Vị trí
Chùa Khán Sơn là tên gọi theo địa danh xóm Sơn. Chùa có tên chữ là Khán Sơn tự, tên gọi này đã có từ thế kỷ XIX bởi các dấu tích ở chùa hiện nay (các hiện vật đá, đại tự, câu đối, nền móng, tam quan) và trí nhớ của các cụ già trong làng cho biết điều đó.
Chùa Khán Sơn nằm trên địa phận Xóm Sơn, đất làng Bình Hòa, xã Quảng Châu, thị xã Sầm Sơn (đến nay là thành phố Sầm Sơn). Chùa nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, giáp với khu du lịch Sầm Sơn nổi tiếng với đền Độc Cước, đền Cô Tiên, hòn Trống Mái, bãi biển Sầm Sơn.
Lược sử
Đến nay chưa có tài liệu nào ghi chép về sự ra đời của chùa Khán Sơn. Các hiện vật, di vật còn lại cũng không cho phép chúng ta khẳng định chắc chắn về niên đại của ngôi chùa. Những viên gạch nền móng Tam quan, hàng loạt máng đá v.v…, ở đây cho phép chúng ta nghĩ đến ngôi chùa có lịch sử xây dựng ít nhất vào thời Nguyễn thế kỷ XIX.
Theo các cụ cao niên cho biết, ngôi chùa Khán Sơn xưa kia được xây dựng gồm 5 gian nhà Tiền đường, 3 gian Hậu cung (Phật điện), chùa quay mặt về hướng đông nam, phía trước là Tam quan (hiện còn nền móng), nằm trên quả đồi. Năm 1967, chùa được dỡ lấy nguyên vật liệu để xây dựng trường học, nền móng bị san lấp lấy đất đá làm Quốc lộ 47. Để đáp ứng đời sống tâm linh và tinh thần của nhân dân, chính quyền địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Quảng Châu, Hội Người cao tuổi, nhân dân, các nhà hảo tâm đã đóng góp công đức xây dựng lại ngôi chùa Khán Sơn trên nền móng cũ, mặt bằng tổng thể, không gian kiến trúc được bố trí gồm sân, nhà Tiền đường, Hậu cung (Phật điện).
Cấu trúc
Từ ngoài vào nhà Tiền đường qua sân chùa. Sân chùa có chiều dài 19m, chiều rộng 13m, được lát gạch bát đỏ.
Toàn bộ điện thờ được cấu tạo theo hình chữ Đinh, nhà Tiền đường nối với Hậu cung theo kiểu hình chuôi vồ.
Nhà Tiền đường có chiều dài 13m, chiều rộng 7m, diện tích 91m2 có hiên trước, được chia thành 5 gian theo kiểu tường hồi bít đốc, gian thứ nhất rộng 2,3m, gian thứ hai rộng 2,75m, gian thứ ba rộng 3,3m, gian thứ tư rộng 2,75m, gian thứ năm rộng 2,3m.
Kiến trúc nhà Tiền đường chỉ là lối kiến trúc mới được tu bổ, tất cả các vì kèo đều làm bằng xi măng giả gỗ, phỏng theo lối kiến trúc gỗ truyền thống đơn giản, giá chiêng, kẻ chuyền. Từ hiên vào đến thượng lương đòn tay, rui mè được làm bằng gỗ, mái lợp ngói. Ba chuồng cửa được làm theo kiểu thượng song hạ bản. Chuồng cửa giữa có 6 cánh, hai chuồng hai bên mỗi chuồng có 4 cánh. Chính gian giữa nhà Tiền đường giáp Hậu cung treo bức đại tự bằng gỗ lớn khổ 1,6m x 0,80m, sơn son thếp vàng với 3 chữ Hán “Khán Sơn tự”. Gian đầu hồi phía đông đặt bàn thờ Mẫu.
Nối với Tiền đường là Hậu cung, được nối với nhau bằng hệ thống đá theo hình chuôi vồ, nhà có chiều dài 7,3m, chiều rộng 4,4m, có 3 vì kèo bê tông giả gỗ, đòn tay, rui mè bằng gỗ được bào nhẵn, nền lát gạch đỏ, mái lợp ngói.
Toàn bộ không gian phía trong Hậu điện được bố trí thành các bệ xây giật cấp cao dần. Đây là nơi thờ các tượng Phật.
Thành tựu
Chùa Khán Sơn là Di tích lịch sử – văn hóa và kiến trúc tôn giáo quý trên địa bàn xã Quảng Châu. Đây là một trong trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân nơi đây. Chùa không chỉ là nơi bồi dưỡng lòng từ bi bác ái, tính nhân văn của đạo phật mà còn là nơi giáo dục ý thức của công dân đối với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngày nay, chính quyền cùng nhân dân địa phương và du khách xa gần phát tâm công đức, đã trùng tu ngôi chùa khang trang hơn. Chùa Khán Sơn đã được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh năm 2011, đang là nơi thu hút nhiều du khách khắp nơi đến tham quan, vãn cảnh chùa.
- Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập III – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016