Chùa Đô Mỹ (Hà Trung, Thanh Hoá)

Chùa Đô Mỹ (Hà Trung, Thanh Hoá)

Cách thành phố Thanh Hóa hơn 20 km, chùa Đô Mỹ tọa lạc tại xã Hà Tân, huyện Hà Trung. Huyện Hà Trung trước kia có tên là huyện Tống Sơn (có sông Tống Giang chảy qua nên địa danh gắn liền với sông núi). Hà Trung – Tống Sơn là dải đất cổ, cư dân đến sinh sống từ lâu đời, nằm giữa mạch núi Tam Điệp và mạch núi từ Thạch Thành đổ xuống tạo cho vùng đất núi non hiểm trở có nhiều hang động, cảnh quan đẹp, cũng là vùng đất phên giậu, địa linh của Thanh Hóa.

Quá trình hình thành và phát triển

Nơi đây, từ năm Anh Vũ Chiêu Thắng (1076-1084), đời nhà Lý, Mãn Giác Thiền sư (thầy dạy đạo Thiền của Lý Nhân Tông) đã đến giáo hóa đạo Thiền, Tướng quân Lý Thường Kiệt làm Tổng trấn Thanh Hóa cho xây dựng chùa Linh Xứng. Từ đó đạo Phật càng phát triển, để 30 năm sau, tỉnh lỵ Duy Tinh (thuộc huyện Hậu Lộc bây giờ) trở thành trung tâm Phật giáo của Thanh Hóa vào triều Lý.

Văn hoá

Hà Trung cũng là trung tâm của đạo Mẫu Việt Nam với đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh. Đền Hàn Sơn là hệ thống đền to phủ lớn, các giá các chầu của đạo Tứ phủ: đền Mẫu Thoải Cung, đền cô Bơ Thoải, đền chầu Đệ tứ, đền cô Tám Đồi Chè thu hút người dân cả nước về Hà Trung try hội chùa, hội đền.

Thắng cảnh

Xã Hà Tân là vùng danh thắng, sông núi rừng suối hữu tình. Hà Tân gây ấn tượng đến ngỡ ngàng bởi những rặng núi trùng điệp giăng hàng nhấp nhô hang động đẹp. Dưới chân núi là cánh đồng vàng dập dờn sóng lúa, khiến nhiều người trầm trồ: Hạ Long trên cạn”. Xa xa là cánh rừng lim, sến Tam Quy được Nhà nước xếp hạng là rừng đặc dụng được bảo vệ.

Thắng tích

Xã Hà Tân cũng có nhiều thắng tích. Nơi đây có đền thờ Tướng quân Nguyễn Thành Công (người Hải Dương) theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa, bị Mã Viện hãm hại, đình làng Đô Mỹ to và đẹp nổi tiếng (thờ Tô Hiến Thành là Thành hoàng làng). Đình Đô Mỹ được ghi trong Đại Nam nhất thống chí triều Nguyễn. Dân gian có câu: Đình huyện Tống (Hà Trung) trống huyện Nga (Nga Sơn). Ngoài ra còn có các đền, chùa như: đền Cao Sơn, đền Tô Hiến Thành, đền Vũ Dũng, đình Tâm Quy, đình Nam Thôn, đình Vĩ Liệt, đền Đức Bà, đền Đức Ông, đền Đức Thánh Trần, chùa Tâm Quy, chùa Tiền Đà, chùa Thiên Phúc Chi, chùa hang Vĩ Liệt, nghè Thượng, nghè Trung

Lịch sử

Xã Hà Tân còn là trung tâm sầm uất một thời của huyện Tống Sơn xưa. gần bến đò Đô (có cả bến đò dọc và có cả bến đò ngang) nên người vùng ngược vùng xuôi, người các vùng lân cận đổ về, cả người Mường người Hoa cũng đến trao đổi buôn bán trên bến dưới thuyền, hàng hóa phong phú lâm – thổ – hải – sản, rèn – cưa – tiện – đúc. Chợ Đô Mỹ nổi tiếng một thời có ghi trong Đại Nam nhất thống chí triều Nguyễn. Người đến chợ, không chỉ trao đổi hàng hóa mà còn vãn cảnh, chơi chợ. Chợ Đô Mỹ đặt trước đình làng, ngày nay vẫn còn nhưng không sầm uất như xưa.

Để tôn vinh vùng đất đẹp, trù phú, dân làng lập ngôi chùa để tụ hội lòng người hướng thiện tránh điều ác và để cho dân chúng cầu Tam Bảo độ trì. Chùa Đô Mỹ còn gọi là chùa Kho nằm phía tây làng Đô Mỹ (xã Hà Tân) có từ đó. Người vào lễ chùa rất đông. Chùa được các Phật tử có hằng tâm hằng sản (có lòng, có của) cung tiến để xây dựng chùa, đúc tượng đúc chuông như dân gian thường nói:

Làm chùa tô tượng, đúc chuông

Trong ba việc ấy, thập phương nên làm

Năm Khải Định thứ 4 (Canh Ngọ – 1920), chùa Kho chuyển về khu đất bên đình làng Đô, được gọi là chùa Đô Mỹ (lấy tên làng đặt cho tên chùa).

Văn bia chùa Đô Mỹ dựng ngày 1 tháng 8 năm Khải Định thứ 4 có ghi:

Ấp này có chùa là nơi chứa những báu vật và phúc đình, lại là nơi gần nước, tụ lại hoa đẹp với vườn cảnh rất phong phú, phong thái hiền từ mà lấp lánh ánh sáng trí tuệ. Quả là chốn tĩnh thổ đất lành, ngập tràn vẻ đẹp càn – khôn tụ hội mà thành danh lam. Phật đài 9 tầng, Phật đường nhị tuế. Chốn Phật trải theo thời gian lại càng thêm lâu cho đất thêm tốt, hoa cỏ thêm tươi, dân lại càng vun chăm xóm ấp.

Các lão bà Nguyễn Thị Thốn, Nguyễn Thị Khánh, Nguyễn Thị Tuyên, Nguyễn Thị Hộ đều là những người có lòng có của cúng tiến tượng đồng, chuông đồng và thỉnh sư về trụ trì để tụ niệm Phật pháp làm cảnh thêm đẹp, cuộc sống càng tốt tươi.

Phật tượng A Di Đà được làm thêm, Phật tượng càng được tôn tạo. Phạn vũ huy hoàng, tài sản tài lực của dân cũng được tận dụng. Tâm không trong suốt, đạo lực thanh cao. Phật pháp huyền vi sâu sắc, làm rừng tùng bừng dậy, sắc tòa sen phảng phất hương thơm. Các Ni sư cùng đồng lòng chăm lo, trong tâm chứa những điều tốt đẹp. Nay ghi những điều tốt đẹp để đời sau tiếp nối.

Một vùng nước non mộng mơ huyền ảo cao ráo, đẹp như một bức tranh để mọi người thắng lãm, chiêm bái, thưởng thức vẻ đẹp của bầu không lồng lộng giữa mây trời (Phỏng dịch).

Triều vua Bảo Đại thập nhị niên (năm Bính Tý – 1936), chùa Đô Mỹ làm thêm nhà Tổ, nhà Tăng và nhà khách theo hình chữ Đinh. Trong điện chính có 3 pho Tam Thế, tiếp đến là 3 pho: Đức Thích Ca giáo chủ, tượng Tuyết Sơn và Đức Phật Di Lặc. Hai bên còn có 2 pho tượng nhỏ. Đó là Pháp Hoa Bồ tát, Đại Diên Đồng Bồ tát. Nhiều Ni sư đã truyền thừa trụ trì ở đây, cuối triều Nguyễn chùa Đô Mỹ được xây dựng quy mô mang phong cách kiến trúc chùa Nguyễn.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Hà Trung, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Hà Trung lên cao. Theo tinh thần của nhà Phật: Hòa quang đồng trần, Phật pháp bất ly thế gian giác các nhà tu hành ở chùa Đô Mỹ nhiệt tình tham gia cách mạng, che giấu cán bộ và làm liên lạc cho Việt Minh. Chùa Đô Mỹ trở thành nơi liên lạc của các vị lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản, Tỉnh bộ Thanh Hóa, Tỉnh bộ Việt Minh, các vị lãnh đạo chủ chốt của địa phương. Nơi đây được đón Tố Hữu, Lê Tất Đắc, Lê Chủ về chỉ đạo phong trào, cũng là nơi nuôi giấu các cán bộ cốt cán của huyện như ông Nguyễn Văn Huệ, ông Tạ Quý Quynh. Các nhà tu hành trở thành giao liên chắp nối cơ sở của Tỉnh ủy Thanh Hóa và là cơ quan ấn loát tài liệu. Thời phong trào phản đế, chùa Đô Mỹ là nơi tiếp nhận lương thực, thực phẩm, tiền của. Ni sư Đàm Hiên là người thu nhận để chuyển giao cho Chiến khu Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành). Chùa Đô Mỹ là địa chỉ cách mạng, góp phần cùng dân tộc làm nên Cách mạng tháng Tám thành công ở Thanh Hóa và ở huyện Hà Trung. Chú tiểu Tường trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản, lão thành cách mạng, Ni sư trụ trì Thích Nữ Đàm Hiên được tặng Bằng có công với nước.

Trong kháng chiến chống Pháp, để phòng ngừa giặc Pháp từ Ninh Bình đánh vào, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến, chùa Đô Mỹ đồng hành cùng dân tộc, tượng thờ chuyển đi, nhiều đoạn tường dỡ bỏ. Năm 1953, chùa Đô Mỹ trở thành hoang phế, địa phương dùng làm kho chứa lúa

Đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của cán bộ địa phương và các tín đồ Phật tử muốn tôn tạo lại chùa để bảo vệ di tích lịch sử cách mạng và nơi để sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng Phật giáo, chùa Đô Mỹ được phục dựng lại. Ngày 27-7-1996, cụm di tích lịch sử – văn hóa gồm đình chùa làng Đô Mỹ được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh. Chùa Đô Mỹ không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh mà còn là địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng trên quê hương Hà Trung.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập I), ThS. Trịnh Quốc Tuấn
Chấm điểm
Chia sẻ
Chua-Do-My-Ha-Trung-Thanh-Hoa

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nội dung đang được cập nhật.
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.
Video

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *