Chùa Dơi (Mã Tộc – Sóc Trăng)

Chùa Dơi (Mã Tộc – Sóc Trăng)

Giới thiệu chung


Chùa Dơi, hay còn gọi với cái tên Mã Tộc (hoặc Mahatúp), là quần thể kiến trúc đặc biệt mang đậm bản sắc tín ngưỡng của người Khmer. Chùa tọa lạc trên con đường Văn Ngọc Chính, Phường 3, Thành phố Sóc Trăng. Cái tên chùa Dơi xuất phát từ việc chùa là nơi sinh sống, tụ họp của hàng nghìn con dơi.

Chùa Dơi không chỉ là địa điểm du lịch tâm linh mang vẻ đẹp độc đáo, cổ kính mà còn là nơi du khách cùng quý Phật tử có thể hòa mình với thiên nhiên huyền bí, ma mị. Được biết, chùa còn là nơi thờ Phật Thích Ca duy nhất của đồng bào Khmer Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Năm 1999, chùa được công nhận là di tích nghệ thuật quốc gia

Lịch sử hình thành


Theo ghi chép của thư tịch cổ, chùa Dơi bắt đầu xây dựng từ năm 1569, hơn 440 năm tính đến thời điểm hiện tại. Lúc này, chính điện của chùa chỉ đơn giản làm từ tre lá, mãi về sau mới được lót gạch, lợp ngói. Năm 1960 là lần đầu tiên tiến hành công cuộc sửa chữa lớn cho chánh điện, trải qua biết bao lần trùng tu tôn tạo mới có được sự đẹp đẽ khang trang như bây giờ. 

Năm 2008, khu vực chánh điện bị cháy do một biến cố bất ngờ xảy ra. Tuy nhiên, nó đã được khắc phục, sửa chữa lại như cũ vào tháng 4/2009.

Năm 2013, khu du lịch Chùa Dơi (ở vị trí đối diện chùa) chính thức đi vào hoạt động. Mặc dù không được đầu tư nhiều vì ngân sách hạn chế nhưng khu du lịch này lại được lòng du khách bởi được trang bị bãi giữ xe rộng rãi cùng vô số những tiện ích khác như xe điện, nhà hàng,…

Năm 1999, chùa Dơi được chứng nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Vì thế mà chính quyền Sóc Trăng cho đến nay vẫn luôn đề ra những chính sách bảo tồn, tôn tạo để biến chùa thành một nơi vừa để giáo dục tín ngưỡng, vừa là một địa điểm du lịch độc đáo của tỉnh.

Kiến trúc nổi bật


Ngoài những đóng góp cho nền văn hóa tín ngưỡng nước nhà, chùa Dơi còn khiến nhiều du khách phải trầm trồ bởi lối kiến trúc độc đáo. Với diện tích khoảng 4 hecta, tổng thể kiến trúc chùa Dơi bao gồm: Chánh điện, Salo, phòng ở của trụ trì và sư sãi, nhà hội của sư sãi và các tín đồ, phòng khách, tháp để tro người đã khuất,… Bao quanh khuôn viên chùa là những cây cổ thụ mát dịu. 

Có thể thấy, chùa Dơi có lối kiến trúc bị ảnh hưởng bởi văn hóa của đồng bào Khmer. Tổng thể ngôi chùa khoác lên mình sắc vàng cam đặc trưng. Ngay từ khi bước vào trong, du khách đã bị choáng ngợp với không gian phủ màu vàng rực. Trái ngược với sự đơn giản của cổng chính, hai bên cổng phụ được trang trí bởi hình thù con rắn khổng lồ năm đầu với vẻ mặt hung tợn như đang sắp sửa tấn công con mồi khiến du khách cảm thấy rùng rợn, huyền bí. 

Chùa Dơi sử dụng lối kiến trúc đặc trưng của đồng bào Khmer khi thiết kế nhiều tháp nhỏ trên mái chùa. Bốn đầu mái cong vút, mỗi đầu đều được chạm trổ hoạ tiết rắn Naga tinh xảo. Để ý kĩ, có thể thấy toàn bộ mái chùa là một tác phẩm kiến trúc vĩ đại khi ẩn chứa đằng sau là những triết lý Trời, Phật của đồng bào Khmer. Trên các bức tường bao quanh trù đều được trang trí những hình bích họa sinh động tái hiện bản sắc văn hóa của người Khmer Nam Bộ.

Đi sâu vào bên trong, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những bức tượng phác họa tiên nữ Kemnar đang chắp hai tay trước ngực và nở một nụ cười bí ẩn bao quanh gian chính điện. Nơi đây – Chính điện – tọa lạc trên nền cao hơn mặt đất khoảng 1 mét và có đá kết xi-măng bao quanh. Nó nằm trên một mảnh đất hình chữ nhật trải theo hướng Đông Tây với cửa chính quay về hướng Đông.

Nội thất Chánh điện bao gồm vô số những tượng Phật lớn, nhỏ. Nổi bật nhất vẫn là tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được làm bằng đá nguyên khố và sơn thiếp vàng. Bức tượng này cao khoảng 2 mét, đặt lên bệ thờ cao chừng một mét rưỡi và trang trí xung quanh bằng những hoa văn chim muông, cánh sen, hoa lá,… Ngoài ra, du khách cũng phảo trầm trồ trước sự kỳ công của một pho tượng gần đó, cụ thể bức tượng này mô phỏng lại hình ảnh Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda.

Đối diện về hướng Tây của Chính điện là dãy nhà Sa La, phòng khách, phòng của sư trụ trì và xung quanh là rải rác những tháp dùng để đựng cốt tro người chết. Đặc biệt, mỗi tháp lại mang một khiết kế hoàn toàn khác nhau. Nhìn chung, chùa Dơi được thiết kế như một rừng hoa văn khi sở hữu bố cục hài hòa cùng những đường nét gọn gàng, uyển chuyển,… thể hiện tinh thần sáng tạo, sự khéo léo của đồng bào Khmer. 

Ngoài ra, khuôn viên chùa còn được trồng rất nhiều cây cổ thụ, cây ăn quả đem đến một không gian tràn ngập bóng mát. Vì thế, du khách có thể tận hưởng bầu không khí trong lành, mát rượi để thư giãn khi du ngoạn chùa Dơi. Ở đây còn có một hồ nước trong lành với những đàn cá tung tăng tranh nhau đớp mồi khi được thả đồ ăn.

Bảo tồn


Hiện nay, chùa Dơi Sóc Trăng đang lưu giữ những bộ kinh quý hiếm được ghi trên sử sách, hiện vật, lá cây thốt nốt,… mang bản sắc văn hóa của người dân Tây Nam Bộ. Ngoài ra, màn hòa tấu của dàn ngạc ngũ âm cùng với chiếc ghe ngo đặc trưng của người Khmer cũng là những giá trị văn hóa, hiện vật cần được bảo tồn. 

Câu chuyện


Đến chùa Dơi, du khách không khỏi trầm trồ khi được chiêm ngưỡng hàng nghìn con dơi treo mình lủng lẳng trên các cành cây. Được biết vào những lần cao điểm, số lượng dơi đến chùa lên đến hơn một triệu con. Đây hoàn toàn là một điều bí ẩn khi những con dơi này chỉ chọn chùa Dơi làm nơi cư trú thay vì chọn những ngôi chùa mát mẻ, thanh tịnh khác. Thậm chí, phạm vi cư ngụ của nó chỉ trong khuôn viên chùa, không đậu ra bên ngoài.

Những con dơi ở Dơi chủ yếu là loài quý hiếm, trọng lượng khoảng 1 – 1,5 kg với sải cánh rộng lên đến 1,5 m. Chúng không ăn quả trong chùa mà thay vào đó lại bay đi xa để kiếm ăn. Đó là lí do khi hoàng hôn buông xuống, chùa lại trở nên rộn ràng bởi tiếng vỗ cánh đi kiếm ăn của bầy dơi. Điểm kì lạ là chúng chỉ bay thành hàng trên bầu trời khu vực chùa, không bao giờ bay ngang qua nóc chính điện. Có nhiều người cho rằng đó chính là bầy dơi đang khẩn cầu Đức Phật ban cho phước lành.

Ngoài ra, chùa Dơi càng trở nên bí ẩn hơn bởi câu chuyện về loài lợn 5 móng được nhiều người truyền tai nhau. Người Khmer quan niệm rằng lợn 5 móng là “cốt tinh” của con người, gia đình nào nuôi giống heo này sẽ bị quấy phá, biến cố triền miên. Vì thế mà bắt đầu hơn 20 năm về trước, lợn 5 móng được người dân gửi vào chùa Dơi để chăm sóc, trông nom

Không rõ thực hư của những câu chuyện này ra sao nhưng chùa Dơi vẫn lưu giữ những ngôi mộ của những con lợn 5 móng. Nhiều người cho rằng đến đây thành khẩn thắp nhang sẽ được những “dị nhân” mách nước cho những con số may mắn, thần tài

Tham khảo


  • https://www.vntrip.vn/cam-nang/chua-doi-soc-trang-81847
  • https://vnexpress.net/chua-doi-o-soc-trang-4059264.html
  • https://thamhiemmekong.com/thong-tin-du-lich-mien-tay/chua-doi-diem-den-khong-bo-qua-o-soc-trang.html

 

Chấm điểm
Chia sẻ
1. Chùa Dơi (Nguồn_ https_thamhiemmekong.com_thong-tin-du-lich-mien-tay_chua-doi-diem-den-khong-bo-qua-o-soc-trang.html)_

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nội dung đang được cập nhật.
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *