Vị trí
Chùa Liên Hoa nằm trong quần thể di tích của xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá.
Kiến trúc
Chùa Liên Hoa mới được xây dựng và khánh thành tháng 11 năm 2009. Chùa xây dựng theo kết cấu hình chữ Đinh (J) gồm nhà tiền đường 5 gian, Hậu cung 3 gian. Cả Hậu cung và Tiền đường gỗ khung xà nhà là loại tứ thiết. Nhà Tiền đường làm theo lối chồng rường, mái lợp ngói mũi hài. Ba mặt xung quanh chùa xây gạch, hai đầu hồi bít đốc. Trên nóc nhà có luân xa. Hai cột trụ biểu hai bên đầu nhà. Các cây cột hiên phía trước nhà tiền đường đều bằng đá, hình tròn, có chạm khắc nổi hình hoa sen. Từ sân bước lên hè nhà Tiền đường là bức phù điêu lớn bằng đá xanh chạm hình rồng cuốn thủy, xung quanh vân mây. Lan can phía trước Tiền đường đều bằng đá xanh chạm nổi hình hoa sen, các đầu cột trụ là hình hoa sen nở.
Năm bộ cánh cửa nhà Tiền đường làm theo lối bức bàn có chạm khắc hình sen, cúc. Riêng 2 cánh cửa giữa làm theo lối thượng song hạ bản, phía dưới có chạm khắc hoa lá, sen, cúc, trúc. Gạch lát hè nhà Tiền đường là loại đá xanh ở giữa có chạm là họa tiết hoa cúc.
Chùa Liên Hoa mới được xây dựng, bên trong nhà Tam bảo đều xây bệ xi măng, trên lát gạch màu. Hầu hết các tượng thờ ở đây đều là tượng mới. Bài trí tượng thờ ở chùa Liên Hoa có nét chung thường thấy ở các chùa Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Ngoài ra còn có 2 pho tượng cổ là tượng Quan Âm Bồ Tát đứng trên sen và Quan Âm Tống Tử ở chùa Liên Hoa cũ được rước lên đây.
Phía ngoài chùa Liên Hoa còn có tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tay cầm bình nước cam lồ, có ao Liên Hoa, có nhà thờ Tổ, thờ các vị sư từng trụ trì ở chùa.
Đến ngày 24/10/2010, Đại đức Thích Nguyên Lương được bổ nhiệm về trụ trì và điều hành các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng của chùa. Kể từ đây các hoạt động Phật sự của chùa dần dần đi vào quy củ và ngày càng phát triển rộng về quy mô cũng như chất lượng. Hiện nay, các hoạt động Phật sự của chùa được diễn ra thường xuyên như: khóa tu niệm 1 ngày được tổ chức 1 tháng 1 lần; hoạt động các ngày lễ trọng trong Phật giáo như: Phật đản, đức Phật thành đạo, vía Di Đà, Vu Lan…, các hoạt động từ thiện nhân đạo như: xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ hộ nghèo…, được diễn ra thường xuyên.
Bước đi của ngôi chùa Liên Hoa qua thời gian cho thấy ở mỗi thời kỳ, thời gian ngôi chùa, ngọn tháp có một kiểu riêng. Truyền thống bao giờ cũng gắn với cách tân. Sự biến chuyển của ngôi chùa Liên Hoa cho thấy truyền thống và đổi mới phải kết hợp với nhau để giữ bản sắc dân tộc. Đó là bài toán khó, nhưng ông cha đã giải được, điều đó nhắc nhở chúng ta suy nghĩ, cân nhắc trong hiện tại để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ngôi chùa Việt Nam.
- Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập III – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016