Chùa Linh Quang (Thanh Xuân – Hà Nội)

Chùa Linh Quang (Thanh Xuân – Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Vị trí – Tên  gọi


Chùa Linh Quang ( Linh Quang tự) còn có tên gọi khác là chùa Phương Liệt. Chùa Phương Liệt thuộc phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, được xây dựng trên một khu đất rộng ở trung tâm đô thị phía Nam thành phố Hà Nội. Chùa nhìn theo hướng Nam.

Từ trung tâm Hà Nội đi theo đường Giải Phóng đến đầu cầu vượt Ngã Tư Vọng, rẽ trái vào ngõ 377, đi khoảng 200m là tới di tích.

Lược sử


Đình – Chùa Linh Quang có từ lâu đời. Thờ phụng thần Cao Sơn Đại vương và Hỏa Quang Đại Vương.

Trước khi quân Pháp sang, làng Phương Liệt thuộc tổng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) tổng Hoàng Mai cắt về huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Nội. Gần cuối thế kỷ 20, làng trở thành tiểu khu Phương Liệt, thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Từ năm 1997 mới đổi thành phường Phương Liệt, thuộc quận Thanh Xuân.

Tương truyền, Cao Sơn tức Nguyễn Hiền và em ruột Nguyễn Sùng (thần Quý Minh) đều là em họ của Sơn Thánh Tản Viên. Đại vương đứng ngôi thứ 2 trong Tam vị Tản Viên sơn thánh và được rất nhiều nơi thờ phụng do có công chống lũ lụt mà Thủy Tinh gây ra.

Sự tích thần Tích Lịch thần vương (được thờ ở Khoái Khê, Bắc Ninh) ghi lại như sau:

Truyền thuyết kể rằng vào thời Hùng Vương, có người con gái tên là Châu Nương xinh đẹp nết na lại chăm chỉ hay lam hay làm. Trai làng nhiều đám đến dạm hỏi nhưng không chịu lấy ai.

Một hôm đang làm đồng, bỗng sấm chớp nổi lên, cô thấy ánh sáng rực rỡ quấn quanh thân mình. Từ đó cô có mang. Dân làng thấy lạ bèn lân la dò hỏi, cô kể lại đầu đuôi sự tình nhưng chẳng ai tin cô. Bụng mang dạ chửa, cô bị đuổi khỏi làng, phiêu bạt đến Hải Dương.

Ở đây cô sinh được một con trai khôi ngô tuấn tú, thông minh hơn người, lại có tài gọi mưa gió, sấm sét. Vua Hùng biết chuyện bèn phong cho là Tích Lịch thần vương và giao cho sứ mệnh trấn áp yêu ma quỷ quái quấy nhiễu dân lành.

Cuối năm 1944, đình Phương Liệt là một trạm liên lạc, nhận tài liệu tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, đây là một trong những cơ sở bí mật chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

Ngày 19-8-1945, tại sân đình, tổ Việt Minh đã tổ chức mít tinh, tuyên bố giành chính quyền. Hai nhà tả, hữu mạc lúc đó được sử dụng làm trụ sở làm việc của Ủy ban cách mạng lâm thời.

Trong kháng chiến chống Pháp (1947-1954), đình và chùa Phương Liệt là nơi đi lại, cất giấu vũ khí, tài liệu của các chiến sĩ biệt động thành Hà Nội. Có lần quân Pháp bắt được chiến sĩ biệt động, chúng đã lùa dân chúng ra sân đình uy hiếp và ép buộc nhận mặt, nhưng không ai chỉ điểm khai báo.

Năm 2001, quận Thanh Xuân đầu tư kinh phí phục hồi hậu cung đình Phương Liệt vốn bị bom Mỹ đánh sập trong những năm kháng chiến chống Mỹ (1965-1972).

Kiến trúc


Theo các bô lão trong làng kể lại, đình Phương Liệt đã được lập từ rất lâu đời. Sau nhiều lần trùng tu, dáng dấp ngay nay của ngôi đình mang rõ các nét của nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Trước cửa đình từng có giếng lớn và ao tụ thủy nhưng về sau đáng tiếc rằng đã mất.

Phía ngoài cổng giữa của tam quan là một nghi môn gồm hai trụ biểu lớn đặt sát mặt đường và nhìn về hướng nam sang trụ sở UBND phường Phương Liệt. Dọc trụ biểu và cổng giữa có đắp nổi các câu đối chữ Hán. Dãy nhà dọc tả, hữu mạc xây 3 gian, đầu hồi được che mát nhờ tán lá của các cây muỗm cổ thụ trồng ngay sau hai cổng bên.

Hiện tại, di tích được xây dựng gồm nhiều hạng mục công trình: Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, Lầu chúa và hệ thống sân vườn. Đi qua cổng Tam quan được xây dựng với 2 tầng mái là tới chùa chính, gồm Tiền đường và Thượng điện kết cấu theo kiểu chữ “đinh” (丁). Tiền đường gồm 5 gian, tường hồi bít đốc, 2 mái chảy lợp ngói ri. Thượng điện là tòa nhà nằm dọc, nối với gian giữa Tiền đường. Phía sau có xây dựng một dãy nhà làm nơi thờ Tổ, thờ Mẫu, bên phải được xây dựng một công trình để thờ các cô. Nhân dân trong vùng gọi là Lầu chúa. Các công trình trên đều đã được trùng tu, sửa chữa lớn 2 lần vào năm 1954 và năm 1990.

Di vật


Bên trong di tích còn bảo lưu được rất nhiều di vật cổ, quý hiếm như hệ thống tượng tròn làm bằng đất luyện có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hệ thống bia hậu ghi công đức có niên đại cuối thế kỷ XVIII

Trong đại đình, các mảng cốn, kẻ đều có chạm khắc đơn giản với những đề tài tứ linh và hoa văn lá lật. Cửa võng được chạm trổ và sơn son thếp vàng lộng lẫy. Ngoài ra, đình còn lưu giữ được nhiều cổ vật là đồ tế khí như đỉnh đồng, cây nến, bát hương v.v..

Sự kiện – Thành tựu


Cùng với miếu và chùa Linh Quang Tự, đình làng Phương Liệt đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào ngày 18-1-1993.

Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (1010-2010) đình đã được UBND thành phố Hà Nội gắn biển Di tích cách mạng – kháng chiến.

Tham khảo


  • http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/2017/10/03/chua-phuong-liet/
  • http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/1504
  • http://www.didulich.net/van-hoa/dinh-phuong-liet-noi-tho-phung-cao-son-dai-21323
Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)