Chùa Lễ Động (Triệu Sơn, Thanh Hoá)

Chùa Lễ Động (Triệu Sơn, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Chùa Lễ Động nằm trên núi Thần Đồng, thuộc làng Lễ Động (nay là làng Đồng Minh), xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá; trước năm 1964 vùng đất này thuộc huyện Nông Cống. Làng có diện tích tự nhiên là 135 ha, trong đó đất trồng trọt là 95 ha; có 390 hộ với 1850 nhân khẩu. Phía đông giáp làng Quần Trúc xã Khuyến Nông, phía tây và phía nam giáp làng Tào Lâm xã Thái Hòa, phía bắc giáp xã Nông Trường. Đây là vùng đất vốn được Vũ Uy – một khai quốc công thần thời Lê được Lê Lợi cho mộ dân khẩn hoang lập trang trại riêng. Quá trình khẩn hoang đó kéo dài tới tận thời Lê Thánh Tông và lập được 38 trang trại làm công điền thế nghiệp. Con cháu Vũ Uy ngày một đông đúc và mở rộng khai hoang cày cấy ở 11 huyện, riêng huyện Nông Cống có 14 trang, trong đó có trang Lễ Động do Vũ Văn Lộc – Thái bảo Bình Quốc Công làm trang trưởng.

Làng Lễ Động nói riêng và vùng đất 20 xã Nông Cống cắt chuyển về Triệu Sơn được xem là vùng đất bán sơn địa, là bậc thềm phù sa cổ, nguyên là dấu tích của một bề mặt châu thổ cũ được tạo thành vào thời kỳ mực nước biển dâng cao.

Địa lý

Xét về mặt địa lý, vùng đất Thái Hòa có đồi gò và rộc sâu, lại có sông Vực Bưu – dòng sông cổ bắt nguồn từ Ngàn Nưa chảy xuống mà vào thế kỷ X, Lê Hoàn đã từng lợi dụng để khơi rộng và đào nối với con Kênh đào (tức sông Nhà Lê), tạo nên sự thông thương với các vùng, đồng thời giải quyết việc tiêu úng từ vùng rừng núi Ngàn Nưa xuống. Dòng sông này uốn lượn như dải lụa len lỏi giữa các làng Yên Hòa, Lễ Động tạo nên một cảnh quan hết sức kỳ thú. Nhìn toàn cảnh thì thấy Lễ Động như tựa lưng vào núi Nưa hùng vĩ và hướng ra vùng đồng bằng phía đông rộng rãi. Đó là một vùng rộng lớn có hệ sinh thái rất đa dạng, phong phú với cái tên ban đầu là Lễ Động được khai khẩn từ thời Lê Hy Tông. Thế nhưng bản thân địa danh Lễ Động không chỉ nói lên những nét xa xưa, mà còn gợi lên cảm hứng đối với những người muốn tìm lại quá khứ cổ kính của những vùng đất xưa. Thái Hòa còn là vùng đất có cả một cụm di tích lịch sử quý giá như đền Vực Bưu, đền Mẫu, đền Cao Sơn, chùa Lễ Động…

Sự kiện lịch sử 

Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1428), đối với các công thần khai quốc, Lê Lợi đã lấy ruộng đất ở vùng mới giải phóng ban thưởng cho những người có công, đồng thời cũng cho họ được khai phá nhiều ruộng đất. Trường hợp Thiếu uý Trung quốc công Vũ Uy là một công thần khai quốc, được Lê Lợi cho mộ dân khẩn hoang lập trang trại riêng. Quá trình khai hoang kéo dài tới tận thời Lê Thánh Tông và lập được 38 trang trại công điền thế nghiệp. Con cháu Vũ Uy ngày một đông đúc và mở rộng khai hoang cày cấy ở 11 huyện như: Nông Cống 14 trang, Vĩnh Lộc 4 trang, Yên Định 5 trang, Hậu Lộc 5 trang, Đông Sơn 1 trang, Ngọc Sơn 7 trang. Riêng 14 trang ở huyện Nông Cống được phân công cụ thể như sau: Trang Lễ Động do Vũ Văn Lộc – Đại tướng hầu đặc tiến Thái bảo bình quốc công làm trang trưởng; trang Nhân Mỹ do ông Vũ Đình Bảng; trang Ngọc Châu do Vũ Đắc Lộc – Đường Giang Vương; trang Thái Bình do ông Vũ Kế Khoa – công thần; trang Phái Trung do ông Vũ Văn Ấp – công thần; trang Đồng Ban do ông Vũ Văn Công – công thần; trang Đồng Sang do ông Vũ Văn Hữu – công thần; trang Đồng Trụ do ông Vũ Văn Trường – công thần; trang Thạch Điền do ông Vũ Văn Khuể – công thần; trang Đa Trạch do ông Vũ Văn Chính – công thần; trang Đô Xá do ông Vũ Văn Điển – công thần; trang Cửa Niệu do ông Vũ Văn Điển – công thần; trang Đa Đăng do ông Vũ Văn Tường – công thần; trang Biểu do ông Vũ Văn Tường – công thần.

Do những biến động của lịch sử và do quy tụ theo sự phân chi, nên tại Thanh Hóa con cháu họ Vũ Uy chỉ còn bởi cư trú ở 13 huyện với 47 trang, sau này còn 45 trang. Trước đây mỗi trang có đền thờ Vũ Uy và đền thờ thành hoàng làng.

Trang Lễ Động do Vũ Văn Lộc – con cháu Vũ Uy trực tiếp làm trang trưởng. Thân thế và sự nghiệp của Vũ Văn Lộc như thế nào ngày nay chúng ta chỉ có thể biết được qua tài liệu ghi chép của cụ Vũ Duy Chức – nhà giáo – lương y quê ở làng Lễ Động – Nông Cống (nay là làng Đồng Minh, xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn) và những câu chuyện do người dân Lễ Động kể lại: Vũ Văn Lộc là người đã tập hợp được con cháu dòng họ Vũ lập nên sổ đinh, sổ điền, lúc đầu chưa thành thôn mà chỉ là những người thân thích trong dòng họ nên gọi là Tộc Lễ Động. Trang trại của ông có nhiệm vụ chăm lo cày cấy đảm bảo đời sống nhân dân, tích luỹ lương thực, sẵn sàng chi viện sức người sức của cho triều đình khi cần thiết.

Được hưởng lộc của nhà vua, bản thân Vũ Văn Lộc lại là một quan tước được học hành, thông thạo chữ Hán, am tường sử sách, vì thế mà vùng đất trang Lễ Động do ông làm trang trưởng cho đến hôm nay vẫn còn những dấu tích về cải tạo đồng ruộng, mở mang văn hóa, từng bước ổn định quy hoạch xóm làng thành một vùng đất khá trù mật, kinh tế phát triển và có vị trí chính trị khá quan trọng ở vùng phía tây Thanh Hóa thời trung đại.

Trong những công lao của Vũ Văn Lộc phải kể đến phát triển đạo Phật ở vùng đất ông cai quản, ông đã cho xây dựng chùa Lễ Động trên đỉnh núi Thần Đồng. Lúc đầu chùa được dựng lộ thiên để thờ trời Phật. Về sau được xây dựng quy mô và trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng của người dân Lễ Động và nhân dân quanh vùng.

Như vậy, là đến thế kỷ XVII, vùng đất Lễ Động đã là nơi có dân đông đúc, kinh tế phát triển, đời sống văn hóa và tín ngưỡng cũng rất cao mà công lao khởi dựng đầu tiên là Vũ Văn Lộc. Đây là một trong những trang trại còn để lại nhiều dấu tích về thời kỳ khai hoang mở đất đọng lại trong những truyền thuyết và những câu chuyện kể của người dân vùng này.

Chùa Lễ Động được xây dựng trên núi Thần Đồng – một quả núi nằm ở phía tây bắc làng Lễ Động. Núi Thần Đồng là một quả núi nhỏ, đỉnh bằng, sườn thoải nằm nổi vọt lên giữa đồng bằng trồng lúa và trồng màu rộng lớn của hai làng Yên Hòa và Lễ Động thuộc xã Thái Hòa. Theo nghiên cứu của các nhà địa chất thì đây là kết quả của những vận động tạo sơn diễn ra từ thời kỳ rất xa xưa. Núi Thần Đồng chiếm một không gian lớn trong quần thể nhưng có cấu tạo địa chất đặc biệt mà các núi khác xung quanh không có: Đá ở núi là đá ba zan có màu xám xanh, xanh cổ vịt hạt mịn – các nhà địa chất gọi là đá xpilit – là kết quả của dung nham phun trào do núi lửa hoạt động cách đây 250 – 260 triệu năm.

Văn hoá

Về góc độ văn hóa, núi Thần Đồng là tâm điểm thờ cúng của cư dân vùng này. Đỉnh núi dựng chùa thờ Phật, chân núi dựng văn chỉ của làng, đền thờ thần Cao Sơn. Đấy chính là sức hấp dẫn khách hành hương bởi cảnh quan “sơn thủy hữu tình” mà nó có ưu thế trong tổng cảnh của toàn vùng. Truyền thuyết dân gian trong vùng còn kể lại rằng: Xưa kia có ông Tu Nưa (Thần Núi) gánh hai quả núi tới đây thì đòn gánh bị gãy, một quả núi là Thần Đồng, một quả là núi Tía (nay thuộc xã Vân Sơn) cách núi Thần Đồng khoảng 3 km (núi Tía có di tích đền thờ Bà Triệu). Truyền thuyết trên phản ánh tinh thần lao động “gánh núi dọn đồng” của cư dân vùng này từ xa xưa.

Một truyền thuyết khác kể rằng: Ở trên đỉnh núi Thần Đồng có khu đất rộng khoảng 300m2, khi giậm chân thì phát ra tiếng kêu thình thịch như có khoảng rỗng trong lòng núi. Theo các cụ trong làng thì về khuya những đêm thanh vắng, nhân dân trong làng nghe thấy tiếng vọng từ trong lòng núi như tiếng trẻ đọc sách? Tương truyền rằng năm nào có tiếng đọc sách nhiều thì năm đó làng có nhiều người đỗ đạt. Vì thế núi mang tên là núi Thần Đồng.

Núi Thần Đồng cùng với những truyền thuyết, chuyện kể phản ánh tính hiển linh của nó ngày càng được tăng cường, và nó càng trở nên ý nghĩa hơn khi trên đỉnh núi là nơi ngự của đức Phật.

Chùa Lễ Động

Ban đầu, chùa chỉ là một bàn thờ lộ thiên tam cấp bằng đá để thờ trời, Phật. Đến năm Minh Mệnh thứ 4 (1824), nhân dân trong làng Lễ Động mới dựng nên 3 gian tranh tre nứa lá làm nơi thờ tự. Năm Minh Mệnh thứ 8 (1828), chùa được xây bằng gạch, mái lợp ngói mũi hài, có vì kèo gỗ quy mô, được kiến trúc theo kiểu chữ Đinh. Trước chùa có cây đa cổ thụ có tiếng thọ cao bậc nhất vùng. Các công trình trong chùa đều rất quy mô bề thế gồm: Tam quan, Chính điện, Thượng điện, nhà Tổ. Toàn bộ kiến trúc của chùa được làm bằng nhiều cột gỗ to và thấp vì chùa nằm trên đỉnh núi phải tránh gió bão. Các vì kèo bằng gỗ có nhiều bức chạm khắc công phu, hình tứ linh, hoa lá. Chùa còn nổi tiếng bởi hệ thống tượng Phật: ba pho tượng Tam Thế, một pho tưng Thích Ca, hai pho tượng Nam Tào, Bắc Đẩu và hai pho tượng Hộ pháp… Đến niên hiệu Thành Thái Kỷ Sửu (1889) nhân dân trong làng đã đúc thêm một quả chuông đồng nặng khoảng 70 kg và một khánh đá do ông Vũ Trọng Sùng cung tiến cho chùa. Năm 1953, do nhận thức hạn chế về tín ngưỡng, ngôi chùa đã bị phá hủy hoàn toàn. Qua khảo sát, chùa cũ có diện tích mặt bằng khoảng 500m2, diện tích kiến trúc khoảng 120m2.

Năm 1990, do nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh ngày càng cấp thiết, với truyền thống uống nước nhờ nguồn, và tinh thần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chính quyền và nhân dân địa phương đã phục hồi lại ngôi chùa trên nền móng cũ với các hạng mục: đường lên chùa, sân, chùa chính.

Để đến được chùa, từ dưới chân núi Thần Đồng, nhân dân đã làm một con đường bậc tam cấp đi lên (100 bậc) có kích thước tương đối bằng nhau (0,3 x 0,8). Giữa các bậc tam cấp từ dưới lên có 4 khoảng rộng (làm nơi nghỉ chân) có diện tích 0,8m2 (dài 1m x rộng 0,8m), đi hết các bậc tam cấp là tới sân chùa.

– Sân chùa: Hình vuông, có diện tích 64m2 (rộng 8m x dài 8m) được láng xi măng. Trong sân có dựng một pho tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đá trắng

– Chùa chính: Được kiến trúc theo kiểu chữ Đinh gồm nhà Tiền đườngHậu cung.

Nhà Tiền đường được xây bằng gạch, tường hồi bít đốc gồm 3 gian có diện tích 40m2 (dài 8m x rộng 5m).

Kích thước của gian giữa rộng 2,6m, hai gian bên rộng 2,4m. Phía trước, ở cột hiên có đắp một câu đối bằng chữ Hán.

Phiên âm:

Nhân hướng Phật đài tâm hướng thiện

Phúc như Đông Hải, thọ như sơn.

Dịch:

Người hướng về Phật thì lòng mãi mãi hướng điều thiện

Phúc bền như Biển Đông, tuổi thọ mãi như núi.

Kết cấu

Kết cấu vì kèo của nhà Tiền đường: Gồm hai bộ vì hoàn chỉnh được liên kết bằng hệ thống quá giang ăn mộng vào đầu cột lớn ở phía trước, ở phía sau gác đầu lên tường đốc (tường đốc thay thế cho hệ thống cột ở mái sau). Phía trên là đấu trụ, câu đầu, kèo mái tạo thành mái ở trong lòng nhà. Ngoài hiên là hệ thống kẻ bẩy ăn mộng vào cột lớn, đầu kẻ gác lên cột hiên tạo thành mái hiên.

Ngăn cách giữa bên trong và bên ngoài là hệ thống cửa bức bàn (3 cửa); phía trên khung cửa là các bức xuân hoa chạy suốt cả ba gian được ngăn cách bi các ô văng và hệ thống con tiện. Các bức xuân hoa này vừa làm tăng thêm tính thẩm mỹ của công trình vừa tạo nên một không gian sáng vừa đủ khi đóng các cánh cửa lại.

Hoành tải được làm bằng gỗ vuông, rui mè bằng luồng, phía trên được lợp ngói máy.

Trong chùa có một đôi câu đối bằng chữ Hán.

Phiên âm:

Sơn xuyên như cẩm tú thôn trang Lễ Động ức niên trường

Thời thế hữu biến thiên phật tổ Như Lai thiên thời cổ tại.

Dịch:

Núi sông đẹp như gấm vóc, trang Lễ Động mãi mãi trường tồn

Thời thế có biến đổi nhưng Phật tổ Như Lai muôn thuở tồn tại.

– Hậu cung: gồm 1 gian dọc được nối từ gian giữa và một phần hai gian bên của nhà Tiền đường, có diện tích là 16,45m2(chiều dài 3,5m x rộng 4,7m). Ngăn cách giữa nhà Tiền đườngHậu cung là hệ thống cửa được xây cuốn vòm gồm 3 cửa (cửa giữa lớn, hai cửa nhỏ hai bên). Tường hồi và hậu của nhà Hậu cung được xây bít đốc. Trang trí vì kèo đơn giản. Mái lợp ngói máy.

– Hệ thống thờ tự:

+ Ở nhà Tiền đường các pho tượng được bố trí ngang hàng đăng đối ngoài cùng là hai pho tượng Nam Tào, Bắc Đẩu có kích thước 0,8m x 0,5m x 0,4m. Phía trong là hai pho tượng Hộ pháp (Thanh Long, Bạch Hổ) có kích thước cao 1,7m, rộng 0,8m, đế vuông 1,2m.

+ Ở nhà Hậu cung: Hệ thống tượng được bài trí theo 3 lớp: Lớp bàn thờ trên cùng (Thượng điện) là 3 pho tượng Tam Thế(quá khứ, hiện tai, vị lai); lớp thứ hai là pho tượng Thích Ca, lớp thứ ba là pho tượng Thích Ca đứng trong tòa Cửu Long.

– Một khay bằng đá dài 0,65m; rộng 0,45m; dày 0,11m có rãnh sâu 0,04m, gờ 0,08m (thế kỷ XIX).

– Một bia đá (cuối thế kỷ XIX) có kích thước cao 1,58m; rộng 0,6m, dày 0,14m. Rất tiếc sau ngày hòa bình lập lại, do nhận thức chưa đầy đủ của một số người dân địa phương, tấm bia quý bị chuyển làm cầu, do đó toàn bộ văn bia đã bị mờ không thể đọc được. Theo các cụ cao niên ở làng Đồng Minh cho biết đây là tấm bia hậu, nội dung văn bia ghi công đức của những người đã đóng góp công, của dựng lại ngôi chùa Lễ Động.

– Một tảng đá kê chân cột vuông có kích thước 0,32m x 0,32m, mặt trong hình tròn đường kính 0,24m (thế kỷ XIX).

– Hai bình vôi (thời Lê, được tìm thấy ở chân móng khi dựng lại chùa).

– Một tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đá trắng mới được cung tiến.

– Một bản đồ làng Lễ Động và núi Thần Đồng có di tích chùa Lễ Động (can vẽ năm 1920).

– Ba pho tượng Tam Thế Phật

– Một pho tượng Thích Ca

– Một pho tượng Thích Ca sơ sinh

– Hai pho tượng Hộ pháp

– Hai pho tưng Nam Tào, Bắc Đẩu

– 5 chân đèn

– 6 bát hương

– Một chuông đồng mới cung tiến.

– Một chiêng đồng mới

– Một cơi đựng trầu

– Một mõ gỗ.

Di tích chùa Lễ Động toạ lạc trên đỉnh núi Thần Đồng – nơi có địa thế đẹp, đã trở thành nơi gửi gắm tâm linh từ bao đời nay của dân làng Lễ Động ngày xưa (Đồng Minh ngày nay) nói riêng cũng như nhân dân quanh vùng nói chung.

Hoạt động tín ngưỡng

Ngoài tín ngưỡng thờ Phật, chùa Lễ Động còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian khác. Đó là hàng năm vào dịp tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) làng tổ chức lễ hội ở chùa. Lễ hội này được diễn ra tại sân chùa Lễ Động. Đây là ngày lễ hội Thượng nguyên cũng là ngày lễ khai xuân, lễ cầu phúc giải hạn cho tất cả dân làng, ngày khai sinh cho tất cả các cháu trong làng ra đời sau ngày 15 âm lịch năm trước. Lễ hội được toàn dân trong làng tham gia. Do chùa không có sư trụ trì nên việc điều khiển do các vị chức dịch và người được cử trông coi chủ trì buổi lễ.

Hình thức cúng lễ: Vào mỗi kỳ lễ hội, trước sân chùa trồng một cây tre cao có treo nón quai thao và hai dải phướn bằng 40 vuông lụa vàng, lập đàn tế lễ, ở giữa sân chùa đặt một cái nong lớn có chứa nổ rang từ lúa, cùng với các tấm mía, chè lam, tiền đồng, bạc giấy do các gia đình trong làng thành tâm cung tiến. Ở giữa nong có một nồi cháo hoa to, vòng quanh nong cách một bước chân có hai hàng dây treo nhiều áo giấy, sau khi cúng xong tất cả mọi người có mặt đều vái xin cháo, nổ để lấy may.

Trong lễ hội, các trò chơi dân gian như đánh bài điếm, đánh dồi, đánh cờ người v.v… diễn ra trọn một ngày.

Quan trọng nhất là trong phần cúng lễ có sớ vạn cung. Sớ này ghi tên toàn bộ nhân khẩu trong làng, từ cụ tiên chỉ cho đến các cháu mới sinh được lưu lại trong cuốn sổ của làng gọi là quyển Phó Ý đến nay còn lưu giữ được hai cuốn viết bằng chữ Hán. Hai quyển Phó Ý năm 1953 viết bằng chữ Hán (quyển sách ghi tên nhân khẩu các hộ gia đình trong làng). Vào mỗi dịp lễ hội đầu năm của làng (tết Nguyên tiêu) diễn ra tại chùa, những người chức trách trong làng căn cứ vào tên nhân khẩu được ghi trong sách Phó Ý để cầu phúc, giải hạn cho nhân dân trong làng. Đồng thời làm khai sinh công bố trước làng cho những trẻ được sinh từ sau tết Nguyên tiêu năm trước đến tết Nguyên tiêu năm nay để ghi vào quyển Phó Ý này, khi ấy những trẻ này mới chính thức trở thành nhân khẩu trong làng.

Ngoài ra các ngày rằm, mồng một hàng tháng, ngày Bụt sinh (ngày 8 tháng 4) hàng năm, ngày tết Nguyên đán làng đều có tổ chức tế lễ.

Sự ra đời của ngôi chùa gắn liền với tên tuổi Vũ Văn Lộc – người có công lập nên trang Lễ Động – một trong 47 trang được hình thành bằng sự khẩn hoang của con cháu bậc khai quốc công thần Vũ Uy trên đất Thanh Hóa là vấn đề lịch sử lý thú cần phải được nghiên cứu một cách công phu.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập I), TS. Phạm Tuấn
Chấm điểm
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)