Tên gọi và vị trí địa lý
Chùa Liên Hoa (Liên Hoa tự) hiện tọa lạc tại số 14, đường Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Chùa nằm ngay phía sau ngôi đình làng.
Lịch sử
Theo văn bia công đức do ấm sinh Trịnh Đình Tấn người bản ấp soạn, dựng vào ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 2 (1926) hiện đặt tại chùa, vào năm Giáp Tý (1924), chùa bị hư hại nặng, các chức sắc địa phương và nhà sư ở chùa Trường Khánh tại Hà thành là Bùi Xuân Huy cùng toàn thể nhân dân địa phương đã góp công góp của trùng tu chùa. Hiện nay, nhà chùa còn lưu được một tấm biển đá soạn vào thời cuối thời Hậu Lê (dòng ghi niên hiệu đã bị đục chữ, chỉ còn đọc được chữ Lê triều [niên hiệu…] năm thứ 5 và ngày tháng ghi về việc bà tín vãi Nguyễn Thị Bảo hiệu là Diệu Hiền người địa phương đã dốc sức dốc của để tu sửa chùa, Thượng Điện, dựng Thiêu Hương, Tiền Đường. Có thể thấy rằng, trước thời điểm này chùa Liên Hoa đã được xây dựng, tính đến nay, chùa ít nhất đã có niên đại hơn 250 năm.
Bên cạnh thờ Phật, chùa còn phối thờ đức Quan Đế – tức Quan Công vốn là nhân vật lịch sử thời Tam quốc, sau được suy tôn thành một vị thần của Đạo giáo.
Kiến trúc cảnh quan
Các hạng mục kiến trúc của chùa gồm Tam Quan, Tam Bảo, Nhà Tổ, Nhà Mẫu, Nhà Khách, Vườn Tháp, Giếng chùa. Tam Bảo có kết cấu chữ Đinh với Tiền Đường, Thượng Điện. Xung quanh chùa còn có vườn cây xanh mát tạo lên bố cục cân đối, hài hòa, không gian yên tĩnh.
Tam Quan
Tam Quan chùa Liên Hoa có dạng chồng diêm 2 tầng 8 mái. Phía trên là hai tầng mái với bốn mái chảy lợp ngói ri. Ngăn cách giữa tầng mái trên và tầng mái dưới là khoảng chắn song con tiện bằng gỗ tạo sự thông thoáng. Chính giữa tầng mái trên đắp một cuốn thư nhỏ, lòng cuốn thư đề tên chữ của chùa là Liên Hoa tự. Bên dưới là ba gian được trổ ba cửa, cửa giữa rộng nhất. Trên thành cổng đắp nổi đôi câu đối:
Đặc địa tùng vi thiền định tử,
Mãn đàm liên thị chứng công hoa.
Tạm dịch:
Quả của cây tùng ở đất tốt này chính là kết quả của sự thiền định,
Hoa của sen nở đầy đầm chính là công phu của sự chứng ngộ.
Ngoài ý nghĩa nói về sự tu tập, thiền định ở chùa, mà nếu chúng ta để ý kỹ có thể thấy chữ số 6 của câu đối đã ghép thành chữ “Định Công” là tên làng nơi ngôi chùa tọa lạc.
Từ hai bên tường hồi của Tam Quan, qua một đoạn tường lửng ngắn bên ngoài là hai trụ biểu với đỉnh trụ đắp tứ phượng chầu, ô lồng đèn đắp nổi tứ linh, tứ quý, thân trụ soi gờ, kẻ chỉ, đắp nổi các đôi câu đối chữ Hán ca ngợi cảnh chùa.
Tam Bảo
Từ Tam Quan, qua một khoảng sân rộng lớn với nhiều cây cổ thụ là đến Tam Bảo. Tam Bảo có kết cấu chữ Đinh với Tiền Đường và Thượng Điện.
Tiền Đường là một ngôi nhà ngang 5 gian, hai mái chảy lợp ngói ri. Hai đầu bờ nóc đắp hai đấu đinh, chạy suốt bờ nóc là một dải trang trí hình hoa chanh, cuối bờ dải xây giật cấp. Hệ thống khung gỗ bên trong với 6 bộ vì trên 4 hàng chân cột, có kết cấu tương tự nhau theo kiểu “thượng giá chiêng, chồng rường, hạ kẻ ngồi, bẩy hiên”. Hoa văn trang trí trên các cấu kiện bộ khung toà Tiền Đường tập trung trên các con rường, câu đầu và bẩy hiên với các hoạ tiết hoa lá cách điệu. Hai bên gian Tiền Đường đặt hai tượng Hộ pháp, tượng Đức Ông, tượng Thánh Tăng. Trong đó, hai bên tượng Thánh Tăng là Diệm Nhiên – Đại Sĩ và hai bên tượng Đức Ông là Già Lam – Chân Tể.
Thượng Điện nối với ba gian giữa toà Tiền đường thành kết cấu kiểu chữ Đinh. Đây là không gian bài trí hệ thống tượng thờ:
Tầng cao nhất là bộ tượng Tam Thế, chất liệu thổ, niên đại thế kỷ XIX. Bộ tượng này được tạo tác trong thế ngồi kiết già, tay kết định ấn đặt ngửa trên lòng đùi. Sọ tượng nở, mặt đầy đặn, cân phân, huyệt vô kiến đỉnh được làm nổi cao, tai to chảy dài, các cụm tóc kết ốc.
Lớp thứ hai là tượng Thích Ca, niên đại thế kỷ XIX. Tượng ngồi kiết già trên đài sen, tay cầm bông hoa sen, có u nhục kháo nổi cao, giữa đỉnh là huyệt vô kiến được thể hiện dưới dạng xoắn ốc. Mặt tượng tròn đầy đặn, cằm xệ, dái tai to chảy dài, mắt khép hờ nhìn xuống. Đài sen gồm bốn lớp, cánh sen to dầy, mũi sen nhọn. Hai bên tượng là hai pho Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát trong tư thế thiền định trên đài sen với bốn lớp cánh ngửa.
Lớp thứ ba là pho tượng A Di Đà với kích thước lớn. Tượng có u nhục kháo nổi cao, ngồi kiết già trên đài sen.
Lớp thứ tư là tượng Quan Âm Chuẩn Đề với nhiều đôi tay xoè đều hai bên thân kết các thế ấn khác nhau, đôi tay chính kết ấn chuẩn đề, một đôi tay khác kết định ấn đặt ngửa trên lòng đùi. Tượng có ngực nở, mặt tròn, mắt khép hờ nhìn xuống, miệng phảng phất nụ cười cứu độ; cổ cao ba ngấn, dái tai chảy dài, đầu đội mũ thiên quan, vành mũ cao có cẩn lưỡng long chầu nguyệt, lửa tam muội. Ảo tượng hai lớp, lớp trong thắt múi trước bụng, lớp ngoài áo cánh sen thả mềm mại. Đài sen gồm ba lớp cánh úp, một lốp cách ngửa. Hai bên là tượng Kim Đồng – Ngọc Nữ trong tư thế đứng.
Lớp thứ 5 là tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn.
Lớp thứ 6 là tượng Ngọc Hoàng, Phạm Thiên và Đế Thích với kích thước tương tự nhau, đầu đội mũ bình thiên, chân đi hia, ngồi trên bệ nhị cấp. Riêng mũ tượng Ngọc Hoàng có hoa văn trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt. Tượng Phạm Thiên – Đế Thích chất liệu thổ, tay cầm thẻ bài, có niên đại thế kỷ XIX.
Lớp thứ 7 là tượng Thích Ca Cửu Long, hai bên có tượng Nam Tào và Bắc Đẩu.
Phía hai bên sườn Thượng Điện là bộ tượng Thập điện Diêm Vương với 10 tượng thổ, có kích cỡ giống nhau. Điện Diêm Vương bên hữu phía cuối áp tường có bộ tượng Quan Công và tượng Quan Âm Chuẩn Đề nhỏ có niên đại đầu thế kỷ XIX, bên tả có tượng Quan Âm Tống Tử cùng niên đại.
Hiện vật
Hiện trong chùa còn 6 đôi câu đối và 5 hoành phi cổ. Trong đó, có những câu đối do các nhà khoa bảng đương thời soạn thảo. Chẳng hạn câu đối do Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Mậu Tuất là Bùi Thức Khuê bái soạn vào tháng Mạnh đông năm Tân Hợi, năm thứ 5 niên hiệu Duy Tân (1911):
Tô thủy uynh lưu, bảo sái nguyệt minh trừng thố phách,
Liên đàm cách ngạn, Kỳ viên phong tĩnh độ kình thanh.
Dịch nghĩa:
Sông Tô chảy uốn quanh, chùa Phật trăng soi lồng bóng thỏ,
Bên bờ đầm sen, vườn Kỷ gió lặng vẳng tiếng chuông.
Xếp hạng
Với bề dày lịch sử cùng những giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật kể trên, năm 1996, chùa Liên Hoa đã được công nhận, xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Tham khảo
TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa Thông tin.