Chùa Long Châu (Thuận Thành, Bắc Ninh)

Chùa Long Châu (Thuận Thành, Bắc Ninh)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Chùa Long Châu nằm ở khu phố Thường Vũ, phường An Bình, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một ngôi chùa thuộc hệ thống thiền phái Trúc Lâm với cấu trúc “tiền Phật hậu Mẫu”, gồm tòa Tam bảo thờ Phật phía trước và tòa Mẫu phía sau.

Chùa nằm cùng gò đất xây đình khu phố Thường Vũ, nơi thờ Lạc Thị tam vị đại vương, tức ba vị con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Trong đình có bản Ngọc phả Hồng Bàng thị với nhiều tư liệu quý về thời mở nước. Hiện nay, cả đình và chùa đang được nhân dân khu phố Thường Vũ tu tạo lại khang trang, bền vững, trở thành nơi sinh hoạt tâm linh quan trọng và giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.

Lịch sử 

Theo các văn tự còn lại tại chùa, Chùa Long Châu được xây dựng quy mô vào thời Lê Trung Hưng, trên gò đất cao phía Tây khu phố Thường Vũ. Đây là một vị trí đẹp đầu rồng, bao quanh bởi dãy tre gai và cây cối cổ thụ um tùm quanh năm, tạo nên khung cảnh thanh tịnh. Ngoài hệ thống tượng Phật cổ, chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như tháp mộ đá thời Lê, chuông đồng thời Nguyễn và hệ thống bia đá.

Kiến trúc cảnh quan

Nằm đối diện phía bên kia đường trước cổng Tam quan phía bên trái có một ngôi tháp mộ. Cổng Tam quan xây dựng với kiến trúc tứ trụ rất phổ biến. Cổng được cấu tạo đơn giản bằng bốn thanh trụ cột, hai thành ở giữa cao hơn hai thanh ngoài cùng. Những tứ trụ sẽ được nối với nhau bằng những thanh xà ngang cách điệu. Từ đó tạo ra ba lối đi đặc trưng của tam quan môn. Trên mỗi trụ cột vẫn sẽ có khắc các câu đối và có tên chùa Long Châu.

Bước vào trong là khoảng sân rộng, bên phải gồm lần bia ghi lịch sử chùa và lầu Quan, tiến dần về phía tòa Chính điện tại khuôn viên có thêm 2 tháp mộ và 7 bia đá cổ được nằm ngay ngắn trang nghiêm.

Chùa xây dựng với kiến trúc chữ Đinh (丁), gồm Tiền đường và Chính điện.

Trong Chính điện thờ Phật, triết lý vô thường của Phật giáo được đặt lên hàng đầu thể hiện qua Tam thân Phật là “Pháp thân”, “Báo thân” và “Ứng thân”. Cách bài trí các tượng Phật ở chính điện theo đúng ý nghĩa ấy, cho nên ở lớp trên cùng là thờ “Pháp thân Phật”, tức là thờ thường trụ Phật ở trong vũ trụ.

Ở lớp thứ hai thờ “Báo thân Phật”, tức là thờ thọ dụng trí tuệ Phật ở cõi Cực Lạc.

Ở lớp thứ ba là thờ “Ứng thân Phật”, tức là thờ Phật đã hoá hiện ra xác thân ở trần thế.

Lớp thứ 4 là lớp tượng “Di lặc Bồ tát” và hai vị “Phổ Hiền Bồ tát” và “Văn thù Bồ tát” đứng hai bên, thường gọi là bộ tượng “Di Đà Tam tôn”.

Lớp thứ năm trở xuống thường có tượng đức Phật tu khổ hạnh ở chân núi Tuyết Sơn, tượng đức Phật nhập Niết bàn và đức Phật đản sanh.

Trong Tiền đường, ban Đức Ông ở bên trái tòa Tiền đường, tượng có y phục theo lối võ quan, mặt đỏ, râu đen, hai bên tượng Đức Ông có hai vị thị giả. Ban Thánh hiền ở bên phải tòa Tiền đường, tượng mặc áo cà sa vàng, đội mũ Liên hoa Thất Phật, chân dung hiền hòa, tươi tắn, bên cạnh có hai vị thị giả.

Tại Tiền đường còn có hai vị Hộ pháp thường được tạc to lớn hơn người thường, trang phục như võ tướng, đầu đội mũ trụ, mặc áo giáp, thân thể vạm vỡ, có sẵn khí giới để bảo vệ Đạo Pháp. Tượng Khuyến thiện tô mặt trắng, nét mặt thanh thản, đặt bên tay phải bàn thờ Phật tay cầm viên ngọc thiện tâm. Tượng ngài Hộ pháp Trừng ác tô đỏ, đặt bên phải ban thờ Phật, tượng có nét mặt thần giận dữ, lăm lăm vũ khí để trừng trị kẻ ác tâm như răn đe mọi người lánh xa con đường tới cái xấu.

Phía sau là nhà Mẫu, Điện thờ Tam Tứ Phủ có 3 ban chính: Ở giữa là ban Công đồng, bên phải là ban Trần Thiều, bên trái là ban Sơn Trang. Thứ tự sắp xếp tượng thờ tại Điện thờ được xếp theo thứ tự từ trên xuống thấp như sau:

Lớp thứ nhất: Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát hoặc tượng Phật bà Chuẩn Đề/ tượng Phật Thiên thủ Thiên nhãn.

Lớp thứ hai: Tượng Vua Cha Ngọc Hoàng, hai bên là tượng quan Nam Tào và Bắc Đẩu.

Lớp thứ ba: Tượng Tam tòa Thánh Mẫu.

Lớp thứ tư: Tượng Ngũ vị Tôn Quan.

Lớp thứ năm: Tượng Tứ phủ Chầu Bà.

Lớp thứ sáu: Tượng Tứ phủ Ông Hoàng

Lớp thứ bảy: Tượng Tứ phú Tiên Cô (Tứ phủ Thánh Cô).

Lớp thứ tám: Tượng hai Cậu Bé ở phía dưới hai bên Công đồng.

Lớp thứ chín: Thờ Ngũ Hổ ở dưới hạ ban Công đồng; Quan Bạch, Quan Xà bên trên trần.

Ngoài ra phía ngoài Điện thờ sẽ có 1 lầu Cô, 1 lầu Cậu. Đôi khi lầu Cô, lầu Cậu được đặt thờ ở hai bên cửa trong Điện thờ. Phía ngoài sân Điện có thờ tượng Mẫu Cửu Trùng Thiên (Mẫu Thượng Thiên).

Hiện vật

Hệ thống văn tự cổ của chùa Long Châu gồm bảy bia đá và các văn khắc trên chuông đồng. Nội dung văn tự cổ chứa nhiều thông tin về tập tục cộng đồng làng xã xưa. Bia số 1 ghi rõ: “Thần vị đặt tại chùa Long Châu xã Thường Vũ huyện Gia Định của bà Đệ nhị cung tần phủ Chúa họ Bùi, hiệu là Diệu Châu, quê thôn Công Khê xã Hạ Am huyện Vĩnh Lại phủ Hạ Hồng”.

Thông tin này cho thấy khu phố Thường Vũ thời Lê đã là đơn vị cấp xã thuộc huyện Gia Định (tên cũ của huyện Gia Bình), huyện Vĩnh Lại là tên cũ của huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) thuộc phủ Hạ Hồng thời Lê. Nhờ bà Đệ nhị cung tần họ Bùi, chùa đã được tu sửa lớn hoặc xây mới, có tháp mộ và thần vị của bà.

Nội dung các bia còn lại chủ yếu là bia bầu hậu, thờ các vị hậu khác nhau. Ngõ Tây thờ cụ Phạm Lô và hai bà vợ Vương Thị Ban và Nguyễn Thị Chuyên, bia dựng tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 18 (1943). Ngõ Trong thờ bà Nguyễn Thị Nhỡ, Nguyễn Thị Đồng, Nguyễn Đắc Tĩnh, bia dựng ngày 18/4 năm Nhâm Thìn. Một hậu là Nguyễn Thị Tín, hiệu Diệu Đức, không rõ năm dựng bia. Một hậu hàng thôn là cụ Trương Thị Ngân do thôn Khoai thờ, không rõ năm dựng bia, nhưng thông tin chỉ rõ xã Thường Vũ thuộc tổng Bình Ngô, huyện Gia Bình. Một hậu hàng xã là cụ Nguyễn Thị Hợp, bia dựng tháng 10 năm Duy Tân thứ 3 (1909), nhờ bà Hợp mà chùa được tu sửa khi xuống cấp trầm trọng.

Văn khắc trên chuông đồng cung cấp nhiều thông tin quý giá. Chuông được đúc năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), hoàn thành năm Kỉ Hợi đời vua Minh Mệnh thứ 20 (ngày 17/12/1839). Các hội chủ đúc chuông gồm Nguyễn Đắc Pháp, Nguyễn Quang Đoàn và Thị Bình cùng sư chùa, người soạn văn là vị họ Đỗ, nguyên tri huyện Chương Đức (nay là huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Việc đúc chuông là một sự kiện lớn của phủ, với danh sách tín thiện gồm hầu hết các xã của phủ Thuận An thời đó. Chuông chùa Long Châu có kiểu dáng đẹp, tai quai hình lưỡng long chầu nguyệt rất tinh xảo, là một cổ vật quý hiếm.

Sự kiện

Tại chùa Long Châu, Lễ Vu Lan và Lễ Phật Đản là những dịp lễ lớn và quan trọng, thu hút đông đảo phật tử địa phương tham gia.

Lễ Vu Lan diễn ra vào rằm tháng Bảy âm lịch, được tổ chức trang trọng và đầy ý nghĩa. Đây là dịp để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính, tri ân đối với cha mẹ và tổ tiên, cũng như cầu siêu cho các vong linh đã khuất. Tại chùa Long Châu, phật tử tụ họp để nghe giảng kinh, làm lễ cầu an và thả đèn hoa đăng, tạo nên không khí thiêng liêng và ấm cúng.

Lễ Phật Đản, diễn ra vào rằm tháng Tư âm lịch, kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chùa Long Châu trang hoàng lộng lẫy với cờ hoa và đèn lồng, tổ chức các hoạt động như lễ rước, tụng kinh, thả đèn hoa đăng và thuyết giảng Phật pháp. Phật tử địa phương cùng nhau tham gia, thể hiện lòng thành kính và niềm vui mừng trước sự ra đời của Đức Phật.

Việc tổ chức lễ hội tại chùa Long Châu không chỉ có ý nghĩa tâm linh mà còn là dịp để cộng đồng phật tử gặp gỡ, giao lưu, và gắn kết. Những lễ hội này giúp phật tử địa phương củng cố niềm tin, tìm thấy sự an lạc trong tâm hồn và duy trì, phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tham khảo

Phạm Thuận Thành , “Văn tự cổ chùa Long Châu”, 14/12/2023, Báo Bắc Ninh Online.

5/5 (3 bình chọn)
Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)