu của Mâu Tử(8) trong “Lý hoặc luận”(9), là nơi giao lưu của nhiều thiền sư Ấn Độ, số lượng tăng sĩ khoảng 500 vị, Luy Lâu cũng là nơi ngay từ đầu Công nguyên đã lưu hành khoảng 15 bộ kinh Phật. Thời kỳ Luy Lâu thiền học Việt Nam cũng bắt đầu phát triển với Khương Tăng Hội, người được coi là đã dịch Lục độ tập kinh, đặt nền móng cho thiền Việt Nam.
Cũng vào khoảng thời gian này (đầu Công Nguyên) chùa Dâu được các nhà sư Ấn Độ đầu tiên cho khởi công xây dựng.
Đây là một trong năm ngôi chùa cổ trên đất Luy Lâu xưa, chùa Dâu là lỵ sở địa phương của quận Giao Chỉ(10) và cũng là thủ phủ của cả Giao Châu(11) từ năm 111 TCN đến 106 TCN(12), nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30km về phía Bắc.
Chùa Dâu là tên Nôm, vì xưa kia, vùng này chuyên trồng dâu nuôi tằm, tên chữ của chùa là Diên Ứng tự (廷慧寺), xưa chùa còn có tên là (法雲寺) thờ thần Mây trong hệ thống tín ngưỡng Tứ Pháp.
Lịch sử hình thành chùa Dâu.
Chùa được xây dựng vào buổi đầu Công nguyên. Các nhà sư Ấn Độ đầu tiên đã đến đây. Từ cuối thế kỷ VI, nhà sư Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi(13) một người Ấn Độ, tham học từ Trung Quốc, rồi đến chùa này, lập nên một phái Thiền ở Việt Nam.
Chùa được khởi công xây dựng vào năm 187 và hoàn thành năm 226(14), là ngôi chùa lâu đời gắn liền với lịch sử, văn hóa, Phật giáo Việt Nam, được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử ngày 28/4/1962.
Chùa được xây dựng lại vào năm 1313 trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ tiếp theo. Vua Trần Anh Tông đã sai Trang nguyên Mạc Đĩnh Chi về kiến thiết lại chùa Dâu thành chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp. Hiện nay, ở tòa thượng điện, chỉ còn sót lại vài mảng chạm khắc thời Trần và thời Lê.
Kiến Trúc
Chùa Dâu được xây dựng theo kiểu kiến trúc “ Nội công, ngoại quốc ”, với ba tòa nhà tiền đường, thiêu hương, thượng điện nối tiếp nhau như chữ công, và toàn bộ diện tích của chùa được bao quanh bởi bốn bức tường tạo nên hình chữ quốc. Đi từ tam quan vào thì Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện được xây dựng cao dần theo từng nấc. Tiền đường rộng nhất với 7 gian, phong cách Nguyễn muộn, ứng với niên đại ghi trên câu đầu: “ hoàng triều Khải Định tam niên cửu nguyệt sơ cửu nhật trùng tu phật mộc nhận khởi công ” và ghi trên thượng lương: “ Hoàng triều Khải Định tam niên thập nhất nguyệt thập ngũ nhật trùng tu tự vũ thụ trụ thượng lương đại cát ” khẳng định tòa nhà này được làm lại chỉ trong hơn ba tháng từ 9-9 đến 15-11 năm Khải Định 3 ( tức 13-10-1918 đến 17-12-1918). Bên cạnh hai pho tượng hộ pháp như đã nói ở trên, thì Tiền đường còn có bát bộ kim cương, trông rất oai nghiêm, cũng mang phong cách Nguyễn muộn(15) .
Kế tiếp theo tòa Tiền đường là tòa Thiêu hương với ban thờ Tam bảo, hai bên được bố trí Thập điện diêm vương. Tiếp đó cuối tường hai bên trái và phải là hai pho tượng đối diện nhau: trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ( người có công trùng tu xây dựng chùa ) và thái tử Kỳ Đà.(16)
Vượt lên cao nhất trong chùa là tòa Thượng Điện một gian hai trái, với 4 mái cong, tạo khối như bông sen, được trạm trổ điêu khắc rất tỉ mỉ với các hình Tứ linh ( long- ly- quy- phụng ) rất mềm mại, khéo léo. Tòa này được làm lại ở thời Lê trung hưng mà tấm bia khối trụ ở cửa chùa mang tên “Diên ứng đại thiền tự bi ký” dựng năm Vĩnh Thịnh 12 (1716 ) cho biết lúc này chùa cũ bị hư hỏng, gia đình ông Chánh đội trưởng Cao Đình Thuế đã xuất tiền hưng công tu sửa, tòa nhà này nổi bật lên ở chính giữa với tượng bà pháp Vân cao 185cm, hiện lên với vẻ hiền từ phúc hậu của người phụ nữ phương Đông, và dấu ấn ảnh hưởng của phật giáo Ấn Độ với nốt ruồi giữa hai hàng lông mày. Cạnh bên tay trái của bà Pháp Vân là tượng Pháp Vũ, cao 128cm được rước sang thờ cùng khi chùa Đậu bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp. Cả hai pho tượng này đều được sơn bằng lớp sơn màu cánh dán rất đẹp.
Nét đặc sắc của hai pho tượng này, tuy có điểm chung là gương mặt hiền hậu của người phụ nữ nhưng dáng vẻ lại dong dỏng cao, phần ngực không nhô ra như những pho tượng nữ thông thường, có tướng như nam giới, đây được coi là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách tượng Phật và tư duy về tượng mẫu của người Việt. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây chính là yếu tố đã được Việt hóa khi Phật giáo vào Việt Nam, tạo ra một hình tượng mới là Phật Mẫu.
Đứng bên cạnh bà Dâu là tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ cùng với tượng chúa Đen và chúa Trắng ở hai bên, phía dưới Thạch Quang Phật. Với mật độ các pho tượng được bố trí cân xứng trong chùa, góc cuối bên tay phải phật pháp Vân là vị tổ sử Tì- Ny- Đa- Lưu- Chi, người có công phát triển dòng Thiền tông lên mức cực thịnh, để chùa Dâu trở thành ngôi chùa Thiền tông đầu tiên ở Việt Nam.
Thông với khu nhà hậu là hay dãy hành lang chạy dài, được bố trí bở 18 pho tượng Thập Bát La Hán quen thuộc trong kết cấu chùa Việt. Riêng phần gian thờ hậu phía sau có thờ 15 pho tượng theo kết cấu tiền Phật hậu-Thần của Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt trong gian thờ hậu này còn có một tủ kính chứa 2 bộ ván khắc kể về sự tích Man Nương cùng quá trình xây dựng chùa như đã nói ở phần trên. Ngoài ra ở gian thờ này còn chứa các bia đá “hậu phật bi ký ” đời Lê Trung Hưng, Tây Sơn và Nhà Nguyễn.
Nằm ở phía trước sân nhà Tiền đường là tháp Hòa phong uy nghi, quen thuộc trong câu ca dao: “Dù ai đi đâu về đâu, hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về”, Tương truyền, trước kia cao 9 tầng, xây bằng gạch lớn, được nung rắn như sành, màu tím sẫm, bên ngoài không trát vừa cũng không tô vẽ trang trí, nay tháp chỉ còn lại 3 tầng mà đã cao tới 17m”. Tháp được xây dựng từ mùa thu năm 1737 đến mùa thu năm 1738 thì song, do nhà sư Tính Mộ khởi công tu tạo. Trong lòng tháp rỗng, tầng trệt có đặt bốn bức tượng Tứ Trần, phía trên có treo quả chuông đúc năm đầu vua Cảnh Thịnh (1793) nhà Tây Sơn. Quả chuông này do nhà sư Chiếu Tuyên trông coi, và cũng chính nhà sư tự khuyên mình là “ nói năng chậm chạp, bút viết vụng về ” này đã không ngần ngại viết lên bài minh tuyệt hảo và đem khắc lên chuông với tên đề là “Cổ Châu Diên ứng đại thiền tự tạo chú đại pháp chung”. Treo bên cạnh chuông đồng là Khánh đồng, được đúc dưới thời Minh Mạng 1818.
Di Văn
BIA THÁP HÒA PHONG
Bài ký tháp Hòa Phong chùa Diên Ứng ở Cổ Châu
“Từng nghe : Đạo Phật rộng sâu có muôn pháp để cứu người. Tháp báu dựng xây cũng là sự kiện tập thiện. Sách xưa ghi chép, nay vẫn còn lưu.
Kinh xét:
Thuở xưa, vua Tuỳ Cao Đế lưu tâm đến giáo lý của Thích Ca, rất hâm mộ Xà Lê, đã sai sứ giả phụng rước hòm xã lỵ, uỷ cho ngươi Lưu lệnh chọn đất tốt ở Giao Châu (mà cất đặt). Bấy giờ có vị Đại sư là Pháp Hiền bảo rằng : Địch thị đây là nơi thắng địa đối với Phật Pháp.Thế là dựng tháp ở trong khu đất ấy, nghiêm kính thờ một hòm linh nha, gìn giữ mãi mãi. Kỳ nguyên giống thơm muôn nghìn năm không biến đổi. Nào ngờ ngày qua tháng lại, nhiều năm kéo dài, rêu phủ gạch vỡ, dấu cũ ít còn. T Thiện tín thấy vậy, ai là người chẳng có tâm muốn ra tay tu tạo.
Nay có người xã Cao Xá đến ở xã Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, là ông Vũ Hà Thủy, tự Huệ Tiến, giữ chức Nội trú tiểu thuỷ đội Trị nội nhất phiên Thị nội giám ty lễ giám, cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hựu, hiệu Diệu Chính, quy y Phật pháp, dốc lòng hưởng ứng việc nhà Phật, xem Cổ Châu lục thực lục càng hâm mộ sùng kính, thấy cảnh tượng nền cũ tháp xưa mà sinh lòng cảm khái xót thương. Từ đấy (ông bà) tu hạnh Bồ Đề, phát tâm Bồ Đề, mới thợ tính công, bỏ tiền tậu gạch ngói, mong sao quả phúc tròn đầy mới thôi. Thật là vì nhân đức mà tu tâm, làm việc thiện để giúp người. Bền cho đặt đàn phổ khuyến để quyên góp công đức thập phương, những mong Phật ban cho muôn phúc lành.
Vào ngày lành giữa mùa thu năm Đinh Tị (1737) thì khởi công tu tạo lại như xưa. Đến ngày tốt đầu mùa Hạ năm Mậu Ngọ (1738) thì hoàn thành. Tháp xây xong, cao lớn trang nghiêm, tầng trên ghi đề là Tháp Hoà Phong. Tháp này biểu thị nền nghĩa tảng nhân, của đức nhà đạo. Cung Cổ Phật cao vòi vọi, nhà khách phòng tăng đẹp để khang trang. Thật có thể sánh ngang cùng pháp môn phượng tượng, và ngang hàng với Vạn Thọ ở Cam Châu.
Công đức ấy vô biên vô lượng, há chẳng lớn lao thay ! Đâu chỉ làm tăng vẻ đẹp của Thiền môn, mà cốt để lưu truyền mãi mãi về sau.
Tên những người đóng góp vào việc hưng công và tuỳ duyên làm công đức đều được liệt kê ở dưới.
Triều vua Vĩnh Hựu năm thứ tư (nhà Lê).
Ngày lành tháng Tư năm Mậu Ngọ (1738).
Tăng trụ trì bản chùa là Tỉnh Mộ cùng các đệ tử giúp việc công đức.
Nguyên tri huyện Thượng Nguyên, họ Nguyễn, ở xã Vĩnh Thế soạn văn bia.
Ty ngục điền tiền họ Nguyễn, Thủ hợp nhất nội phiên, viết chữ, cùng Nguyễn Cảnh Lộc ở Bạt Thạch cục vâng khắc.”
Lễ hội
Dù ai buôn bán đâu đâu,
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.
Lễ hội chùa Dâu diễn ra vào ngày 8/4 âm lịch hằng năm, gắn liền với truyền thuyết nàng Man Nương hạ sinh Tứ Pháp vào đúng ngày mùng 8/4 trùng với ngày Đức Phật đản sinh. Qua đó ta có thể thấy rằng, lễ hội chính là tấm gương phản chiếu tín ngưỡng cổ xưa của người Việt cũng như Phật giáo du nhập từ Ấn Độ vào nước ta từ thế kỷ đầu.
Trong lễ hội có lễ rước lớn, đám rước bốn chị em về chùa Tổ bái vọng mẹ. Dâng hương cầu kinh xong sau đó đám rước sẽ lần lượt trở về các chùa. Trong lúc rước có các trò múa gậy, cướp nước, múa sư tử, đấu vật, đốt cây bông,… Hội tắm Phật chùa Dâu cũng là một lễ hội lớn gồm 12 làng. trong hội có rước tượng Sĩ Nhiếp, tương truyền ông là người cho tạc tượng Tứ Pháp, ông cũng là người góp công lao lớn cho việc xây dựng nếp sống văn hóa của cư dân trong vùng, khéo léo kết hợp tín ngưỡng bản địa với Đạo giáo do đương thời đưa đến.
Đây được coi là lễ hội Phật giáo lớn của vùng Bắc Bộ với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, sản xuất nông nghiệp mùa màng được bội thu.
Chú thích:
(1). Khâu Đà La (tiếng Phạn: Kaundinya) là một nhân vật trong truyền thuyết Việt Nam. Ông được mô tả như một nhà sư có liên quan đến truyền thuyết về Tứ Pháp và chùa Dâu, trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất của Việt Nam.
(2).Luy Lâu (chữ Hán: 羸婁) là lỵ sở địa phương của quận Giao Chỉ, và cũng là thủ phủ của cả Giao Châu từ năm 111 TCN đến 106 TCN. Luy Lâu thời Bắc thuộc không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn là trung tâm kinh tế-thương mại, trung tâm văn hóa-tôn giáo lớn và cổ xưa nhất của Việt Nam, là thủ phủ của Phật giáo khi mới truyền bá vào Việt Nam.
(3). Sĩ Nhiếp hoặc Sĩ Tiếp (chữ Hán: 士燮; 137 – 226) là Thái thú Giao Chỉ vào cuối đời nhà Hán. Qua giai đoạn Tam Quốc, ông cát cứ và cai trị Giao Châu như một quốc gia độc lập từ 187 đến 226.
(4).Phật Mẫu Man Nương là một nhân vật liên quan đến sự tích Phật giáo Việt Nam khi đạo Phật mới truyền sang đất Việt. Bà có tên là A Man, người làng Mãn Xá vùng Luy Lâu tên tục của làng là kẻ Mèn. Cha mẹ bà là vợ chồng ông Tu Định, một cư sĩ Phật giáo thuần thành và là đệ tử của Khâu Đà La thiền sư.
(5).Nhiên Đăng Cổ Phật (tiếng Phạn là Dipankara hay Dipanikara) là vị Phật thứ tư trong danh sách 28 vị Phật. Nhiên – một từ Hán-Việt – nghĩa đốt cháy, Đăng là cây đèn. Nhiên Đăng Cổ Phật cũng có khi được gọi Nhiên Đăng Phật (燃燈佛), Đính Quang Như Lai (錠光, “Đính” là cái chân đèn).
(6). Có thuyết cho rằng tổ tiên 6 đời của ngài Khương Tăng Hội lánh nạn sang Tây Vực, đến ngài thì tham thiền tại thành Luy Lâu, sau đó thuyết pháp truyền đạo sang Đông Ngô, đến đất Kiến Nghiệp. Rồi dần dà Phật giáo hình thành tại Bành Thành, và lan sang Lạc Dương.
(7). Theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn học, tr23.
(8);(9). 牟子 Mâu Tử. Danh nhân Trung Quốc, người quận Thương ngô, sống vào cuối đời Đông Hán, họ Mâu, tên Dung. Ban đầu ông học Nho, nghiên cứu các kinh truyện, ông cho rằng các sách nói về thần tiên đều là những truyện hư cấu hoang đường. Sau khi vua Linh đế nhà Đông Hán băng hà (189), thiên hạ loạn lạc, ông cùng thân mẫu lánh nạn sang đất Giao chỉ (nay là Bắc bộ của Việt nam), năm 26 tuổi ông mới trở về Thương ngô. Sau khi thân mẫu qua đời, ông phát tâm qui y Phật giáo, đồng thời nghiên cứu Lão tử, Ngũ kinh.
(10). Giao Chỉ (chữ Hán: 交趾) là địa danh một phần lãnh thổ Việt Nam trong lịch sử, từ thời Hùng Vương đến các kỳ thời Bắc thuộc. Nó cũng là tên Bắc Tống và Nam Tống gọi 3 nhà nước của nhà Đinh, nhà Tiền Lê, và nhà Lý từ 975 đến 1164.
(11). Thời Đông Hán khu vực Bắc Bộ và một phần tỉnh Quảng Tây được gọi là Bộ Giao chỉ. Đến đời nhà Lương, đổi thành Giao Châu.
(12). Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Tiền biên, Quyển 2, sđd.
(13). (滅喜), là một Thiền sư người Ấn Độ, từng sang Trung Quốc tham học và là môn đệ đắc pháp của Tam tổ Tăng Xán. Cuối đời ông xuống phương Nam truyền pháp và được tôn xưng là Tổ khai sáng thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi tại Việt Nam.
(14). Nguyễn Xuân Hưng, chùa Dâu và lễ hội truyền thống Phật giáo lớn nhất Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu Phật học.
(15). Nguyễn muộn là sự giao thoa giữa công trình kiến trúc nhà Nguyễn với kiến trúc Baroque Pháp
(16). (祇陀太子) Phạm,Pàli:Jeta. Cũng gọi Kỳ đa thái tử, Thệ đa thái tử, Chế đa thái tử. Hán dịch: Thắng thái tử, Chiến thắng thái tử. Hoàng thái tử con vua Ba tư nặc (Phạm: Prasenajit) nước Xá vệ (Phạm:Sràvasti), Trung Ấn độ. Thái tử là người dâng cúng rừng cây ở Kỳ viên cho đức Phật, là nơi trưởng giả Tu đạt đã kiến lập tinh xá Kỳ viên rất nổi tiếng. Về sau, Thái tử bị vua Tì lưu li (Phạm: Virùđhaka), là em khác mẹ, giết chết. [X. kinh Giáo hóa bệnh trong Trung a hàm Q.28; kinh Tăng nhất a hàm Q.26; kinh Pháp cú thí dụ Q.1.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Xuân Hưng (2009), chùa Dâu và lễ hội truyền thống Phật giáo lớn nhất Việt Nam, tạp chí nghiên cứu Phật học.
- Hoàng Hoa Thám, tín ngưỡng Tứ Pháp, hình thức thờ mẫu được Phật hóa, một nét văn hóa bản sắc Việt Nam, Phòng nghiên cứu – sưu tầm, bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
- TS Nguyễn Mạnh Cường, chùa Dâu, Di sản văn hóa huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.