Chùa Đồng Quan (Vĩnh Bảo, Hải Phòng)

Chùa Đồng Quan (Vĩnh Bảo, Hải Phòng)

Lịch sử

Chùa Đồng Quan có tên chữ là Bảo Quang tự, thuộc xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, cách trung tâm thành phố khoảng 30km về phía Tây Nam. Chùa được xây dựng trên diện tích 7.734m2. Theo tấm bia còn được lưu giữ trong nội thất chùa thì chùa Đồng Quan được khởi công xây dựng vào thời Sùng Khang thứ 7 (1572), đời vua Mạc Mậu Hợp.

Tương truyền, người có công đầu hưng công khởi dựng chùa Đồng Quan có quy mô to lớn xưa kia là hai bố con ông Phạm An Khê và Phạm Viết Kính. Nhờ có công xây dựng chùa mà các vị được dân làng tôn làm thành hoàng. Việc công đức xây chùa còn có đông đảo thiện nam, tín nữ là thân vương, phi tần, công chúa triều Mạc (tên tuổi, chức tước được ghi đầy đủ trên tấm bia). Đê xây dựng được ngôi chùa có qui mô lớn như vậy, mọi vật liệu như gỗ, đá đều được chuyển theo đường sông từ tận kinh đô Thăng Long về. Vật liệu được tập kết tại phía Đông Nam làng Đồng Quan, địa danh “xóm Xưởng” nay vẫn còn. Chùa toạ lạc trên khu đất cao ráo, không xa khu dân cư. Mặt chính của chùa quay hướng Nam.

Hiện vật

Chùa Đồng Quan còn lại số tượng pháp không nhiều, nhưng đều là những tác phẩm điêu khắc có giá trịmỹ thuật cao. Nội thất chùa được bài trí khá độc đáo. Toà Phật điện gồm 4 hàng tượng thấp dần từ trong ra ngoài. Vị trí cao, sâu nhất là bộ tượng Tam Thế, tiếp theo là hàng tượng A Di Đà Tam Tôn, hàng tượng Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu. Hai bên toà Tam bảo đặt bộ Thập Điện Minh Vương.

Toà tiền đường: Phía tả gian đặt ban thờ bài vị nhị vị Thành hoàng họ Phạm có công xây dựng chùa, phía hữu gian đặt tượng Bồ Tát Huyền Quang Tôn Giả. Hai gian hồi đốc đặt tượng Hộ Pháp. Cả hai pho tượng Hộ Pháp đều mang dáng dấp một võ tướng, thân thẳng đứng dựa trên mình con mãnh sư nhe răng nhọn sắc. Đầu hai vị tướng đội mũ trụ thiên, diềm mũ sát khuôn mặt là đường gờ nổi viền vàng, giữa gờ có cụm lá cách điệu. Diềm trên là hàng mặt trời với những ngọn đao lửa bốc lên. Điểm xuyết trong mảng trang trí trên mũ là những bông cúc và mặt trời. Tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện mặt trắng, tay trái cầm minh châu. Tượng Hộ Pháp Trừng Ác mặt đỏ, mang lưỡi tầm sét. Cả hai phong đều mặc áo giáp trụ, bối tử (mảng che trước ngực) thêu nổi hình rồng cuốn tròn, giữa gắn hình hoa lá cách điệu, cổ áo là hai nếp viền hình lá sen, giáp trụ che kín thân, tượng sư tử có tai xoè như tai trâu, mắt tròn lồi, lỗ mũi rộng. Tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII là những pho tượng Hộ Pháp bằng đất có niên đại sớm nhất ở nước ta còn lại đến nay.

Bộ tượng Thập Điện Minh Vương gồm 10 pho tượng tương tự như nhau: chất liệu đất nung, đặt dọc hai bên tòa tam bảo có dáng dấp của Bồ Tát đầy vẻ từ bi, mang phong cách thể hiện của thợ tạc tượng Bảo Hà, Đồng Minh, Vĩnh Bảo niên đại thế kỷ XIII. Bộ tượng Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu. Tượng Ngọc Hoàng ngồi giữa mang dáng dấp một vị vua, đội mũ bình thiên, tai to và đầy. Tượng ngồi trên bệ ngọc hình trụ, mặt là hình thang cân như bộ tượng “Thập Điện Minh Vương”. Pho tượng Đức Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang đặt thờ tại gian hữu toà tiền đường. Từ trang phục mũ, áo cà sa, mặt phảng phất vẻ đẹp của Thánh Tăng.

Hiện tại, chùa Đồng Quan còn lưu giữ được tấm bia Bảo Quang tự chung bia ký” (văn bia về quả chuông ở chùa Bảo Quang). Bia cao 1,2m, ngang 0,68m, dày 0,16m; trán bia hình bán nguyệt, ở chính giữa chạm mặt nguyệt to tròn, xung quanh có nhiều dải mây; hai bên là đôi rồng chầu, thân ngắn, đuôi mập. Ngăn giữa trán bia và thân bia là một đường chỉ viền trên khắc tên bia trang trí vân ám, với hàng chữ “Hoàng
đế vạn tuế”, phía dưới hàng chữ là ghi danh sách các tín chủ, tín thí công đức tiền của xây dựng.

Phần trang trí diềm tấm bia theo dải băng hoa dây uốn lượn mềm mại, với những cánh sen nổi nhỏ tiếp nhau. Bài văn bia viết bằng chữ Hán, nét khắc rõ ràng, tinh tế, gồm 50 hàng chữ. Niên đại dựng bia là Diên Thành sơ niên (1578), người soạn văn bia là Tiến sỹ cập đệ, đỗ năm Bính Thìn (1556), Đỗ Uông, người làng Đoàn Lâm, huyện Gia Lộc, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, làm quan thời Mạc đến chức Thượng thư Bộ Lại. Nội dung văn bia có lời minh và lời trần thuật việc xây dựng chùa Bảo Quang (chùa Đồng Quan), việc đúc quả chuông và danh sách các tín chủ và tín thí cúng tiến tiền của công đức.

Chùa Đồng Quan được Bộ Văn hoá – Thông tin ra Quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử-Văn hoá cấp Quốc gia ngày 4-8-1992.

Chấm điểm
Chia sẻ
screenshot_1684460739

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nội dung đang được cập nhật.
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.
Hình ảnh
Video

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *