Tên gọi và vị trí địa lý
Chùa Đông Ba hay còn gọi là chùa Sùng Ân, tên chữ là Sùng Phúc tự. Chùa nằm gần đê sông Hồng, thuộc xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km về phía Tây Bắc.
Thượng Cát xưa có tên Nôm là Kẻ, một vùng đầm rừng ven sông Hồng. Thời Đông Hán, nơi đây có ba vị tướng Quách Lãng, Đinh Bạch Nương, Đinh Tĩnh Nương nổi dậy chống ách đô hộ của thái thú Tô Định, rồi tham gia nghĩa quân của Hai Bà Trưng. Khi Mã Viện kéo quân sang xâm lược, đoàn quân do ba vị chỉ huy đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh đến người cuối cùng. Ba vị tướng được cả vùng tôn thờ làm Thành Hoàng.
Năm 557, Lý Phật Tử và Triệu Việt Vương từng lấy Thượng Cát làm ranh giới chia đôi nước Vạn Xuân. Dân vùng Kẻ đã khai hoang, lập thêm 2 làng Hạ Cát và Đông Ba (sóng phía đông). Đến thời Lê, ba làng này thuộc xã Thượng Cát, tổng Hạ Trì, huyện Từ Liêm. Sang thời Nguyễn, làng Hạ Cát được tách riêng thành một xã và đổi tên là Đại Cát… Do có sự chuyển dòng của sông Hồng cho nên dân vùng Kẻ đã phải đắp lại đê hàng chục lần và lui vào sống chủ yếu ở sau đê.
Lịch sử
Hiện nay, tại di tích còn sót lại một số viên gạch thế kỷ XVI, có thể khẳng định rằng chùa đã có lịch sử từ lâu đời. “Theo tấm bia Hậu Phật bi ký tại chùa cho biết vào năm Bảo Thái thứ 10 (1729) chùa Sùng Ân được mở rộng Tam Bảo, năm sau sửa thêm gác chuông, tô tượng cũ và làm thêm tượng mới, những dấu ấn của lần trùng tu này không còn bao nhiêu.”[1] Sau đó, chùa tiếp tục được trùng tu thêm vào các năm 1837, 1849. Trải qua mấy thế kỷ, chùa bị hư hại nhiều, Tam Quan cũ không còn nữa.
Kiến trúc cảnh quan
Chùa Đông Ba gồm toà Tiền Đường 5 gian, gian giữa kết nối với nhà Thiêu Hương và Thượng Điện theo kiểu chữ Công. Tầng cao nhất Thượng Điện bài trí tượng Phật Tam Thế, rồi đến tượng Phật A Di Đà với hai vị Bồ Tát ở hai bên. Tiếp theo là tượng Đức Phật Thế Tôn với hai thị giả. Lớp dưới đặt tượng Di Lặc bằng đồng. Ngoài cùng có toà Cửu Long với tượng Thích Ca sơ sinh, hai bên là Nam Tào, Bắc Đẩu.
Dọc tường hồi toà Thiêu Hương có hai dãy tượng Thập điện Diêm Vương. Hai pho Hộ Pháp khá lớn đứng hai bên gian giữa Tiền Đường, hai gian giáp đầu hồi bày bộ tượng Đức Ông với hai thị giả và bộ tượng Thánh Tăng, Diêm Nhiên, Đại Sĩ. Trên các cốn mê của nhà Thiêu Hương có những mảng chạm hổ phù khá đặc sắc.
Hậu Đường nằm quay lưng lại với Thượng Điện, phía trước là khoảng sân vườn có lối ra vào, nhà khách được xây bên phải. Trong Hậu Đường, pho tượng Bồ Đề Đạt Ma và xá lị sư tổ của chùa được đặt ở gian bên phải; gian giữa thờ tứ phủ: Mẫu Thiên, Mẫu Thoải, Mẫu Địa, Mẫu Thượng Ngàn; gian bên trái đặt một long ngai cùng các đồ tự khí. Bộ khung gỗ bên trong chùa đều được trang trí bằng các mảng chạm hình tứ quý, tứ linh….
Hiện vật
Hiện nay, chùa còn giữ được khá nhiều hiện vật quý, gồm: 2 bức hoành phi, 7 đôi câu đối, 1 hương án chạm trổ công phu, 14 tấm bia đá (2 tấm có niên hiệu Bảo Thái và Vĩnh Khánh (1720 và 1773)), 2 quả chuông đồng, 8 pho tượng Mẫu và 25 pho tượng Phật là những tạo tác từ thời Lê trung hưng đến triều Nguyễn. Bên cạnh đó, chùa còn có một bức phù điêu đá tạc người có công đóng góp sửa chùa ở thế kỷ XVII.
Xếp hạng
Chùa đã được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 22/4/1992.
Chú thích
[1] Nguyễn Thế Long, Phạm Mai Hùng, Chùa Hà Nội, Nxb Văn hoá – Thông tin, 2005, tr. 141.
Tham khảo
- Nguyễn Chí Công, Chùa Đông Ba (Sùng Phúc tự),
http://360.hncity.org/spip.php?article586
- Nguyễn Thế Long, Phạm Mai Hùng, (2005), Chùa Hà Nội, Nxb Văn hoá – Thông tin.