Chùa Long Mộ Minh Tường (Tĩnh Gia, Thanh Hoá)

Chùa Long Mộ Minh Tường (Tĩnh Gia, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Vị trí

Chùa Long Mộ Minh Tường ngày nay thuộc xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Chùa Long Mộ Minh Tường trước đây tọa lạc trên sườn núi thấp được người dân gọi là núi Chuột Chù (vì hình thế núi giống con chuột chù), nằm trong dãy núi chạy dài qua các xã Trúc Lâm xuống đến Hải Thượng theo hướng tây bắc – đông nam. Đây là nơi có vị trí đắc địa, có mạch núi tốt, mà trước mặt là khoảng không gian rộng lớn là biển cả mênh mông. Vì thế người xây chùa mới đặt tên là Long Mộ Minh Tường.

Lược sử

Cho đến nay chưa tìm thấy tài liệu thành văn nào nói về lịch sử ra đời của chùa Long Mộ Minh Tường, mà theo các cụ cao niên ở đây cho biết: chùa có từ thế kỷ thứ XIII, các nhà sư thời Trần đã chọn vùng đất này để dựng chùa làm nơi thờ Phật và truyền thụ Phật pháp.

Về quy mô kiến trúc của chùa Long Mộ Minh Tường, theo các cụ cao niên và hiện trạng nền móng cũ cho biết: trước những năm sáu mươi của thế kỷ XX, chùa Long Mộ Minh Tường vẫn còn hiện hữu là ngôi nhà gồm 3 gian tiền đường và hậu cung quay mặt hướng đông nam. Hệ thống cột kèo bằng gỗ lim được làm theo kiểu vì kèo truyền thống của người Việt, mái lợp ngói mũi. Nhưng sau thời kỳ bài phong thì chùa bị phá dỡ để làm trường học. Đến những năm từ 1997 đến năm 2000, trên khuôn viên chùa cũ (dịch về phía đỉnh núi), người dân đã tôn tạo một ngôi nhà mới để làm nơi thờ tự như ngày nay. Đó là một ngôi nhà nhỏ hình chữ Tam, với 3 gian Tiền đường, 3 gian Trung đường và Hậu cung nhìn về hướng đông nam. Tất cả chất liệu gạch ngói và xi măng cốt thép. 

Trong hậu cung thờ Phật, trên bệ thờ có một tượng đức ông ngồi trên mình rùa, tay phải cầm gươm chống trước bụng; tay trái nắm hờ, ngón trỏ chỉ thẳng để trước ngực, mắt nhắm trong tư thế tĩnh, hai tai to dài, bộ râu dài và khuôn mặt như đang mỉm cười toát lên vẻ viên mãn. Trang phục nửa người phía trên là của nhà tu hành nhưng nửa phía dưới lại giống như áo giáp của nhà binh, nhìn bức tượng cũ nhưng có nhiều điểm khác biệt rất hiếm gặp.

Ngoài cung Trung đường thờ Mẫu và Tiền đường thờ Ban công đồng. Bên ngoài trời, trước chùa có đắp hòn non bộ và đặt tượng (nhỏ) thờ Quan Âm Bồ Tát

Chùa Long Mộ Minh Tường ngày nay vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của bà con nhân dân trong vùng. Vào ngày mồng Một và ngày Rằm hàng tháng, bà con nhân dân và các bản hội thường đến thắp hương, vãn cảnh chùa. Ngày 8 tháng 4 Lễ hội Phật Đản, bà con nhân nhân các làng bản quanh vùng lại cùng về đây vãn cảnh và lễ Phật để cầu mong đức Phật phù hộ, che chở cho một năm gia đình được an lành, sung túc.

Theo Quốc lộ 1A, từ thành phố Thanh Hóa đi vào phía nam khoảng 40km đến thị trấn huyện Tĩnh Gia, tiếp tục đi thẳng 10km chúng ta bắt gặp trục đường 513 được gọi hành lang đông – tây nối Nghi Sơn với Bãi Trành tại khu vực Cầu Hổ. Từ rẽ trái theo hướng đông 10 km là đến khu vực nhà máy xi măng Nghi Sơn – nơi có chùa Long Mộ Minh Tường, du khách có thể đến vãn cảnh chùa và lễ Phật bằng các phương tiện ô tô, xe máy, xe đạp một cách dễ dàng.

  • Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập III – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016
Chấm điểm
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)