Chùa Diêm Điền (Giao Thủy, Nam Định)

Chùa Diêm Điền (Giao Thủy, Nam Định)

Thông tin cơ bản

Vị trí

 Đền – Chùa Diêm Điền xã Bình Hòa, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định; nằm ven đường giao thông bên cạnh trụ sở Ủy ban nhân dân huyện nên rất thuận lợi trong việc đón khách tham quan và phát huy giá trị của di tích.

Kiến trúc

Ngôi đền ban đầu làm bằng tranh tre, sau dần mở mang. Đến thế kỷ XIX đền được xây dựng lớn theo kiểu chữ đinh. Tòa tiền đường gồm có 5 gian, hai gian ngoài cùng được xây vít có tạo cửa sổ để thông thoáng, ba gian giữa tạo cửa ra vào, cánh cửa gỗ kiểu thượng song hạ bàn. Hai đầu hồi xây bít đốc, mái lợp ngói nam. Tiền đường gồm có 4 bộ vì. Gánh đỡ mỗi bộ vì là bốn cây cột gỗ lim đường kính 0,30m ; đặt trên chân tảng đá xanh. Các vì nóc được làm theo kiểu ván mê, chạm khắc hổ phù, rồng bay trong mây. Vì nách chạm tứ linh. Trên các câu đầu, các bẩy ngoài những đường chỉ đơn, chỉ kép còn nhấn tỉa những cánh lá lật mềm mại, khiến cho từng bộ phận tách riêng ra cũng không đơn điệu và khi hòa nhập trong một tổng thể nó lại càng hỗ trợ nâng giá trị chung cho toàn thể công trình.

Bốn gian cung cấm được nối với tiền đường bằng hệ thống cửa bức bàn, bộ vì được làm theo kiểu ván mê. Ở cung cấm đền Diêm Điền các mảng chạm khắc kỹ thuật tinh xảo với đề tài lưỡng long chầu nguyệt, mai hóa… đặc biệt là hình ảnh tứ linh sinh động ở ván mê: rồng bay lượn trong mây, phượng đang tung cánh, rùa ly vừa chạy, vừa ngoái cổ lại nhìn nhau.

Chùa Diêm Điền được nhân dân xây dựng sau khi dựng đền. Chùa được làm theo kiểu chữ đinh, bái đường 5 gian, thượng điện 3 gian. Hệ thống cột và tường bao quanh được xây bằng gạch, mái lợp ngói nam.

Nhà tổ nằm lui về phía sau chùa, gồm 5 gian thiết kế theo kiểu chồng diêm với các bờ bảng, mái cong, các con kìm, kẻ góc, đầu đao được gia công khá công phu và nghệ thuật.

Giá trị văn hóa

Di tích đền – Chùa Diêm Điền là nơi có nhiều mối liên quan đến phong trào cách mạng của địa phương, đặc biệt trong thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền. Đây là địa điểm cho các đội tự vệ địa phương luyện tập quân sự, võ nghệ. Tại đền còn có hầm bí mật cất giữ tài liệu, che chở bảo vệ cán bộ hoạt động lâu dài.

Ngày nay, người dân Diêm Điền đang xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, trù phú hơn. Để tưởng nhớ buổi ban đầu các ông tổ bắt tay khai khẩn mảnh đât này, hàng năm vào ngày 16 tháng 3 âm lịch dân làng tổ chức lễ hội rước giao hảo từ đền Hà Cát về đền Diêm Điền. Khi đoàn rước về đến đền ngoài việc tiến hành các nghi lễ còn có nhiều trò vui diễn ra trong hội như: đấu võ, thả diều, nhưng hấp dẫn nhất là thi đấu cờ người.

Đền –  Chùa Diêm Điền đã được Bộ văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa.

  • Tham khảo theo cuốn “Lịch sử Phật Giáo Nam Định” – NXB Tôn Giáo
Chấm điểm
Chia sẻ

Một bình luận

  1. Avatar photo
    Nguyễn đình Duy

    Con muốn đi tu có thể cho con tu được không năm mo adi đa Phật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)