Chùa Đông Dư Thượng (Gia Lâm, Hà Nội)

Chùa Đông Dư Thượng (Gia Lâm, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Vị trí và tên gọi

Chùa Đông Dư Thượng là tên gọi theo địa danh của làng Đông Dư Thượng, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Tên chữ là Nội Long tự – chùa trong mắt rồng. 

Kiến trúc

Chùa Đông Dư Thượng được xây dựng trên một khu đất cao giữa làng. Mặt bằng di tích bao gồm Chính điện hình chữ Đinh; Nhà Tổ; Nhà Mẫu nằm bên trái và Vườn Tháp ở bên phải Chính điện. Xung quanh là khu vườn rộng rãi, thoáng mát. Phía trước mặt chùa là ao đình Đông Dư Thượng. Theo quan niệm truyền thống thì chùa đã hội tụ được những đặc điểm đất cao, tươi nhuận, có dòng chảy trước mặt, nước mát mẻ mang ý nghĩa tụ linh, tụ phúc.

Tam Quan là một kiến trúc đơn giản được xây bằng gạch gồm hai tầng tám mái đắp giả ngói ống, các góc mái tạo cong trang trí hình rồng. Phần cổ diềm giữa hai mái tạo khuông chữ nhật đề bốn chữ Hán dịch ra là  “Đông Dư Thượng tự”. Tuy nhiên, cổng này đã cũ, nhà chùa cho đóng một tấm pano đề “Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Đông Dư Thượng” nên không đi lại được mà ra vào bằng lối cạnh cổng.

Chính điện có kết cấu chuôi vồ hay còn gọi là chữ đinh quay theo hướng Tây Nam gồm Tiền Đường và Thượng Điện.

Tiền Đường là một lớp nhà ngang năm gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, mái lợp ngói ta. Hai tường hồi phía trước xây vượt ra khoảng 70cm với hai cột trụ biểu có mặt cắt ngang hình vuông, đỉnh trụ trang trí hình bốn chim phượng chụm đuôi vào nhau, đầu quay bốn phương dưới dạng lá lật. Ở ba gian giữa mở ba cửa bức bàn, hai gian hồi mở hai cửa sổ ô vuông trấn song gỗ. Bộ khung nhà Tiền Đường liên kết với nhau bằng sáu bộ vì kèo chắc chắn được làm theo dạng thức “giá chiêng ván mê” mặt bằng kiến trúc theo lối bốn hàng chân.

Thượng Điện gồm ba gian một dĩ chạy dọc với sáu cột quân có chiều cao 3,5m nối liền với gian giữa nhà Tiền Đường, có ba bộ vì kèo được làm thống nhất theo kiểu “quá giang ván mê”.

Kết cấu kiến trúc hiện nay của chùa mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn được nhận biết qua 12 bức cốn nách và được thể hiện bằng kỹ thuật chạm nổi, chạm bong kênh, đường nét chau chuốt, mềm mại, khỏe khoắn. Đề tài được thể hiện trên các mảng trang trí chủ yếu là rồng chầu mặt trời, phượng chầu hổ phù, lá hóa long mã, lá cúc hóa rồng, lá mai hoá rồng tượng trưng cho sự vận hành, chuyển đổi của vũ trụ, tạo vật.

Bài trí tượng Phật

Cũng như nhiều ngôi chùa cổ khác, hệ thống tượng trên Chính điện chùa Đông Dư Thượng được xếp đặt tuân thủ theo quy tắc truyền thống:

Tại nhà Tiền Đường, bên trái là ban thờ Đức Ông, tượng được thể hiện như một quan văn đội mũ cánh chuồn mặt đỏ, râu dài, vẻ mặt nghiêm nghị. Ở góc phải Tiền Đường là ban thờ Đức Thánh Hiền, đầu đội mũ tỳ lư có bảy cánh sen, mỗi cánh sen có hình Đức phật một tay cầm chén, một tay bắt ấn. Phía ngoài Tiền Đường là hai pho tượng Kim Cương được tạc rất lớn, to cao hơn người thường ở thế ngồi trên lưng con sấu (gần giống như loài sư tử). Cả hai pho này tạc hình dáng các võ sĩ, trông rất oai nghiêm, đầu đội mũ trụ mặc áo giáp và có dây thần thông. Cạnh tượng Đức Ông là tượng Thiện Hữu Thái Tử (còn gọi là Ông Thiện, Khuyến Thiện), tượng được tạc với khuôn mặt hiền từ, trắng trẻo, tay cầm viên ngọc báu. Cạnh ban Đức Thánh Hiền là tượng Ác Hữu Thái Tử (còn gọi là Ông ác, Trừng Ác), tượng có khuôn mặt đỏ dữ tợn, tay cầm thanh gươm. Theo tín ngưỡng Phật giáo thì cả hai vị này đều là các vị thần bảo hộ cho Phật pháp.

Tại Thượng Điện, trên vị trí cao nhất là bộ tượng Tam thế có tên đầy đủ là “Tam thế thường trụ diệu pháp thân” tượng trưng cho sự tồn tại của nhà Phật trên trục thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai. Cả ba pho đều có kích thước giống nhau, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

Hàng thứ hai là bộ tượng Di Đà Tam tôn gồm có đức A Di Đà ngồi trong tư thế thiền định, hai chân xếp bằng, hai tay để ngửa trong lòng đùi kết ấn thiền định. Bên trái của tượng A Di Đà là Quán Thế Âm Bồ Tát, hiện thân của từ bi và bên phải là Đại Thế Chí Bồ Tát tượng trưng cho trí tuệ.

Hàng thứ ba là bộ tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh, ở giữa là Thích Ca cầm bông sen tượng trưng cho sự giác ngộ phật tâm, nhắc nhở chúng sinh hành thiện, tự tìm lấy bản chất tốt đẹp của chính mình.

Hàng thứ tư là bộ tượng Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Tượng ngồi trên tòa sen, có nhiều tay đặt trong tư thế cao thấp khác nhau, được lắp vào hai cạnh sườn phía sau. Độ mở của các cánh tay vừa đủ để không che khuất pho tượng, cánh tay tròn lẳn với các ngón thon búp măng nhỏ dài vẫn giữ được nét mềm mại uyển chuyển.

Hàng thứ năm là bộ tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế được đặt ở chính giữa mặc áo long bào, đầu đội mũ bình thiên hai tay cầm hốt bạc.

Lớp cuối cùng là Tòa Cửu Long – Thích Ca sơ sinh, thể hiện lại khung cảnh ra đời của Đức Phật Thích Ca. Ngài xuất hiện nơi trần thế với hình thức một trẻ nhỏ, tay trái chỉ trời, tay phải chỉ đất ẩn chứa trong đó câu nói “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”.

Nhà Tổ, hàng trên cùng là Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Hàng thứ hai, thờ hai vị sư tổ của chùa. Đây là những tượng có tính chất chân dung, là hình ảnh của các vị sư đã trụ trì trong chùa. Tượng to bằng người thật, nét mặt sống động, mang bóng dáng của các vị sư đang ngồi tọa thiền với một dáng vẻ chung là sự thanh thoát, trầm mặc…

Nhà Mẫu nằm bên trái phía sau Chính điện, là một dãy nhà năm gian, với kết cấu vì kèo kiểu giá chiêng trang trí hổ phù, rồng chầu mặt trời, hoa lá thực vật. Bên trong chính điện thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, phía ngoài là hai pho tượng cậu, tượng cô. Bên phải thờ Thượng Ngàn Thánh Mẫu, trong tư duy của người Việt bà mẹ rừng tối linh tối thiện đã nâng đỡ các kiếp đời đã qua, để những người có tâm lành được tái sinh thành cô và cậu. Ban bên trái thờ Đức Thánh Trần. Thường niên cứ đến ngày 20 tháng 8 (âm lịch) nhân dân địa phương lại tổ chức trọng thể ngày giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo thể hiện lòng biết ơn các vị thần có công với dân với nước.

Ngoài ý nghĩa thờ phật, chùa Đông Dư Thượng còn mang trong mình giá trị về mặt lịch sử quan trọng. Chùa với một kiến trúc bề thế trên mặt bằng rộng rãi thể hiện được phần nào lối tư duy về kiến trúc của người Việt Nam, là sự hài hòa giữa di tích và môi trường cảnh quan, giữa thiên nhiên và con người.

Đặc biệt giá trị nghệ thuật độc đáo của di tích đã thể hiện tập trung qua hệ thống tượng tròn, đó là những pho tượng khá chuẩn của nghệ thuật tạo tượng đương thời. Khác với điêu khắc phật giáo, các pho tượng tổ ở chùa Đông Dư Thượng mang nét đẹp dân dã, tràn đầy tính nhân đạo vốn có của dân tộc ta. Sự sinh động trên từng pho tượng là những giá trị điển hình của nghệ thuật điêu khắc dân gian truyền thống. Ngoài những giá trị riêng đó chùa Đông Dư Thượng còn mang giá trị chung trong tổng thể hệ thống các di tích trong vùng với một cảnh quan đẹp, thoáng đãng và mang đậm không gian văn hóa truyền thống.

Xếp hạng

Chùa Đông Dư Thượng đã được UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật năm 2007.

Tham khảo

Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm (2010), Di tích lịch sử văn hóa cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm, tài liệu lưu hành nội bộ.

5/5 (2 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)