Chùa Kim Tiên (Thành phố Huế – Thừa Thiên Huế)

Chùa Kim Tiên (Thành phố Huế – Thừa Thiên Huế)

Thông tin cơ bản

Giới thiệu


Chùa Kim Tiên tọa lạc ở số 184/14, đường Điện Biên Phủ, phường Trường An, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Chùa Kim Tiên dưới thời các chúa Nguyễn là một trong những ngôi chùa đẹp tại kinh đô với phong cảnh u nhã, lầu gác huy hoàng tráng lệ. Có lẽ cũng vì đẹp đẽ, tráng lệ nên chùa Kim Tiên phải trải qua bao nỗi thăng trầm cùng xứ sở để đến bây giờ còn lưu truyền câu ca daoVì ai nên nỗi sầu này/ Chùa Tiên vắng vẻ tớ thầy xa nhau”. Đáng chú ý hơn hết là chùa Kim Tiên trở thành phủ công chúa Ngọc Hân-Bắc Cung Hoàng hậu của vua Quang Trung.

Truyền thuyết


Tương truyền rằng, xưa kia chùa Kim Tiên chỉ là một thảo am nhỏ ẩn khuất trên đồi cây rậm rạp với nhiều loài thú dữ. Một buổi chiều nọ, trời bỗng trở nên mát mẻ, từng đợt gió mơn man thổi như có một điều gì khác lạ. Nơi khe suối phía cổng chùa, người ta đã nhìn thấy ba thiếu nữ xinh đẹp với xiêm y lộng lẫy đang vui đùa trong dòng nước mát trong. Khi những người đi đường nhìn thấy và tến lại gần, ba thiếu nữ nhẹ nhàng bay lên hư không và mất hút trong bầu trời xanh thẫm, chỉ để lại hương thơm kì lạ bay trong gió. Từ đấy, câu chuyện ba tiên nữ xuống tắm nơi dòng suối phía trước cổng chùa lưu truyền trong dân gian. Có lẽ đó cũng là nhân duyên để sau này chùa có tên  Kim Tiên.

Chùa còn được lưu lại rất nhiều trong các câu thơ như:

“Kim Tiên giếng ngọc trong dòng nước

Bảo tháp chùa xưa thoảng khói trầm

Vườn tịnh gió chiều reo ngõ trúc

Gậy thiền thanh thản dạo đường trăng”.

Lịch sử


Chùa Kim Tiên xuất hiện trên đất Thuận Hoá từ năm nào không ai nhớ rõ. Nhưng theo một số nhà sử học có uy tín, chùa Kim Tiên tồn tại đến nay đã hơn 300 năm lịch sử, tức là vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Theo các long vị đang phụng thờ ở bàn thờ Tổ của chùa thì có một long vị đề: “Sắc tứ Từ Giác trùng kiến Kim Tiên Tự, Lâm Tế tam thập tứ thế hiệu Bích Phong Việt Lão Hoà Thượng giác linh”. Theo sử liệu đời thứ 34 của dòng thiền Lâm Tế thì Ngài này cùng một thời với ngài Minh Hoằng Tử Dung, vị tổ khai sơn chùa Từ Đàm, một trong những ngôi chùa xất hiện sớm nhất ở đất Thuận Hoá.

Chùa Kim Tiên được Hoà thượng Bích Phong trùng tu lần đầu tiên, đến đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát được trùng tu lại một lần nữa (1774). Đợt trùng tu này theo như sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép: “…Chúa đi tới, thấy nơi có di tích xưa: một ngôi chùa trên đồi cây rậm, tường vách sụp nát, rường mái đổ nghiêng. Thấy vậy, Chúa có ý muốn tu sửa lại; bèn sai thợ mộc làm lại điện thờ, gác chuông, lầu trống, sơn son thiếp vàng; phụng thờ các vị Phật và Bồ Tát để cầu phúc cho dân. Chỉ sau vài tháng chùa đã làm xong, quy mô rất tráng lệ…”

Vào thời Tây Sơn Nguyễn Huệ, chùa đã bị chiếm dụng làm nơi ở cho Ngọc Hân Công Chúa và làm kho chứa vũ khí. Theo lệnh của Nguyễn Huệ lúc bấy giờ, các chùa làng đều bị triệt hạ và chỉ giữ lại những ngôi chùa lớn ở huyện. Cũng trong thời gian ấy, các tượng Phật bằng đồng, các loại chuông và pháp khí bằng đồng của chùa đều bị chiếm đoạt để đúc vũ khí phục vụ cho quân đội. Trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca dao với đầy lòng oán trách:

“Vì ai nên nổi nước này

Chùa Tiên vắng vẻ điệu thầy xa nhau”.

Dưới triều Nguyễn, từ đời vua Gia Long đến trước đời vua Tự Đức, chùa cũng được trùng tu nhiều lần, được tôn tạo và được nhiều vị tôn sư làm trụ trì.

Vào khoảng những năm 1959 – 1960, chùa được Hòa thượng Hưng Mãn làm trụ trì. Năm 1964, Hòa thượng viên tịch. Hòa thượng Hưng Dung được cử làm trụ trì nhưng vì nhiều lí do nên đến năm 1968, Hòa thượng mới vào Huế để tiếp nhận. Hòa thượng là người có công rất lớn trong việc trùng tu chùa. Năm 1997, vì tâm huyết với ngôi chùa cổ, Hòa thượng đã cùng các môn đệ và các đệ tử xuất gia cũng như tại gia ra sức trùng tu lại ngôi chùa với quy mô khá lớn. Trong lần trùng tu này, ngôi chánh điện được xây mới lại hoàn toàn với ba căn hai chái rất uy nghiêm và tráng lệ.

Năm 1998, Hòa thượng Hưng Dung viên tịch, Thượng tọa Thích Giác Đạo kế tục sự nghiệp và tiếp tục tiến hành trùng tu Tổ đình, từ Hậu đường, điện Di Lặc, Hương Nghiêm đường cho đến phòng Tăng.

Kiến trúc


Không gian Chùa Kim Tiên không rộng thênh thang thấp thoáng dưới bóng cây xanh, khang trang, hòa đồng với thiên nhiên. Chính điện với gam màu trầm, hệ thống thờ tự đơn giản với những bức tượng cổ vẫn đang được thờ tự. Trong chùa có một quả chuông đồng đơn giản nhưng  rất tinh tế được đúc năm 1967 cùng với bức tượng Đức Phật Thích Ca được thờ tại chính điện Tam bảo. Ngoài ra còn một quả chuông cổ được đúc vào tháng 10 năm Thành Thái thứ 7 ( năm 1905). 

Phía sau Chính điện là  Nơi thờ các vị sư Tổ có đóng góp cho sự phát triển của chùa, trong đó có bức long vị cổ nhất thờ hòa thượng Bích Phong Việt Lão.

Có một điều đặc biệt tại chùa Kim Tiên so với các chùa khác của miền Bắc hay miền Nam, Chính điện là một nhà, nhà Tổ là một nhà nhưng tại chùa Kim Tiên, Chính điện và Nhà Tổ chung một nhà theo lối tiền Phật hậu Tổ, nơi thờ Phật dựa lưng vào nơi thờ Tổ tạo nên một thế rất vững chắc và đây cũng chính là nét độc đáo của chùa Huế.

Đến nay, chùa Kim Tiên từng bước tu sửa, làm mới thêm nhiều hạng mục như chánh điện, nhà Tổ, Quan Âm các, Tăng xá, trai đường, nhà trù (nhà bếp) trở thành một hệ thống kiến trúc thiền tự hoàn chỉnh khang trang, bề thế có tiếng ở Huế.

Tham khảo


  • https://giacngo.vn/tham-chua-kim-tien-qua-ai-tu-van-cua-cong-chua-ngoc-han-post1709.html
  • https://vuonhoaphatgiao.com/tu-vien/cac-chua-trong-nuoc/cac-chua-o-thua-thien-hue/chua-kim-tien/
  • http://mobile.coviet.vn/detail.aspx?pid=N0NDQzBFMEM&key=Ch%C3%B9a+Kim+Ti%C3%AAn
Chấm điểm
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)