Chùa Khải Nam ở làng Cá Lập, xã Lương Niệm, tổng Dặc Thượng, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hoa (vào đầu thế kỷ XIX, tổng Dặc Thượng đổi thành tổng Cung Thượng); hiện nay là phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Chùa Khải Nam có nhiều tên gọi khác nhau. Xưa kia, nhân dân thường gọi là chùa Ải hay chùa Dặc. Chùa Ải là tên Nôm do đọc chệch từ chữ Khải, chữ Hán mà ra, còn chùa Dặc là tên gọi tắt theo địa danh hành chính (tổng Dặc Thượng). Đến cuối thế kỷ XIX, chùa mới có tên gọi chính thức bằng chữ Hán là Khải Nam tự.
Vị trí địa lý
Chùa Khải Nam nằm ở phía bắc thị xã Sầm Sơn, cách đền Độc Cước và dãy núi Trường Lệ ở phía nam khoảng 3km. Trước kia chùa toạ lạc trên một khu đất cao, rộng, thoáng đãng, nơi tiếp giáp giữa Lạch Trào (Lạch Trào là một nhánh của sông Mã) và biển. Chùa quay mặt về hướng tây, phía đông giáp Biển Đông, phía tây và phía bắc là cánh đồng lúa bát ngát mênh mông với sông Lạch Trào như một vòng cung ôm ấp, phía bắc sông Lạch Trường là núi Trường cao dày, lớp lớp quay đầu lại, có hình long báu, tràng phướn, hoa sen, phượng, quy… chầu bái, phía nam là núi Trường Lệ. Theo các cụ già trong làng thì đó là đất “dương cơ, ái hổ” (nền dương có tay hổ), phong thủy cực tốt vậy.
Đây là vùng đất bồi cổ, cư dân đã đến đây làm ăn sinh sống từ lâu đời với ba nghề chính là nghề nông, nghề biển và buôn bán với thương cảng chính sầm uất xưa kia, hiện nay là cảng Hới. Tương truyền rằng chùa Khải Nam có từ thời Trần, lúc đầu chùa được dựng lên bằng vật liệu tranh tre, nứa lá, vách đất và các pho tượng được làm bằng đất. Chưa có sử liệu chính xác nói chùa Khải Nam được xây dựng từ thời Trần, nhưng theo Thần phả đền Cá Lập là Di tích Lịch sử – Văn hóa được xếp hạng quốc gia, thờ Tây Phương tướng quân, một danh tướng thời Trần thì: Vào năm Ất Dậu (1285) để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên xâm lược nước Đại Việt lần thứ hai, triều đình nhà Trần đã cho quân về các vùng biên ải và cửa biển xung yếu, với sách lược: “Tĩnh vi dân, động vi binh” vừa khai hoang lập ấp để sản xuất, vừa luyện tập võ nghệ sẵn sàng chiến đấu. Do ở vào vị trí được triều đình quan tâm, nhân dân dựng lên ngôi chùa để thờ Phật vào thời điểm lúc bấy giờ là điều rất có thể xảy ra.
Đến thời Lê trung hưng, chùa Khải Nam được xây dựng lại với Tam quan nguy nga, Chính điện lộng lẫy. Còn một chứng tích để lại, đó là ngôi mộ Bụt cạnh đầu con đường đi vào chùa hiện nay. Theo lời kể của các cụ cao niên làng Cá Lập thì khi xây dựng lại chùa Khải Nam, các pho tượng mới đều được tạc bằng gỗ mít và gỗ quý, còn các pho tượng bằng đất trước đây được các Phật tử chôn xuống đất gọi là Mả Bụt.
Năm Canh Ngọ (1869), niên hiệu Tự Đức thứ 23, chùa Khải Nam được nhân dân địa phương và Phật tử khắp nơi phát tâm công đức xây dựng lại. Hiện nay chùa còn lưu lại được tấm bia Lưu phương bi kí bằng chữ Hán, ghi lại tên tuổi, quê quán của những người đã cung tiến tiền của trùng tu xây dựng lại chùa.
Kiến trúc
Chùa Khải Nam trong lần trùng tu xây dựng lại năm 1869 được xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Lê. Tam quan chùa với gác chuông hình hoa sen vươn cao giữa làng quê, biển lúa xanh rờn. Trong chùa có nhiều tượng Phật được chạm khắc trau chuốt, mềm mại, đường nét uyển chuyển vừa từ bi vừa nghiêm trang. Trên tường, cột có nhiều hoành phi, câu đối, nhiều bức phù điêu với đường nét hoa văn tinh xảo. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa còn lưu giữ một số bức phù điêu bằng gỗ rất đẹp của chùa Khải Nam. Trước Tam quan còn có chợ Chùa, với nhiều cây cổ thụ cao to, nhà cửa sầm uất.
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, các cây cổ thụ, Tam quan, nhà tả vu, tường rào… đã được trưng dụng phục vụ cho cuộc chiến tranh vệ quốc. Đến năm Đinh Tỵ (1977), chùa Khải Nam đã bị tháo dỡ hoàn toàn. Chuông chùa và đồ thờ tự một phần được nhân dân cất giữ một phần bị lưu tán. Trên nền chùa cũ, nay là Trường Tiểu học còn một cây si già khoảng 300 tuổi hình thù rất đẹp, dân làng coi như bảo vật linh thiêng còn sót lại, nên đang được địa phương chăm sóc, giữ gìn chu đáo.
Vào thời kỳ đổi mới, cuối những năm thập kỷ 80, thiên niên kỷ thứ hai, theo nguyện vọng của nhân dân và Phật tử địa phương, các cụ cao tuổi làng Cá Lập đã kêu gọi nhân dân trong làng và Phật tử thập phương phát tâm công đức xây dựng được một ngôi nhà tạm gần 20m2 ngay sát đền thờ Cá Lập để thờ Phật. Đến năm Giáp Tuất (1994), chùa được nâng cấp xây dựng kiểu nhà cấp 4 vững chắc, rộng rãi hơn, với diện tích khoảng 40m2. Nhiều người phát tâm công đức tạc tượng, sắm pháp khí, đồ thờ… Bát hương, câu đối, hạc đồng và nhiều đồ dùng khác của chùa trước kia bị thất lạc, lưu tán trong dân, dần dần được gom góp trở lại. Hiện nay, chùa Khải Nam được phục dựng lại trong khuôn viên đền thờ Cá Lập, quy mô kiến trúc của chùa chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng đạo Phật của nhân dân.
Chùa Khải Nam ở vào vị trí địa lý quan trọng, ghi lại nhiều dấu ấn lịch sử – văn hóa của dân tộc và tình cảm của nhân dân địa phương, chùa đã được xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 10/QĐ-VHTT ngày 11 tháng 02 năm 1999. Năm 2007, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã bổ nhiệm Đại đức Thích Nguyên Thanh về trụ trì chùa Khải Nam, phục vụ tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
Thể theo nguyện vọng của nhân dân, chính quyền địa phương đang có kế hoạch, quy hoạch xây dựng lại chùa Khải Nam ở một vị trí mới gần đền Cá Lập, to đẹp, đàng hoàng hơn để xứng đáng với tầm vóc lịch sử.
Những năm gần đây, lễ hội đền Cá Lập phường Quảng Tiến, lễ hội Cỗ Oản chùa Khải Minh phường Bắc Sơn, lễ hội Bánh chưng – Bánh giày đền Độc Cước phường Trường Sơn vào dịp đầu xuân hàng năm đã tạo nên một sắc thái văn hóa độc đáo, riêng biệt ở thị xã du lịch Sầm Sơn.
Tham khảo
- Chùa Xứ Thanh (Tập I), CN. Trịnh Tiến Huynh