Lược sử
Chùa Gia Cốc hiện nay thuộc thôn Gia Cốc, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm. Kiêu Kỵ là một làng cổ có lịch sử tạo dựng và phát triển lâu đời. Xa xưa, các làng ở Kiêu Kỵ sớm có kinh tế phát triển, nhiều nghề thủ công cổ truyền phát triển nhưng đặc biệt là nghề dát vàng và làm mực nho. Trước đây, dân làng thường phải giết trâu để lấy da nấu keo làm mực, mỗi con trâu bị giết phải được tế Thành hoàng làng trước, nên việc phục vụ sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Thời nhà Trần, mảnh đất Kiêu Kỵ là địa bàn hoạt động của vị tướng anh tài tên là Nguyễn Chế Nghĩa, người có nhiều công lao to lớn đối với nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược. Vì vậy, ông được nhân dân tôn thờ làm Thành hoàng làng, nhà vua mến phục tài năng của ông ban cho vùng đất Kiêu Kỵ làm thái ấp. Địa lý, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đã có tác động mạnh mẽ đến nội dung, giá trị của di tích và văn hóa địa phương. Chùa Gia Cốc được xây dựng khá sớm trong lịch sử tạo dựng và phát triển xóm làng của cộng đồng cư dân. Ngôi chùa làng chiếm một vị trí quan trọng đối với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, chùa thờ phật với mong muốn cầu phúc an lành cho nhân dân.
Căn cứ vào truyền thuyết dân gian và khối kiến trúc vật chất cùng bộ sưu tập di vật văn hóa hiện còn tại chùa cho thấy chùa Gia Cốc được xây dựng khoảng cuối thời Lê. Tồn tại đến ngày nay, chùa Gia Cốc đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Bài văn chữ Hán khắc trên quả chuông niên hiệu Duy Tân thứ 8 (1914) ngày 12 tháng 6 cho biết chùa trước đây là một danh lam cổ tích, nhưng tồn tại lâu dài, trải qua những biến thiên của lịch sử dân tộc đến năm Duy Tân thứ 8, chùa được trùng tu và sửa chữa lớn.
Kiến trúc
Chùa Gia Cốc tọa lạc trên khu đất rộng và thoáng ở giữa khu vực cư trú của dân làng. Mái chùa cổ nép mình dưới tán cây đa cổ thụ trăm năm tuổi làm cho ngôi chùa trở nên tĩnh mịch, cổ kính. Các công trình kiến trúc chính của chùa gồm tỏa chùa chính kết cấu theo kiểu chữ đinh gồm tiền đường và thượng điện, nhà thờ tổ, nhà mẫu.
Tòa tiền đường là một nếp nhà ba gian hai chái, mái kiểu chồng diêm hai tầng tám mái với các góc đao cong, mái lợp ngói mũi hài. Phía trước mở hệ thống cửa bức bàn.
Tòa thượng điện xây dọc về phía sau tạo thành hình chữ đinh, là một nếp nhà hai gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hải, vì kèo làm kiểu “kéo cầu quá giang cột chèn”, nền nhà lát gạch vuông. Nhà thờ tổ và nhà mẫu ở bên trái chùa.
Di vật
Trải qua thời gian dài tồn tại và phát triển, chùa Gia Cốc còn lưu giữ được một hệ thống di vật khá phong phú gồm hệ thống tượng tròn, quả chuông đồng niên hiệu Duy Tân thứ 8 (1914) kích thước 95cm, trên chuông còn lưu lại dòng chữ “Gia Cốc tự chung” khắc trong hình lá đề, thân chuông trang trí hoa văn hình học, bốn múi chuông khắc hình tứ linh, tứ quý, long mã hà đồ, rồng, mây, sen, phượng. Ngoài ra, còn có các đồ thờ tự có giá trị khác mang phong cách thế kỷ XIX.
Đặc biệt, tại chùa Gia Cốc hiện vẫn còn cây cổ thụ đa tía với hơn 700 năm tuổi, là chứng tích cho bao phen thăng trầm của ngôi chùa nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung.
Chùa Gia Cốc được xây dựng trên một vùng đất cổ có bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Chùa dụng lên để thờ phật cầu phúc lành cho nhân dân, đây cũng là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng cư dân làng xã, nơi cầu nguyện một cuộc sống thanh binh, mùa màng tốt tươi. Với hệ thống giáo lý nhà phật khuyến thiện, trừng ác, giáo dục và bảo lưu những phong tục tập quán, nếp sống văn hóa lành mạnh của nhân dân địa phương.
Tham khảo
Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm (2010), Di tích lịch sử văn hóa cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm, tài liệu lưu hành nội bộ.