Chùa Hiệp Thiên Cung (Chùa Ông Cái Răng – Cái Răng, Cần Thơ)

Chùa Hiệp Thiên Cung (Chùa Ông Cái Răng – Cái Răng, Cần Thơ)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Thành phố Cần Thơ, trung tâm của vùng Tây Nam Bộ, từ lâu được mệnh danh là miền đất “gạo trắng nước trong” – nơi không chỉ nổi tiếng bởi sự trù phú, hiền hòa mà còn bởi chiều sâu văn hóa và bản sắc đa dân tộc. Trên mảnh đất ven sông Cần Thơ trù phú ấy, các cộng đồng người Việt, người Khmer, người Hoa cùng chung sống, góp phần tạo nên một không gian văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc phương Nam.

Trong dòng chảy ấy, cộng đồng người Hoa, đặc biệt là người Triều Châu, đã để lại dấu ấn rõ nét qua ngôn ngữ, ẩm thực, tín ngưỡng và các công trình kiến trúc đặc sắc. Một trong những biểu tượng tiêu biểu cho đời sống văn hóa, tâm linh của người Hoa tại Cần Thơ là Hiệp Thiên Cung, hay còn gọi là Quan Đế Miếu, hay Chùa Ông Cái Răng. Di tích kiến trúc nghệ thuật Hiệp Thiên Cung tọa lạc tại số 29 đường Hàm Nghi, phường Lê Bình, quận Cái Răng. 

Lịch sử và nhân vật

Cùng với nhà cổ Bình Thủy, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, chùa Ông Cái Răng là địa điểm du lịch vô cùng nổi tiếng ở xứ Tây Đô với lịch sử lâu đời, thờ chính Quan Thánh Đế Quân – tức Quan Vũ và Thiên Hậu Thánh Mẫu theo hệ phái Hoa tông

Bài viết Di tích kiến trúc nghệ thuật Hiệp Thiên Cung cho biết:

Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1856, đến năm 1904 được tu bổ lại như ngày nay.(1)

Tác giả Hồng Giang ghi chép trong bài viết Hiệp Thiên Cung được công nhận Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia:

Hiệp Thiên Cung còn được gọi là Chùa Ông Cái Răng, tọa lạc tại góc đường Hàm Nghi – Lê Thái Tổ, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, được xây dựng cách đây khoảng 160 năm với diện tích trên 440 mét vuông. Chùa thờ ông Quan Thánh Đế Quân (tức Quan Công), Phúc Đức Chính Thần và Thiên Hậu Thánh Mẫu theo hệ phái Hoa tông.

Lúc đầu, chùa chỉ là ngôi miếu nhỏ do một nhóm người Hoa di dân sang Cái Răng lập nghiệp xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX để thờ ông Quan Công, cầu cho bà con sản xuất được mùa, mua mau bán đắt, gia đạo bình an. Năm 1856, ngôi miếu được xây mới, mở rộng và đặt tên là “Miếu Quan Công”. Đến năm 1904, miếu một lần nữa được trùng tu, sơn sửa và đổi tên thành “Hiệp Thiên Cung” cho đến ngày nay.(2)

Từ năm 1945 đến 1954, trong bối cảnh chiến tranh kháng Pháp diễn ra ác liệt trên khắp cả nước, tình hình an ninh tại vùng Cái Răng cũng trở nên bất ổn. Nhiều hộ người Hoa tại địa phương phải di tản, rời bỏ nhà cửa, buôn bán ngưng trệ. Hiệp Thiên Cung, do không còn người chăm nom, bị bỏ hoang một thời gian, rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Mãi đến năm 1989, với sự nỗ lực của nhân dân và chính quyền địa phương, ngôi chùa mới được trùng tu và sửa chữa lại. Việc phục dựng không chỉ khôi phục kiến trúc nguyên bản, mà còn khơi dậy đời sống tâm linh, tín ngưỡng và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Hoa tại vùng đất Cái Răng.

Kiến trúc cảnh quan

Trải qua gần 170 năm kiến lập, Hiệp Thiên Cung vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống, những tác phẩm nghệ thuật đặc trưng và các lễ hội theo nghi thức cổ truyền của dân tộc Hoa. Ngoài chức năng cơ sở tín ngưỡng, Hiệp Thiên Cung còn là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của người Hoa tại Cần Thơ. ét kiến trúc và phong cách trang trí đặc trưng truyền thống của người Hoa ở Nam bộ. Chùa có diện tích 567,8 m², mặt chính quay về hướng Đông Nam với kiến trúc hình chữ “Quốc” (國) gồm bốn dãy nhà khép kín vuông góc nhau. Sân trước của Hiệp Thiên Cung lót gạch tàu, giữa có cột cờ cao gần 10 m bằng gỗ và bàn thờ Ông Thiên.

Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều hạng mục của di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được tu bổ, tôn tạo kịp thời. Sau thời gian tiến hành thủ tục theo đúng quy định hiện hành về lĩnh vực di sản văn hóa, Ban Quản trị Hiệp Thiên Cung đã tổ chức khởi công công trình tu bổ, tôn tạo di tích.

Ngày 20/4/2024, Ban Quản trị Hiệp Thiên Cung (phường Lê Bình, quận Cái Răng) tổ chức lễ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo Hiệp Thiên Cung […] Công trình tu bổ 4 hạng mục chính: Chính điện, Đại sảnh, Đông lang và Tây lang, bên cạnh các hạng mục phụ trợ như cổng, hàng rào, sân nội bộ, hệ thống phòng cháy chữa cháy và chống sét… Đối với hạng mục Chính điện, Đại sảnh, công trình tháo dỡ toàn bộ, gia cố móng cừ tràm và thi công toàn bộ phần móng, đà kiềng, nâng nền, thay các cột, kèo gỗ hư hỏng, xây mới toàn bộ tường bao che…(3)

Hiện vật  

Chùa lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như:

  • Tượng Quan Công cưỡi ngựa đỏ, tượng Thiên Hậu, Phúc Đức Chính Thần đều được sơn son thếp vàng.
  • Hàng chục hoành phi – câu đối bằng gỗ quý chạm nổi, dát vàng.
  • Lư hương, chuông đồng, tượng đất nung cổ, cùng nhiều đồ tế khí cổ truyền.

Tất cả đều phản ánh nghệ thuật thờ tự đặc sắc của người Hoa tại Nam Bộ, đồng thời mang ý nghĩa sâu xa về văn hóa và đạo lý.

Sự kiện và lễ hội 

Không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng, Hiệp Thiên Cung còn được xem là một trung tâm sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng tiêu biểu của cộng đồng người Hoa tại Cần Thơ, đặc biệt là tại địa bàn quận Cái Răng. Suốt nhiều thập kỷ qua, chùa đã duy trì đều đặn các nghi lễ truyền thống, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa tâm linh trong đời sống hiện đại.

Trong số đó, lễ hội lớn nhất và có sức thu hút đông đảo nhất là ngày Vía Ông, là lễ hội tưởng niệm Quan Thánh Đế Quân, vị thần biểu tượng cho nghĩa khí, trung trực và chính nghĩa. Lễ hội được tổ chức hằng năm từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 5 âm lịch, kéo dài liên tục trong ba ngày với nhiều hoạt động phong phú như:

  • Nghi thức dâng hương, rước sắc, múa lân, múa rồng.
  • Biểu diễn nghệ thuật dân gian người Hoa (tuồng cổ, ca kịch Triều Châu).
  • Các hoạt động văn hóa – thể thao và vui chơi giải trí mang đậm bản sắc Nam Bộ.

Lễ hội thu hút hàng nghìn du khách và Phật tử trong và ngoài địa phương đến tham dự, song vẫn đảm bảo trật tự, an ninh, không để xảy ra các hiện tượng mê tín, dị đoan, góp phần xây dựng môi trường tín ngưỡng lành mạnh, văn minh.

Hàng năm tại Hiệp Thiên Cung diễn ra các kỳ cúng lễ: Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu (ngày 15 tháng Giêng), Lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu (ngày 23/3 âm lịch), Lễ Vu Lan (ngày 16 và 17/7 âm lịch) và Lễ Bửu Điện Trùng Quang (ngày 11/11 âm lịch).

Bên cạnh đời sống tín ngưỡng, Hiệp Thiên Cung còn là điểm sáng trong hoạt động xã hội từ thiện. Chùa thường xuyên tổ chức:

  • Khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
  • Phát gạo, tặng quà Tết, học bổng cho học sinh nghèo vượt khó.
  • Kết nối người Hoa và người Việt cùng tham gia công tác thiện nguyện, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng.

Xếp hạng

Hiệp Thiên Cung được Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 14/4/2017.

Chú thích

  1. Nguyễn Thị Mỹ,  Di tích kiến trúc nghệ thuật Hiệp Thiên Cung, website https://thanhnien.dulichso.cantho.gov.vn/, ngày 24/02/2023.
  2. Hồng Giang, Hiệp Thiên Cung được công nhận Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, website Báo ảnh dân tộc và Miền núi, ngày 01/08/2017.
  3. Đặng Vĩnh Lộc, Khởi công công trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Hiệp Thiên Cung, website Cổng thông tin điện tử Đảng bộ thành phố Cần Thơ, ngày 23/04/2024.

Tham khảo

  1. Hồng Giang (2017), Hiệp Thiên Cung được công nhận Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, website Báo ảnh dân tộc và Miền núi.
  2. Nguyễn Thị Mỹ (2023),  Di tích kiến trúc nghệ thuật Hiệp Thiên Cung, website https://thanhnien.dulichso.cantho.gov.vn/.
  3. Đặng Vĩnh Lộc (2023), Khởi công công trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Hiệp Thiên Cung, website Cổng thông tin điện tử Đảng bộ thành phố Cần Thơ.
5/5 (1 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ
Checkin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner app chỐn thiÊng 3 (60x90)