Vị trí
Chùa Hòa Long (Hòa Long tự) thuộc làng Hòa Triều, xã Tiến Nông, huyện Triệu Sơn. Nhân dân trong vùng còn gọi là chùa Ông Sư.
Kiến trúc
Từ năm 1998, chùa có sư trụ trì. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhiệt tình và hảo tâm của nhân dân Hòa Triều và bà con trong vùng, đặc biệt là sự đóng góp, công đức của con em làng Hòa Triều, nhiều hạng mục trong chùa được xây dựng mới. Nhà Mẫu được xây dựng bằng gạch, dài 13m, rộng 6,5m. Sau khi chuyển tượng thờ Mẫu lên nhà Mẫu mới xây dựng, ngôi nhà Mẫu trước đây dùng để thờ tổ. Nhà Mẫu hiện nay ngoài thờ Mẫu còn dành 1 gian để thờ Thành hoàng làng là thần Cao Sơn. Sau này nghè trở thành phế tích, nhân dân làng Hòa Triều đã chuyển ngai thờ, bát hương thần về thờ ở nhà Mẫu chùa Hòa Long. Ở chùa chính hiện nay có đào ao và thả sen. Trên mặt ao có lầu thờ Quan Thế Âm Bồ tát.
Chùa Hòa Long hiện nay tọa lạc trong khuôn viên 7,3 sào (khoảng 3.600m2) với những cây cổ thụ, vườn trồng hoa, có ao sen thả cá v.v… tạo cho nơi đây là một môi trường văn hóa tâm linh thu hút nhiều du khách tới dâng hương vãn cảnh chùa.
Chùa chính Hòa Long được xây dựng bằng gạch, lợp ngói từ năm 1941. Hậu cung được xây 3 bệ gạch và một bệ gỗ, bên trên là 14 pho tượng. Bốn lớp bàn thờ này được sắp xếp lớp bàn thờ cao nhất bằng gỗ trên cùng giáp mái chùa, sau đó là ba lớp bàn thờ đặt tượng cứ thấp dần. Sau lớp bệ thờ cuối cùng là hương án có bát hương và nơi đặt hoa quả dâng lên Đức Phật.
Di vật
Chùa Hòa Long hiện nay còn lưu giữ được 10 tấm bia đá to, nhỏ các loại. Đây là những tấm bia ghi công đức những người hảo tâm đóng góp, tu sửa chùa. Trong chùa còn có nhiều bát hương bằng đá, bằng gốm từ thời Lê Trung Hưng, thời Mạc và thời Nguyễn. Đặc biệt, do một số di tích trong làng Hòa Triều trở thành phế tích nên một số sắc phong (10 sắc phong), ngai thờ Thành Hoàng làng, bát hương gốm được đưa vào chùa để bảo vệ và thờ ở nhà Mẫu chùa Hòa Long. Chùa Hòa Long còn có chiếc chuông đồng (âm thanh không còn được như lúc ban đầu) cao 0,65m, đường kính miệng 0,35m chuông được đúc năm Bảo Đại thứ 13 (1939).
Chùa Hòa Long là một trong những ngôi chùa có bề dày lịch sử còn lại ở vùng đất chiêm trũng của Nông Cống xưa và Triệu Sơn ngày nay. Nơi đây không chỉ là nơi các nhà sư tu hành, các tín đồ Phật giáo tới làm lễ, mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa làng xã qua nhiều đời.
“Đất vua, chùa làng” có thể hiểu được điều này mới hiểu được cấu trúc xã hội – văn hóa của dân tộc Việt Nam và vùng đất Triệu Sơn trong bề dày lịch sử. Tìm hiểu các ngôi chùa, trong đó có chùa Hòa Long, không chỉ để tìm hiểu Phật giáo Việt Nam mà còn là tìm hiểu nhiều mặt của tâm thức Việt Nam, văn hóa Việt Nam.
Đến với vùng đất Tiến Nông – Triệu Sơn, du khách có thể đến du lãm bãi cò trắng Tiến Nông, thắp hương ở Phủ Vạn và tới thăm vãn cảnh chùa Hòa Long. Chùa Hòa Long là một bảo tàng chứa đựng những hiện vật lịch sử và văn hóa có giá trị. Ở đó du khách có thể gặp những tấm bia đá, quả chuông cổ và đặc biệt là nhiều pho tượng có giá trị nghệ thuật và khuôn viên chùa có ao sen, cây cảnh, vườn hoa và không gian tĩnh lặng của một ngôi chùa có bề dày lịch sử, văn hóa.
- Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập II – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016