Chùa Long Bàn (Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu)

Chùa Long Bàn (Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Chùa Long Bàn hay còn gọi là Long Bàn Cổ tự, người dân thường gọi là chùa làng Long Điền, thuộc thôn long Phượng, thị trấn Long Điền, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là ngôi chùa cổ có kiến trúc nghệ thuật trang trí mỹ thuật độc đáo, là nơi bảo tồn những đặc trưng kiến trúc nghệ thuật điêu khắc Phật giáo cổ truyền. 

Theo hướng Bà Rịa di chuyển hướng quốc lộ 53 đến thị trấn Long Điền, đi qua UBND huyện Long Đất khoảng 100m là đến chùa Long Bàn. 

Lịch sử

Theo tương truyền vùng Long điền xưa là vùng có nền nông nghiệp lúa nước, người dân khắp nơi di cư đến vùng đất này an cư sinh sống. Khi đời sống nhân dân được ấm no ổn định, người dân nơi đây mong muốn có nơi thờ tự để phục vụ cho tín ngưỡng tôn giáo. 

Thời điểm đó có Hoà thượng Hải Chánh – Bảo Thanh từ tỉnh Phú Yên vào vùng đất Long Điền, khi biết được nguyện vọng đó, ông đã huy động nhân dân của góp công sức, của cải để xây dựng chùa. Chùa Long Điền được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ 5 (Ất Tỵ 1845) và Hoà thượng Hải Chánh – Bảo Thanh (1752-1859) trở thành tổ sư khai sơn của chùa Long Bàn. 

Từ đó nhân dân địa phương hàng ngày đến chùa Long Bàn thắp nhang, cầu nguyện mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Trải qua thời gian, ngôi chùa đã được trùng tu nhiều lần và giữ được kiến trúc cho đến hiện tại. 

Kiến trúc

Khuôn viên chùa Long Bàn rộng trên 3.000 m2, bao gồm các hạng mục và nhiều cây xanh xung quanh, chùa được xây dựng theo lối kiến trúc chữ “Tam” (三), các hạng mục kiến trúc hiện nay gồm: Cổng, Nhà Sàn, Chánh Điện, Nhà Giảng, Nhà Ông Giám (Quả đường).

Cổng 

Cổng chùa Long Bàn được xây dựng năm 1963, làm từ chất liệu đá xanh với cấu trúc đơn giản từ hai cột trụ vuông tạo thành cổng, hai cột trụ có chiều cao khoảng hơn 2m, ở phía trên bắc ngang hai trụ là tấm biển đúc bằng xi măng, ghi dòng chữ Hán “Long Bàn Cổ tự”. 

Nhà Sàn 

Trước Chánh Điện chùa Long Bàn có xây dựng kiến trúc nhà sàn bằng gỗ, bên trong đặt tượng Tiêu Diêu Đạo Sĩ, đây là nơi tổ chức lễ Vu Lan hàng năm tại chùa. Kiến trúc đặc biệt ở hai bên đầu hồi là gian gồm 2 tầng, tầng dưới là cửa ra vào, uốn mái vòm, tầng trên là lầu chuông, lầu trống, bên trong nhà các cột kèo, rui, mè đều làm từ gỗ. 

Mái lợp ngói ống, trên đỉnh nóc gắn tượng “Lưỡng Long chầu nguyệt” và các tấm phù điêu trang trí cảnh vật, hoa lá bằng đất nung men màu. 

Giảng Đường 

Giảng đường có diện tích rộng 233m2, mặt trước tòa nhà có treo 3 câu đối khắc chìm sơn đen. Phía trên 3 cửa ra vào gần sát mái là những ô trang trí miêu tả cành mai, sơn thuỷ, nhà sàn, người chèo thuyền… Đây là nơi thuyết pháp về Đạo Phật và làm đàn chay cúng thí.

Chánh Điện

Chánh Điện chùa Long Bàn có diện tích rộng 227m2, trang trí các bức hoành bằng gỗ, chạm nổi hình chim thú, phong cảnh sinh hoạt của nông thôn. Các bức đầu dư, đòn bẩy, đều chạm khắc hình rồng, hoa, mây, cỏ tinh xảo, đặc biệt là các bao lam chạm hình chim phụng hoa lá và các khám thờ chạm rồng phượng, các hoành phi câu đối sơn son thếp vàng lộng lẫy, chạm khắc tinh xảo. 

Trong Chánh Điện treo câu đối:

Bát nhã khai hoa vạn pháp tức tâm tức Phật

Bồ đề quả thực nhất chân phi sắc phì không

Tạm dịch:

Bát nhã nở hoa, vạn pháp là tâm là Phật

Bồ đề kết quả nhất chân không sắc không không

Bên trong Chánh Điện đặt các bức tượng: Thích Ca Mâu Ni, A Di Đà, Quan Âm Thế Chí, Ngọc Hoàng, Quan Thánh, 18 vị La Hán, Long Thần, Hộ Pháp,… Các tượng Phật đều có kích thước lớn, trang trí điêu khắc sinh động, chất liệu bằng đồng hoặc bằng gỗ mít.

Phía sau Chánh Điện là ban thờ Tổ, đặt tượng Bồ Đề Đạt Ma và hai long vị Hoà thượng Giác Linh Bảo Thánh và Bảo Tạng. 

Nhà Giảng được nối liền với Chánh Điện, tòa gồm 5 gian, hai hãy hành lang hai bên nối giữa Nhà Giảng và Nhà Ông Giám, ở giữa là khoảng giếng trời. 

Nhà Ông Giám (Quả đường)

Đây là nơi ăn chay của các vị sư, ở gian giữa la ban thờ Ông Giám, hai bên Tả, Hữu thờ những vị sư đã qua đời. 

Di vật

Chùa còn bảo tồn những đặc trưng kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc cổ, đặc biệt là  một đại hồng chung (chuông đồng) có đường kính 0,80m cao l,20m. 

Xếp hạng 

Di tích được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật theo quyết định số 680 ngày 19/9/1991.

Tài liệu tham khảo

  1. Vũ Ngọc Khánh (chủ biên) (2006), Chùa cổ Việt Nam,  Nxb Thanh Niên.
  2. Võ Văn Tường (2008), 500 Danh lam Việt Nam, Nxb Thông Tấn.
Chấm điểm
Chia sẻ
Chua Long Ban Ba Ria Vung Tau (9)

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)