Tên gọi và vị trí địa lý
Chùa Kiến An Cung, còn được biết đến với tên gọi chùa Ông Quách, tọa lạc tại số 39 đường Phan Bội Châu, phường 1, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ngôi chùa thờ Quảng Trạch Tôn Vương, một công thần vĩ đại thời nhà Tấn. Theo danh định nghĩa: Kiến: Dựng lên cho đứng thẳng; xây dựng nên; lập thành. An: sự an ổn, yên lành. Cung: là ngôi nhà lớn, đền lớn. Kiến An cung có ý nghĩa là ngôi đền lớn tạo lập sự an ổn, yên lành.
Nằm giữa lòng thành phố, chùa Kiến An Cung không chỉ là nơi tín ngưỡng của người dân địa phương mà còn là điểm đến thu hút du khách nhờ vẻ đẹp cổ kính và kiến trúc tiêu biểu của văn hóa Trung Quốc. Với hơn 100 năm lịch sử, ngôi chùa vẫn giữ gìn được nét đẹp truyền thống, trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa của thành phố Sa Đéc.
Lịch sử và nhân vật
Theo lời kể của ông Phan Toại Trọng là quản lý của chùa Kiến An Cung, được biết với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đã thu hút đông đảo người Hoa từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, đến định cư, sinh sống và làm ăn. Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và kết nối cộng đồng, một thương gia tên Huỳnh Cảnh Thuận đã đứng ra vận động cùng nhau quyên góp. Tỉnh Phúc Kiến đã cung cấp gỗ, đá và cử đội ngũ nghệ nhân có tay nghề cao sang giúp đỡ cùng nhau xây dựng chùa.
Chùa Kiến An Cung được khởi công xây dựng vào năm Giáp Tý 1924 Sau ba năm nỗ lực, đến mùa thu năm Đinh Mão 1927, ngôi chùa được hoàn tất, trở thành nơi thờ cúng tổ tiên và dạy dỗ con cháu, đồng thời tạo dựng một không gian gắn kết cộng đồng.
Ngôi chùa được biết đến không chỉ là nơi thờ cúng, chùa còn là trung tâm hội họp, giao thương và trao đổi thông tin của cộng đồng người Hoa. Ngoài việc thờ Phật, chùa còn thờ cúng các bộ hài cốt của người Phúc Kiến không có thân nhân nhận.
Quảng Trạch Tôn Vương (Quách Thánh Vương Công)
Trung Quốc là quốc gia có tín ngưỡng đa thần, người Hoa tôn sùng và thờ cúng rất nhiều thần thánh như: Thiên Quan Tứ phước. Môn thần – Thố địa, Tổ tiên, Quan Âm bồ tát, Quan Thánh Đế quân, Thổ Thần – Thần Tài, Bà Mụ, Táo quân, Trần Thượng Xuyên, Quan Thánh Đế Quân, Thiên Hậu Thánh Mau, Quảng Trạch Tôn Vương,… Với quan niệm thờ cúng để cầu mong thần linh phù hộ sức khoẻ, bình an, tài lộc, cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Quách Thánh Vương Công hay còn gọi là Ông Quách, cha là Thái Vương, mẹ là Thái phi. Ông sanh ngày 22 tháng 2 năm 928 Công nguyên (CN) thời Ngũ đại Hậu Tấn. Nguyên quán huyện An Khê, tỉnh Phúc Kiến.
Năm 13 tuổi, Thánh Vương đắc đạo tại núi Phụng Sơn vào ngày 22 tháng 8 năm 941 CN, nhằm đời Hậu Tấn – Thiên Phúc thứ 5. Năm 960 – CN, đời nhà Tống, ông đã từng hiển thánh giúp Tống Thái Tổ chinh phạt Nam Đường, được thọ phong “Quảng Lợi Vương”.
Đời vua Đào Quang nhà Thanh (1820), ông lại được gia phong “Quảng Trạch Tôn Vương”.
Theo cuốn kỷ yếu Việt Nam học – Kỷ yếu hội thảo Quốc Tế lần thứ 4 có nhắc: “Quảng Trạch Tôn vương là vị nhân thần được người Hoa Phước Kiến tôn thờ rất phổ biến. Thời bình sinh ông siúp dân dẹp loạn, sau khi chết hiển linh bảo vệ dân làng nên người dân tôn ông làm thánh (gọi là Quách Thánh Vương hoặc Quảng Trạch Vương). Phụng Sơn Tự là cơ sở tín ngưỡng thò’ Quảng Trạch Tôn vương của người Hoa bang Phước Kiến (Biên Hòa). Đây còn là Hội quán Phước Kiến, là nơi hội họp của những người Hoa trong bang. Hàng năm, tại Phụng Son Tự những người Hoa bang Phước Kiến làm lễ vía Quách Thánh Vương vào ngày 22/2 và 22/8 âm lịch hàng năm, tưởng nhớ ngày sinh và ngày dắc đạo của Quảng Trạch Tôn Vương”.
Quảng Trạch Tôn Vương được tôn thờ như một vị thần bảo vệ cộng đồng, mang đến bình an và thịnh vượng. Việc thờ cúng ngài không chỉ phản ánh tín ngưỡng dân gian sâu sắc của người dân Phúc Kiến, mà còn thể hiện di sản văn hóa phong phú của cộng đồng người Hoa tại Đồng Tháp, góp phần làm giàu thêm văn hóa địa phương.
Kiến trúc
Chùa Kiến An Cung với diện tích rộng 1.634 m², nằm ngay tại giao điểm của hai tuyến đường lớn Trần Hưng Đạo và Phan Bội Châu, xung quanh là khu vực sinh sống của nhân dân. Từ khi được xây dựng đến nay, chùa đã trải qua ba lần trùng tu, nhưng vẫn dựa trên nền đất cũ. Chùa hiện tại mang kiến trúc “nội công ngoại quốc” – một đặc trưng phổ biến ở nhiều ngôi chùa Việt Nam, với phần bên trong hình chữ Công (工) và bên ngoài hình chữ Quốc (国). Ngôi chùa toát lên vẻ đẹp kiến trúc Trung Quốc, với những nét văn hóa cổ độc đáo và tinh tế, kết hợp nhiều màu sắc
Tổng thể kiến trúc của chùa được gồm các công trình chính: Cổng (Cổng Nội, Cổng Ngoại), Chính Điện ở giữa, hai bên là hai dãy nhà Tả Vu và Hữu Vu.
Cổng Ngoại
Cổng Ngoại chùa Kiến An Cung được thiết kế với cấu trúc đơn giản gồm hai trụ đứng. Hai trụ cổng vững chãi nâng đỡ hai cánh cửa, xung quanh chùa được bao bọc bởi hàng rào xi măng, mô phỏng hình dáng những cọc tre xếp hàng, vừa giữ gìn nét truyền thống vừa mang nét hiện đại.
Cổng Nội
Phía bên trong cổng là một khoảng sân rộng, được lát gạch đỏ, trồng nhiều cây cối và đặt các chậu cây cảnh tạo cảm giác sạch sẽ và thoáng mát.
Qua khoảng sân rộng là tới Cổng Nội với kiến trúc kiểu Tam Quan gồm ba gian, Hai gian bên được xây kín, tạo điểm nhấn với những ô cửa sổ hình tròn. Gian giữa là lối vào chính của chùa, hai bên cửa có hai sư tử bằng đá xanh, đặt trên bệ cao, miệng ngậm hạt ngọc châu đứng uy nghiêm, bảo vệ cho ngôi chùa.
Các vòm mái lối ra vào được trang trí cầu kì bằng các cửa võng, chạm nổi các hoạ tiết rồng mây, chim muông. Phía trên khung mái trước cửa ra vào có bốn chậu hoa bằng gỗ sơn son thếp vàng, giữa có tấm hoành phi ghi chữ Hán “建安宮”, dịch: “Kiến An Cung”. Trên cửa ra vào được trang trí bằng sáu con Lân gỗ thếp vàng và ở mỗi mặt cánh cửa vẽ hình thần trấn môn. Hai bên cửa chính có hai câu đối trang trí hoa văn xung quanh, nền chạm hoa mai và hạc thếp vàng.
Mái Cổng Nội là một công trình kiến trúc đặc sắc, kết hợp giữa hai loại ngói: ngói âm dương và ngói trích thuỷ lợp theo kiểu gợn sóng rồng, tạo nên những lớp lợp gợn sóng. Mỗi đầu ngọn sóng đều có một đầu đao cong vút tạo thành bốn mô hình hình giống như một cung điện thu nhỏ, làm tăng thêm vẻ đẹp tổng thể kiến trúc uy nghiêm, mang đậm dấu ấn phong cách đền miếu truyền thống của Trung Hoa.
Chính Điện
Từ Cổng Nội dẫn vào Chính Điện, là một khoảng sân rộng, thường được gọi là thiên đỉnh hay giếng trời, ngay chính giữa giếng trời đặt một lư hương lớn, đây là nơi để làm chỗ cúng tế. Ở phía sau, nằm đối xứng với Cổng Nội là Chính Điện, gian thờ chính của chùa Kiến An Cung, nổi bật với kiến trúc được chạm trổ tinh xảo. Phía trên, treo bức hoành phi ghi chữ Hán “民 安 國 保 , dịch : “Bảo Quốc An Dân”.
Chính Điện của chùa Kiến An Cung bao gồm ba gian liền kề, với gian giữa dành riêng để thờ Quảng Trạch Tôn Vương, hay còn gọi là ông Quách, tượng ông ngự trên ngai, được đúc bằng đồng đỏ với gương mặt phúc hậu, ngài mặc áo bào, tay nâng đai ngọc có lính hầu cận hai bên. Hai bên còn lại là nơi thờ Đức Thanh Thủy Tổ Sư (Tổ thầy thuốc) và Bảo Sanh Đại Đế (Ông độ mạng).
Mỗi gian trong chùa đều được thiết kế với cửa võng tinh xảo, chạm lộng những đề tài rồng mây, hoa lá và chim muông, đính kèm là tấm y môn bên cạnh cửa võng làm tăng thêm vẻ trang nghiêm cho không gian thờ cúng. Hương án và các đồ thờ cúng và cũng được chạm trổ công phu, sơn son thếp vàng, gian giữa đặt hai bộ bát bửu canh giữ hai bên. Những cột lớn trong Chính Điện cùng các tấm hoành phi, đối liễn, đều được chạm khắc hoa lá và chim muông.
Ở hai cột gian giữa Chính Điện được treo đôi liễn:
“Phú mỹ tạ thần ân khánh hạ nguy nga hưng miếu vũ,
Đông thôn loát thánh đức thành long hách trạc thạnh trùng tôn”.
Dịch nghĩa:
“Giàu có tạ ơn thần mừng rỡ dựng miếu sáng lộng lẫy,
Thôn Đông nhờ đức thánh huy hoàng sửa điện lớn lao hơn”.
Tả Vu, Hữu Vu
Hai bên Chính Điện là Tả Vu và Hữu Vu, đây là nơi thờ của một số các vị thần khác như: Quan Thánh Đế Vương, Quán Thế Âm Bồ Tát,… Ngoài ra còn là nơi tiếp khách thập phương khi đến chùa cúng lễ.
Trên các vách tường hai bên đều được trang trí các bức hoạ tranh thuỷ mặc, nét hoạ sinh động và uyển chuyển với những hình ảnh: khuyến thiện trừ tà, truyện Phong Thần, Tam Quốc Diễn Nghĩa, nhiều truyện tích xưa ý vị thâm trầm,… Chùa Kiến An Cung nổi bật với thiết kế không sử dụng kèo, mà thay vào đó là hệ thống đòn tay ráp mộng, chịu lực trên những cột gỗ tròn vững chắc có đường kính 30cm. Khung mái được xây dựng theo kiểu chồng rường giá chiêng, được khắc họa và tô vẽ tỉ mỉ với các chi tiết màu sắc tinh tế, mang đậm ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa.
Sự Kiện và lễ hội
Hàng năm, chùa Kiến An Cung tổ chức hai lễ hội lớn vào ngày 22 tháng 2 và 22 tháng 8 Âm lịch. Ngày 22 tháng 2 kỷ niệm ngày sinh của Ông Quách, còn ngày 22 tháng 8 đánh dấu ngày Ông thành đạo. Trong ngày lễ được tổ chức rất trọng đại, với nhạc lễ theo nghi thức cổ truyền và đáo lệ 3 năm có thiết lập trai đàn, cúng cầu siêu cho bá tánh và cầu nguyện cho quốc thái dân an, có sự góp mặt của đông đảo người dân đến dự và cầu nguyện.
Lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh các giá trị tâm linh mà còn là biểu hiện của một nét đẹp văn hóa phi vật thể được gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Vào những dịp này, chùa thu hút đông đảo phật tử và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động và trang nghiêm. Với lối kiến trúc đậm chất Trung Hoa và nền văn hóa truyền thống phong phú, chùa Kiến An Cung trở thành một điểm đến tâm linh hấp dẫn, nơi mọi người có thể tìm về sự bình an và kết nối với di sản văn hóa quý báu.
Xếp hạng
Chùa Kiến An Cung với lối kiến trúc mang đậm phong cách Trung Hoa và nền văn hóa truyền thống đặc sắc, là một công trình văn hoá tôn giáo đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng công nhận là di tích lịch sử văn hoá ngày 27 tháng 4 năm 1990.
Tài liệu tham khảo:
- Mai Thuỳ Anh, Tín ngưỡng dân gian của người Hoa ở Việt Nam qua các nghiên cứu từ năm 1986 đến nay, Nghiên cứu tôn giáo số 10 -2021.
- Hiếu Lễ (1997), chùa Kiến An Cung, Đồng Tháp di tích lịch sử danh lam thắng cảnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và Bảo tàng Đồng Tháp.
- Lê Thị Nguyệt, Tín ngưỡng dân gian người Hoa trong mối giao lưu văn hoá với người Việt ở Đồng Nai, Việt Nam học – Kỷ yếu hội thảo Quốc Tế lần thứ 4.