Giới thiệu
Chùa Keo thuộc thôn Dũng Nhuệ, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa có tên chữ là Thần Quang Tự. Đây là một trong số ít những ngôi chùa cổ ở Việt Nam sau hàng trăm năm tôn tạo vẫn giữ được vẹn nguyên nét cổ kính linh thiêng. Chính vì thế mà ngôi chùa này thế luôn thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
Lược sử
Tương truyền, dưới thời vua Lý Thánh Tông, chùa Keo được xây dựng bởi Thiền sư Dương Không Lộ ở ven sông Hồng từ năm 1061 tại hương (làng) Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay là các xã thuộc ven sông Hồng huyện Nam Trực và Trực Ninh, tỉnh Nam Định, một số tài liệu nhầm lẫn huyện Giao Thủy thành lập muộn sau này). Tuy nhiên, theo “Thánh tổ thực lục diễn ca” lưu giữ ở chùa thì ban đầu chùa Keo có tên gọi là Nghiêm Quang Tự, sư tổ của chùa chính là Lý Triều Quốc Sư: Thiền sư Nguyễn Minh Không (pháp hiệu là Không Lộ). Đến năm 1167 mới đổi thành Thần Quang Tự. Vì làng Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa này cũng được gọi là chùa Keo.
Sau gần 500 năm tồn tại, năm 1611, nước sông Hồng lên to, làm ngập làng Giao Thủy, nơi có chùa. Một bộ phận dân cư dời đi nơi khác, lập thành làng Hành Thiện, xây dựng nên ngôi chùa Keo mới, thường được gọi là chùa Keo Dưới (Keo Hạ) hay chùa Keo Hành Thiện (nay ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định). Một bộ phận dân cư dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình và cũng dựng lên một ngôi chùa, gọi là chùa Keo Trên (Keo Thượng).
Công việc xây dựng ngôi chùa Keo Thượng được bắt đầu từ năm 1630 và hoàn thành vào năm 1632 theo phong cách kiến trúc thời Lê, nhờ sự vận động của bà Lại Thị Ngọc Lễ (Lại Thị Ngọc Lễ vốn thuộc dòng quyền quý, quê gốc ở làng Quang Lãng, huyện Tống Sơn, xứ Thanh Hoa, cụ tổ là quan huyện thừa Lại Thế Tương. Lại Thị Ngọc Lễ cùng em Lại Thế Nghĩa là con quan Phò mã Lãng quận công Lại Thế Thời, chắt nội Thái tể Khiêm quốc công Lại Thế Khanh, cháu ngoại Thanh Đô vương Trịnh Tráng.), vợ Tuần Thọ hầu Hoàng Nhân Dũng và Đông Cung Vương phi Trịnh Thị Ngọc Thọ. Chùa do Cường Dũng hầu Nguyễn Văn Trụ vẽ kiểu, phỏng theo kiến trúc của chùa Keo Hành Thiện. Sau khi xây dựng xong, chùa được trùng tu nhiều lần, vào các năm 1689, 1707, 1941... Lần trùng tu năm 1941, có sự giúp đỡ của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp.
Kiến trúc
Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa Keo còn 17 công trình với 128 gian phân bố trên diện tích 2.022 m2. Từ trên mặt con đê Hồng Hà ll chạy qua địa giới xã Duy Nhất, nhìn về phương Bắc, bạn sẽ thấy trước mặt là chùa Keo rộng lớn với nhiều tòa nhà dài nối tiếp nhau soi bóng xuống mặt hồ. Xung quanh hồ là những cây cổ thụ lớn xum xuê, xanh tốt quanh năm làm tăng thêm vẻ cổ kính, thâm quyền của chùa Keo.
Tổng quan kiến trúc chùa Keo Thái Bình theo kiểu “nội công ngoại quốc” (kiến trúc trong hình chữ Công (工), còn phía ngoài có khung bao quanh như chữ Quốc (國) và “tiền Phật hậu Thánh”. Điểm đặc biệt của chùa Keo chính là được thiết kế theo mô hình 2 chữ Công lồng vào trong chữ Quốc mà ít chùa có được. Nguyên tắc này đã tạo cho chùa Keo sự đăng đối, bề thế mà không hề cứng nhắc. Tất cả các công trình chính như Tam Quan, chùa Phật, đền Thánh, gác chuông… còn gần như nguyên vẹn từ thời Lê Trung Hưng đến nay.
Công trình đầu tiên là tam quan. Thông thường, các ngôi chùa ở Việt Nam chỉ có 1 tam quan nhưng chùa Keo có đến 2 tam quan. Tam quan ngoại là lớp cổng đầu tiên được nâng lên thành một ngôi nhà hoàn chỉnh với ba gian 2 chái. Tam quan nội có 3 gian, như một tòa nhà có cửa, trước sau chỉ có một hàng cột, nhìn phía nào cũng là cửa và hiên. Điều này thể hiện thuyết “sắc sắc không không” (có mà không, không mà có). Điểm nổi bật ở tam quan nội là bộ cánh cửa gian trung quan với bức phù điêu “lưỡng long mẫu tử chầu nguyệt” – một kiệt tác chạm khắc gỗ thế kỷ 17 tiêu biểu cho thời Lê Trung Hưng. Từ tam quan nội, qua một sân chùa rộng ta đến khu chùa Phật gồm chùa ông Hộ, tòa thiên hương (ống muống) và điện Phật.
Khu đền Thánh được nối tiếp với khu thờ Phật gồm toà Giá Roi, toà thiên hương, toà phục quốc và thượng điện. Những công trình này nối tiếp với nhau tạo thành một kết cấu kiểu chữ công. Trong đó, tòa Giá Roi là công trình tạo sự khác biệt của chùa Keo vì đây là ngôi chùa duy nhất có công trình này với ý nghĩa, chức năng như một ngôi đình – nơi diễn ra việc phân xử của người dân trong vùng.
Sau cùng của chùa là gác chuông 3 tầng như một bông sen khổng lồ, nguy nga bề thế với kiến trúc độc đáo. Gác chuông cao hơn 11m với bộ khung được kết cấu bởi gần 100 con sơn chồng lên nhau, được gọi là 100 đàn đầu voi liên kết bằng mộng gỗ, nâng đỡ 12 ngói cong thanh thoát. Gác chuông chùa Keo đã được xác lập kỷ lục là gác chuông bằng gỗ cao nhất Việt Nam.
Hai dãy hành lang Đông, Tây nối từ chùa ông Hộ đến gác chuông thẳng tắp, dài hun hút hàng chục gian bao bọc cả khu chùa làm thành “bốn mặt tường vây kín đáo” cho một kiến trúc “tiền Phật, hậu Thánh“. Điều đặc biệt hơn nữa là toàn bộ ngôi chùa được làm bằng gỗ lim, không sử dụng đinh tán mà chỉ làm bằng mộng gỗ chắc chắn. Hệ thống ghép mộng ở chùa Keo cũng được coi là “độc nhất vô nhị” bởi nó là một một chùm mộng, một chùm các gánh đòn dọc, đòn ngang để gia cố. Mỗi một cụm này là mối liên kết cụm 6. Cả công trình này tạo thành trên 300 khối mối liên kết như vậy nên rất chắc chắn mặc dù không dùng một chiếc đinh nào. Các cột đỡ, vì kèo qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân thời Hậu Lê được làm tinh xảo.
Giá trị lịch sử
Trong các ngôi chùa cổ ở Việt Nam, chùa Keo là một trong những chùa còn đầy đủ tượng pháp nhất. Những pho tượng ở đây thể hiện giá trị nghệ thuật của thế kỷ 17, 18 như các tượng Tuyết Sơn, La Hán, quan thế âm Bồ Tát…. Lớp trên tòa Tam thế có đủ ba vị thể hiện rõ: Phật quá khứ, phật hiện tại và phật vị lai. Ngoài tượng pháp chùa Keo còn có rất nhiều đồ thờ cổ có giá trị: Đôi chân Đèn thời Mạc, nghề gốm thời Lê, thuyền rồng Long Đình, phật Đình, nhang án thời Lê. Tất cả đều có niên đại xấp xỉ 400 năm.
Tháng 4/1962, Chùa Keo được công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá Quốc gia.
Tháng 9/2012, Chùa Keo được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.
Tháng 10/2017 chùa đón nhận bằng ghi danh lễ hội Chùa Keo là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội
Hằng năm, chùa Keo diễn ra hai kỳ hội thu hút rất nhiều phật tử đến chiêm bái. Hội mùa xuân vào ngày mùng 4/1 âm lịch (khoảng tháng 2 dương lịch) với các trò chơi hấp dẫn, độc đáo mang tính chất dân gian.
Hội vào mùa thu diễn ra vào các ngày 13/9-15/9 âm lịch (khoảng tháng 10 dương lịch) mang đậm tính chất hội lịch sử, gắn liền với cuộc đời sư Không Lộ. Ngoài việc tế lễ, rước kiệu, hội còn thi bơi trải trên sông và các nghi thức bơi trải cạn chầu Thánh, múa ếch vồ…
Tham khảo
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Keo_(Th%C3%A1i_B%C3%ACnh)#V%C4%83n_h%C3%B3a
- https://www.vietnamplus.vn/chua-keo-ngoi-co-tu-co-nghe-thuat-kien-truc-doc-nhat-vo-nhi/618271.vnp
- https://thaibinh.gov.vn/130namthanhlaptinh/van-hoa-du-lich/niem-tu-hao-cua-thai-binh.html
- http://nem-vn.net/vi/205