Chùa Hoa Long (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá)

Chùa Hoa Long (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Chùa Hoa Long thuộc địa phận thôn Trung, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Trước kia xã Vĩnh Thịnh còn có tên gọi là Kênh Thủy, Bản Thủy. Bản Thủy xưa vốn là địa bàn tụ cư của con người từ thời tiền sử, với di tích khảo cổ Cồn Hến có cùng niên đại với văn hóa Đa Bút, cách nay khoảng từ 6000 – 7000 năm đã khẳng định nơi đây là một vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử – văn hóa lâu đời gắn liền với nhiều giai thoại và huyền tích lịch sử.

Vị trí địa lý

Chùa Hoa Long gắn liền với Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia đền thờ Trần Khát Chân (một danh tướng thời nhà Trần) trên một khu đất rộng khá bằng phẳng, trong tay ngai của năm dãy núi: Mông Cù, Hùng Lĩnh, Cô Sơn, Kim Sơn và dãy núi Kim Âu bao quanh làm thế tựa vững chắc. Chùa quay hướng nam, trước mặt là dòng sông Mã, xa xa là dãy núi đá vôi có động Kim Sơn, Tiên Sơn nổi tiếng xứ Thanh.

Tư liệu Hán Nôm còn lại đến nay cho biết, chùa Hoa Long được xây dựng từ thời Trần. Khi khởi dựng chùa quay mặt hướng bắc, nằm bên cạnh hồ sen. Chùa được bố cục theo kiểu chữ Nhị(=) gồm hai tòa nhà Tiền đườngHậu cung liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành một khối thống nhất. Quy mô kiến trúc chùa không lớn lắm, nhưng rất chắc chắn được làm bằng các loại gỗ quý, mái lợp ngói mũi hài, đầu đao 4 góc uốn cong, uyển chuyển như những cánh chim đang dang rộng để bay lên. Vì vậy, khi quan sát ngôi chùa ở bất cứ góc độ nào chúng ta cũng thấy công trình vừa thanh thoát vừa bề thế, vững chắc. Sân và nền chùa lát gạch mộc, hai bên có hai dãy nhà tả vu và hữu vu dùng làm nơi dừng chân cho khách thập phương chuẩn bị hương hoa, phẩm vật trước khi vào chùa lễ Phật.

Hiện nay chùa Hoa Long còn lưu giữ được đôi câu đối ghi lại sự kiện khởi dựng chùa thuở trước:

Bắc khởi Hoa Long tam Phật tự

Hương lưu Bản Thủy tứ thôn dân

Nghĩa là:

Phía bắc khởi tạo chùa Hoa Long thờ Tam Bảo Phật

Hương thơm lưu ở đất Bản Thủy bốn thôn đều thờ

Trải qua biến thiên lịch sử, chùa Hoa Long đã nhiều lần được trùng tu và di chuyển địa điểm. Dòng chữ chạm nổi ở gian giữa nhà Tiền đường cho biết thời gian tôn tạo chùa vào năm Nhâm Tuất đời vua Lê Hy Tông:

Hoàng thượng Chính Hòa tam niên, Nhâm Tuất tạo

Thử thiên cổ tích danh lam Hoa Long tự

Nghĩa là:

Năm Chính Hòa (1682) đời vua Lê Hy Tông tức năm Nhâm Tuất tôn tạo chùa

Đây là nơi ghi dấu tích danh lam chùa Hoa Long thuở xưa

Kiến trúc

Dòng chữ trên thượng lương nhà Tiền Đường cũng cho biết thời gian di chuyển chùa Hoa Long đến vị trí hiện nay là vào năm Thành Thái thứ tư (1892). Về cơ bản, quy mô kiến trúc chùa không thay đổi, ngôi chùa vẫn giữ nguyên hình dáng quen thuộc thuở ban đầu: Đầu đao bốn góc mái uốn cong. Trên bờ nóc, hai đầu gắn hình hai con xô cùng chầu vào hình mặt hổ phù đắp nổi ở chính giữa.

Kiến trúc nhà Tiền Đường gồm ba gian, kết cấu vì kèo được liên kết với nhau bằng con chồng, đấu kê, thụ trụ theo kiểu giá chiêng. Ở hai vì kèo được nối với nhau bằng hệ thống xà dọc, xà đại, hệ thống xà hạ, xà thượng tạo thành bộ khung vững chắc chống đỡ toàn bộ lực đè nặng của mái ngói. Giữa xà thượng và xà hạ được thưng ván nong, đố lụa. Ván nong được chạm khắc các đề tài rồng, phượng, chim thú, cỏ cây, hoa lá sinh động.

Ở hai trụ chính của gian giữa chạm hình hai cô tiên nữ dang rộng đôi cánh như muốn bay lên. Giữa hai trụ là hai bức chạm vân hóa long, chầu mặt nguyệt. Với kỹ thật tinh xảo, điêu luyện, những người thợ làm nên Hoa Long tự đã xử lý các mộng chốt nhà Tiền đường một cách khéo léo, sít sao nên khi nhìn vào chúng ta thấy khung nhà như một khối thống nhất, nguyên vẹn. Đây là những dấu tích kiến trúc từ thời Trần còn sót lại, với đặc trưng nổi bật là kỹ thuật sàm lắp các mộng chốt rất chính xác, chuẩn mực, nhờ đó đã giúp cho các hiệp thợ đời sau có thể tháo gỡ công trình một cách dễ dàng qua mỗi lần trùng tu, sửa chữa. Hiện nay nhà Tiền đường còn lưu trữ được nhiều mảng chạm khắc gỗ truyền thống, với nhiều đề tài phong phú mang tính nghệ thuật cao. Bằng bàn tay tài hoa, khiếu thẩm mỹ tinh tế, cùng khả năng bao quát đặc biệt, người nghệ nhân dân gian thuở ấy đã thể hiện nhiều cảnh sống động, nhưng hết sức gần gũi với đời sống sinh hoạt thường ngày. Hình ảnh chú bé ngồi trên lưng hạc, hoa lá, đài sen đặc biệt là hình ảnh cây cổ thụ với thân to, gióng nhặt, uốn lượn, nhiều cành Bằng nghệ thuật tạo hình nghệ nhân đã thể hiện cây trúc rất sống động, có tâm hồn – trúc hóa long.

Cửa võng được coi là bức chạm khắc chủ đạo trong nhà Tiền đường làm nền cho Phật điện. Hình đôi rồng uốn thành ba khúc mềm mại, đầu ngẩng lên chầu đỡ viên ngọc quý với những tia sáng toả ra xung quanh như muốn truyền nguồn hào quang huyền diệu của đức Phật tới mọi cõi dương gian, khai sáng đức thiện tâm của đông đảo tín đồ Phật tử được chạm bóng. Bằng những đường chạm bóng, sâu, to, những vuốt nhọn tạo nên hình rồng mập, khoẻ, thân rồng được phủ nhiều lớp vẩy sừng, chân móng vốt nhọn, vây rồng to và nhọn điểm thêm vòng xoắn, càng tạo thêm thế uy nghiêm, quyền linh tối thượng để đáp ứng mọi khẩn cầu và ước mong của đông đảo khách thập phương. Hai bên cửa võng chạm hình hai con chim hạc mỏ ngậm dải phướn nhà Phật, đang trong tư thế bay đi truyền bá tư tưởng “Từ – Bi – Hỉ – Xả” của Đức Phật tới mọi chốn nhân gian. Phía trên cùng chạm hai tiên nữ đứng trên đài sen dang rộng đôi cánh như sẵn sàng bay đi “cứu độ chúng sinh” đem đến sự thái bình, an lạc. Có thể nói bức chạm cửa võng nhà Tiền đường được nghệ nhân thể hiện hết sức cầu kỳ, tinh tế từ kỹ thuật đến mỹ thuật, toát lên vẻ đẹp truyền thống vừa thâm trầm về ý tưởng vừa tinh xảo về đường nét tạo nên sự lung linh, huyền diệu, linh thiêng. Thật xứng đáng là tác phẩm chạm khắc gỗ mỹ thuật đặc sắc nhất đương thời.

Hai bên tả và hữu của nhà Tiền đường có hai bức chạm trên vách rất độc đáo:

Bức chạm bên tả (từ ngoài nhìn vào) được thể hiện theo một đồ án phong phú, sinh động với đường nét tả thực. Đề tài chủ đạo là hình đôi rồng đang cuốn vào nhau uốn thành ba khúc, quầng lửa vươn cao. Phía trên đôi rồng chạm các mô típ quen thuộc như hình hoa cúc, hoa mai, hoa sen, lá đề, cây cổ thụ, hình long mã, tùng trúc hóa long, trên cùng chạm hình hai con thú bốn chân dưới gốc cây cổ thụ trong tư thế chầu chạy. Sau cùng là hình đôi sóc và bàn đào nơi tiên giới. Song song các bức chạm này có một số dọc chạm nổi năm chữ Hán: “Xuân thời lạc cảnh thịnh, nghĩa là: “Mùa xuân cảnh vui đẹp”.

Bức chạm bên hữu cũng có kết cấu tương tự như bức chạm bên tả, nhưng có khác một số chi tiết. Đề trang trí chính vẫn là hình cặp rồng cuốn nhau ẩn dưới đài sen, song đài sen đã được nghệ nhân thể hiện cách điệu giống hình dáng của một mái chùa. Phía trên hình rồng chạm mô típ hoa sen, phía dưới đôi rồng là hình hai con sóc trong tư thế đang chạy, tiếp đến là mặt hổ phù và hình đôi rồng cuốn, uốn thành ba khúc cùng chầu viên ngọc sáng theo thế “lưỡng long tranh châu”.

Để nhà Tiền đường thêm lộng lẫy, người nghệ sĩ dân gian đã thể hiện trên nách hình đôi rồng ẩn dưới đài sen. Trên hai kẻ bẩy chạm hình long mã và chim phượng mình dài, cổ vươn cao trong tư thế bay vào chốn tâm linh của Phật điện. Dưới chốt hai bên cửa chạm hình hai con sấu chầu vào nhau, càng tôn thêm vẻ thâm nghiêm chốn cửa Thiền.

Hậu cung chùa Hoa Long gồm 3 gian, xây theo kiểu vòm cuốn. Gian chính giữa có bệ thờ Tam Bảo bằng đá, còn gọi là bệ đá Tam Thế. Bệ Tam Thế là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá tiêu biểu, được nghệ nhân đương thời thể hiện thành hình một bông sen lớn khổng lồ, với những mạng chạm khắc hoa văn đặc sắc. Bệ có kích thước: dài 3,42m; rộng 1,95m; cao 0,83m được tạo thành từ nhiều phiến đá ghép lại. Trên bệ đặt ba pho tượng Tam Thế bằng gỗ quý, về hình thức cơ bản giống nhau: đầu xoắn ốc, mắt trái xoan, mũi dọc dừa, mắt hơi nhìn xuống, miệng hé nở nụ cười, tai Phật chảy; tượng bên phải tay phải bắt quyết, tay trái đặt nằm ngang; tượng chính giữa hai tay xấp bằng; tượng bên trái động tác hai tay ngược với tượng bên phải. Phía trước tượng Tam Thế đặt một lư hương cổ bằng đá hình lục giác, hai tai chạm hoa văn vân xoắn ốc, trên miệng chạm hoa văn hình lá đề kép, nét chạm tinh tế. Đế và thân lư hương liền khối, phần trên và đáy đế loe ra ở giữa thu lại tạo dáng thanh thoát. Cùng với lư hương còn có năm khay mịch cổ bằng gỗ và hai bài vị ở hai gian bên thờ thổ công, thổ địa.

Chân bệ Tam Thế (nơi tiếp giáp nền nhà) được trang trí hoa văn hình sóng nước gồm 2 lớp, lớp ngoài to, lớp trong nhỏ. Lớp ngoài có 5 lượt sóng, lớp trong có 4 lượt sóng úp lên nhau. Bằng những nét chạm chìm đậm, uốn khúc, nghệ nhân xưa đã thể hiện những đợt sóng nhô lên dồn dập tạo thành 25 ngọn sóng lớn nhỏ không đều nhau. Phía trên những ngọn sóng là hai hàng hoa văn cúc dây mềm mại uốn lượn nhịp nhàng, ở mỗi khúc uốn lại trổ một lá, hoặc một ngọn quay lại có tay leo tạo thành hai hàng cúc dây tốt theo thế hồi văn.

Thân bệ Tam Bảo được trang trí theo kiểu bổ ô dọc. Mặt trước chia làm bảy ô, kích thước không đều nhau, giữa ô được ngăn cách với nhau bằng những đường gờ nổi sắc nét. Ô chính giữa chạm một bình hoa đang toả ngát hương thơm dâng lên Tam Bảo Phật, sáu ô còn lại chạm hình sáu cô tiên nữ trong điệu múa dâng hoa. Hai bên bệ Tam Bảo, mỗi bên được chia làm bốn ô, trong mỗi ô cũng được chạm hình một cô tiên nữ (giống sáu cô mặt trước). Như vậy, hình tượng tiên nữ được thể hiện 14 lần trên bệ thờ Tam Bảo. Với nghệ thuật tạo hình tinh tế, nghệ nhân xưa đã đặc tả 14 cô tiên nữ trong động tác múa uyển chuyển, duyên dáng dâng hoa lên Đức Phật. Các tiên nữ được tạo dáng khoẻ mạnh, mang phong cách vũ nữ trong văn hóa Chăm.

Phần thân trên cùng của hệ Tam Bảo chạm hình những cánh sen nổi, gồm bốn lớp cánh sen to, nhỏ xếp xen kẽ tạo thành một bông sen lớn khổng lồ rất độc đáo. Ở trên mỗi cánh sen, đặc biệt là trên hai lớp cánh sen giữa, nghệ nhân chạm hình lá đề, trong mỗi lá đề lớn lại chạm những lá đề nhỏ. Lá đề là biểu tượng thân quen như thông điệp chuyển tới mọi người tư tưởng nhân ái, Từ Bi Hỷ Xả theo giáo lý đạo Phật.

Bệ Tam Thế chùa Hoa Long là một bức hoạ độc đáo bằng điêu khắc đá một bông sen đá khổng lồ như được mọc lên trên những ngọn sóng nhấp nhô dưới ánh trăng trí tuệ mang triết lý sâu xa của đạo Phật. Có thể nói, những bức chạm bằng gỗ, bằng đá ở chùa Hoa Long đã khẳng định tính độc đáo của di tích được kết tinh từ bộ óc sáng tạo, khiếu thẩm mỹ tinh tế và đôi bàn tay tài hoa của cha ông chúng ta thuở trước.

Với những giá trị đặc sắc và nổi bật, chùa Hoa Long thực sự là một di tích Phật giáo độc đáo của Thanh Hóa và của đất nước, đã được Bộ Văn hóa – Thông tin, nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 02/2004/ QĐ/BVHTT ngày 19 tháng 1 năm 2004 công nhận là Di tích Văn hóa quốc gia. Hi vọng trong một tương lai không xa chùa Hoa Long sẽ là điểm dừng chân lý tưởng của du khách trên tuyến du lịch đầy hấp dẫn từ thành phố Thanh Hóa – đền Bà Triệu chùa Hoa Long – phủ Trịnh – Di sản Văn hóa Thành nhà Hồ.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập I), CN. Hoàng Thị Chiến
Chấm điểm
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)