Chùa Làng Tự (Triệu Sơn, Thanh Hoá)

Chùa Làng Tự (Triệu Sơn, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Chùa làng Tự thuộc xã Minh Dân, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Xã Minh Dân vào đầu thế kỷ XIX, thời vua Gia Long (1802-1819) gồm 3 thôn: Thôn Thượng xã Trạm Lộ, thôn Tự, thôn Hạ thuộc tổng Cổ Định, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hoa; thời vua Đồng Khánh (1885-1888), thôn Thượng, thôn Hạ, thôn Tự thuộc xã Trạm Lộ, tổng Yên Định (thời vua Duy Tân 1907-1916 đổi là tổng Hữu Định), huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Trạm Lộ thuộc tổng Hữu Định, huyện Nông Cống. Từ ngày 6 tháng 1 năm 1946 đến tháng 9-1953, Trạm Lộ là một làng thuộc xã Minh Nông (xã Minh Nông là một trong 15 xã lớn của huyện Nông Cống thời kỳ này). Tháng 10-1953, xã Minh Nông chia thành 3 xã Minh Dân, Minh Sơn và Minh Châu; Các làng (thôn) Thượng, Hạ, Tự thuộc xã Minh Dân. Từ năm 1965, xã Minh Dân thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, xã Minh Dân gồm có 3 làng: làng Thượng, làng Hạ và làng Tự.

Địa lý

Xã Minh Dân nằm trên con đường Thiên Lý – Bắc Nam, địa danh mang tên Trạm Lộ – tức là một trạm dừng chân trên đường Thiên Lý. Đây là con đường hành binh vào vùng đất phía Nam của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Đây cũng là vùng đất của những công thần khai quốc dòng họ Trịnh nổi tiếng, với những tên tuổi như Hộ bộ Thượng thư Trịnh Công Hữu (Thọ Quốc công).

Trong kháng chiến chống Pháp, xã Minh Dân trở thành nơi đóng quân của bộ đội chủ lực, đặc biệt là chùa làng Tự trở thành công binh xưởng – nơi sản xuất ra đạn, súng phục vụ cho chiến trường Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Minh Dân là vùng đất được cư dân đến đây khai phá tạo lập xóm làng khá sớm và cư trú dọc theo triền sông nhà Lê (thế kỷ X) hình thành nên những xóm làng trù phú như ngày nay. Hiện nay Minh Dân có gần 30 dòng họ sinh cơ, lập nghiệp gồm: họ Nguyễn Văn, Nguyễn Mai, Lê Công, Lê Đình, Lê Tử, Trần Thọ, Nguyễn Xuân, Nguyễn Chước, Lê Văn, Phạm Thế, Phạm Văn, Lê Xuân, Nguyễn Trọng, Trần Văn, Trần Phú, Trần Xuân, Hoàng Trọng, Lê Duy, Lê Viết, Trịnh Hữu, Lê Đăng, Lê Danh, Hoàng Văn, Lê Hữu….

Lịch sử

Trong quá trình xây dựng và phát triển làng xã, nhiều công trình văn hóa làng, xã đã ra đời như đình, chùa, đền, miếu… nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần và tâm linh của nhân dân. Xã Minh Dân có đình làng Thượng, đình làng Tự, đình làng Hạ là nơi sinh hoạt làng xã, đồng thời là nơi thờ Thành hoàng làng; có chùa Chim Chích, chùa làng Tự làm nơi thờ Phật; có truyền thống thờ cúng tổ tiên, tế tổ ở các nhà thờ họ. Riêng đối với chùa làng Tự hàng năm vào rằm tháng Giêng, tháng Hai, diễn ra hội chùa với những nghi thức quan trọng của đạo Phật nhằm cầu phúc cầu lộc, ước mơ yên bình,…. đó là những chứng tích minh chứng cho quá trình con người định cư, khai phá đất đai, cải tạo thiên nhiên để tạo dựng cuộc sống mà ngày nay nhưng dấu tích vẫn còn hiệu hữu, đánh dấu những chặng đường phát triển của làng Trạm Lộ xưa và xã Minh Dân ngày nay.

Ở làng Tự, chùa làng đã đóng vai trò như một thực thể sống động có tác dụng quan trọng đối với đời sống tinh thần cộng đồng làng xã và trong quá trình xây dựng quê hương đất nước. Ngôi chùa làng Tự đã bị hoang phế và phá hủy hoàn toàn vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, những dấu ấn ngôi chùa chỉ còn trong trí nhớ của lớp người cao tuổi ở đây.

Chùa làng Tự nằm ở trung tâm xã Minh Dân, trên thửa đất số 1167 có diện tích 2.154,9m2 gần công sở xã Minh Dân, cách đường trục chính của xã khoảng 20m. Chùa nằm ở vị trí mà theo quan niệm dân gian là “Trạch đắc long xà địa khả cư” (tức là: Chọn địa thế đất rồng rắn có thể ở yên).

Hiện nay chưa tìm thấy tài liệu ghi chép về ngôi chùa làng Tự. Nhưng trong lớp người cao tuổi ở đây, hình ảnh ngôi chùa làng Tự vẫn còn được lưu truyền đậm nét trong ký ức họ.

Kiến trúc

Về kiến trúc, chùa bao gồm các hạng mục như: chùa Chính, Sân chùa, Nhà Tổ, Nhà Mẫu và Tam quan. Ở bên trái chùa còn có một giếng đá. Theo các cụ kể lại: chùa làng Tự trước đây được cấu trúc theo kiểu chữ Đinh (J) gồm 2 gian Hậu cung và 5 gian Tiền đường (3 gian 2 chái) được làm bằng gỗ tứ thiết. Nhà Tiền điện có vì kèo được cấu trúc theo kiểu chồng rường kẻ bẩy, mở 3 cửa ra vào, trên nóc có biểu tượng bánh xe pháp luân. Nhà Hậu cung gồm hai vì kèo gỗ được làm theo kiểu giá chiêng chồng rường, kẻ bẩy. Tường bít đốc vừa có nhiệm vụ làm tường bao vừa có chức năng như trụ cột để đỡ vì kèo. Họa tiết trang trí gồm các đề tài hoa sen, lá cúc, vân mây.

Ngoài chùa chính còn có Sân chùa, Nhà Tổ, Nhà Mẫu các công trình này được ngăn cách với nhau bằng những khoảng sân rộng. Cổng Tam quan được xây dựng gồm 3 cửa ra vào (cửa giữa lớn, 2 cửa nhỏ hai bên), phía trên là hai tầng mái cong được gắn kìm góc và các biểu tượng Phật giáo.

Theo các cụ già làng cho biết chùa làng Tự được xây dựng vào đầu thời Nguyễn, Phật điện của ngôi chùa này có đủ các tượng Bồ tát và chư Phật. Theo sự mô tả của các cụ già làng thì việc bài trí tượng Phật ở Phật điện được sắp xếp như sau:

Ở tầng cao nhất, là ba pho tượng được gọi là Tam Thế, tức tượng các vị Phật đại diện ba thời: Quá khứ, Hiện tại và Vị lai. Ba vị Phật này chỉ là đại diện vô lượng vô biên chư Phật trong mười phương theo quan niệm của Phật giáo Đại Thừa.

Ban thứ hai, là bộ tượng Di Đà tam tôn, gồm tượng Phật A Di Đà ở giữa, tượng Bồ tát Quan Thế Âm ở bên trái và tượng Bồ tát Đại Thế Chí bên phải. Hai vị Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí đứng thị giả bên cạnh nhằm giúp đức A Di Đà trong việc tiếp dẫn chúng sinh từ cõi Sa Bà về cõi Cực Lạc.

Ban thứ ba, là bộ tượng Hoa Nghiêm tam thánh, gồm tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi giữa, tượng Văn Thù ở bên trái và tượng Phổ Hiền đứng trên tòa sen. Ngài Phổ Hiền là tượng trưng cho trí – tuệ – chúng; Ngài Văn Thù là tượng trưng cho lí – định – hành. Hai vị Bồ tát này giúp đỡ, tuyên dương giáo hóa của đức Thích Ca.

Ban thứ 4, là tòa Cửu Long với biểu tượng đức Thích Ca sơ sinh tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất, cùng hình ảnh 9 con rồng đang phun nước tắm cho ngài. Xung quanh là hình tượng muôn ngàn vị Phật trong Tam thiên thế Phật, cũng là tượng trưng cho Phật điện thu nhỏ.

Ban thứ 5, là nơi dành cho tín đồ Phật tử dâng lễ.

Trong Tiền đường có hai ban thờ, bên phải là ban thờ A Nan; bên trái là ban thờ Đức Ông. Bên ngoài cửa là hai tượng Hộ pháp, mình mặc giáp trụ, cầm vũ khí được đắp nổi vào tường.

Ở nhà Tổ, chính giữa ở ngôi cao nhất là ban thờ Bồ Đề Đạt Ma, bên dưới là tượng thờ các vị sư đã từng tu hành tại chùa.

Chùa làng Tự, xã Minh Dân là một công trình kiến trúc thờ Phật, nó gắn liền với đời sống sinh hoạt tinh thần của nhân dân trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của cư dân của làng Tự xưa và nay. Vì vậy, việc phục dựng công trình chùa làng Tự để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân là cần thiết.

Tham khảo 

  • Chùa Xứ Thanh (Tập IV), Nguyễn Thị Khuyến
1/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ
Eaf8a521bd23787d2132

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)