Chùa Hưng Thịnh (Nghĩa Hưng, Nam Định)

Chùa Hưng Thịnh (Nghĩa Hưng, Nam Định)

Thông tin cơ bản

Vị trí

Di tích đền và chùa Hưng Thịnh, xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Theo “Hưng Thịnh lương chí” thì chùa Hưng Thịnh được xây dựng vào niên hiệu Thuận Thiên thứ 3 (1431) do các ông tổ cùng các dòng họ hưng công khi công việc khẩn hoang đã giành nhiều kết quả, đời sống dân cư ở Hưng Thịnh ngày một ổn định.

Lược sử

Chùa được xây dựng kiểu theo chữ đinh gồm tiền đường 3 gian rộng, tam bảo 4 gian. Đời vua Thành Thái năm thứ 11 (1899) chùa được tu sửa theo phong cách cổ truyền, còn bảo tồn được một vì chạm khắc phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII, XVIII với các đề tài hổ phù ở giáp nóc và long chầu nguyệt, mẫu long giáo tử, ly chạy nhảy đùa vui ở mảng giữa cùng hoa lá, rồng đao mác nhiều lớp ở mảng phía bắc. Mảng chạm gian phía nam còn thêm họa tiết trúc hóa long, trên có hình ảnh tiên cưỡi rồng.

Trước cửa tam bảo cũng được chạm khắc tứ linh đan xen với họa tiết hoa lá cách điệu thể hiện trình độ cao của những nghệ nhân xưa. Chùa Hưng Thịnh còn có hệ thống tượng pháp phong phú, tiêu biểu là pho Tam thế, Adiđà, Phật bà Quan âm, Tuyết Sơn được tạo dáng cân đối, họa tiết trang trí, nhấn tỉa tinh xảo. Phía nam chùa là đền Hưng Thịnh, nơi thờ những ông tổ có công trong việc khẩn hoang, lấn biển đầu thế kỷ XV.

Đền chùa Hưng Thịnh xã Hoàng Nam là một công trình kiến trúc thể hiện sức sáng tạo của những người dân lao động ở một vùng quê đầy sóng gió. Ngày nay đền chùa Hưng Thịnh là di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng, luôn được nhân dân địa phương ra sức tôn tạo giữ gìn, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

  • Tham khảo theo cuốn “Lịch sử Phật Giáo Nam Định” – NXB Tôn Giáo

Chấm điểm
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)