Chùa Long Thạnh (Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh)

Chùa Long Thạnh (Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh)

Thông tin cơ bản

Vị trí

Chùa Long Thạnh tọa lạc ở số 1756 tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh.

Lược sử

Chùa do Hòa Thượng Trí Tâm, húy Tổ Đạt, xây dựng năm 1740, là một trong những ngôi chùa nguy nga, tráng lệ nổi tiếng phía Tây Nam đất Gia Định xưa. Để phục vụ kháng chiến chống Pháp, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, không cho quân Pháp tận dụng cơ sở vật chất, cuối năm 1945, chính điện chùa được tháo dỡ di dời. Giặc Pháp phá vỡ phòng tuyến Tây Nam, chúng đốt tổ đường và nhà giảng, rất nhiều di vật, cổ vật quý của chùa bị mất. Mãi đến năm 1950, chùa mới được tu bổ lại.

Với trên 260 năm tồn tại qua chín đời trụ trì, Chùa Long Thạnh đã góp phần tích cực chấn hưng Phật giáo và góp công sức trong cách mạng giải phóng dân tộc.

Từ năm 1878 đến 1915, chùa là trung tâm hoằng pháp, đào tạo tăng tài nổi tiếng của Phật giáo tại Nam Kỳ. Nhiều Hòa thượng uy tín như Tổ Long Quang – Đạt Thanh (Giáo hội Tăng già Nam Việt), Hòa thượng Khánh Hòa, Tổ từ Phong (Chùa Giác Hải), Hòa thượng Từ Vân chùa Hội Khánh – Bình Dương, Hòa Thượng Như Bằng chùa Từ Ân… thường có mặt tại chùa Long Thạnh cùng Hòa Thượng Hoan Hỷ trụ trì chùa đàm đạo, giảng bài cho các lớp đào tạo tăng tài.

Năm 1885, khi khởi nghĩa của nông dân 18 thôn vườn trầu do Phan Công Hớn (Quản Hớn) lãnh đạo đánh chiếm quận lỵ Hóc Môn, chặt đầu Đốc Phủ Trần Tử Ca, trong bộ chỉ huy của Phan Công Hớn, Hòa Thượng Hoan Hỷ trụ trì chùa Long Thạnh được giao nhiệm vụ lo lương thực, hậu cần, phục vụ nghĩa binh suốt cuộc khởi nghĩa.

Năm 1913, chùa Long Thạnh là địa điểm hội họp của tổ chức Thiên Địa Hội, khởi nghĩa chống Pháp không thành, Hòa thượng Tổ Quang trụ trì bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo.

Cách mạng Tháng 8 năm 1945 nổ ra, với cương vị ủy viên Mặt trận Việt Minh xã Tân Tạo, Hòa Thượng Bửu Ý trụ trì chùa đã đưa lực lượng tăng ni, phật tử về chùa Trường Thạnh đường Yersin để cùng tham gia biểu dương lực lượng, mừng cách mạng tháng 8 thành công ngày 25/8/1945.

Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn thay mặt nhân dân cả nước nổ những phát súng đầu tiên chống quân xâm lược. Mặt trận Tây Nam được thành lập (mặt trận số 3), chùa Long Thạnh là nơi bộ đội Anh Ty sử dụng làm sở chỉ huy, tập kết hậu cần. Các Hòa thượng, tăng ni, phật tử chùa đã lo lương thực, phục vụ cơm nước cho gần 500 lượt bộ đội đánh giặc.

Thời kỳ chống Mỹ xâm lược, chùa là cơ sở cách mạng của chi bộ xã Tân Tạo, là đường dây liên lạc của chi bộ Trung tâm thuộc Ban trí vận Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn.

Tái tạo

Từ cuối thế kỷ XVIII, chùa Long Thạnh đã trở thành một cơ sở Phật học, một trung tâm hoằng pháp danh tiếng ở Nam Kỳ lục tỉnh, thu hút nhiều tăng sĩ và Phật tử đến tu học. Đến năm 1945, chùa bị hư hỏng nặng, sau đó được xây dựng đơn sơ. Kiến trúc chùa ngày nay được Hòa thượng Thích Bửu Ý, thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, cho trùng tu vào các năm 1959, 1984, 1993 đến 1995. Trước chùa có cổng tam quan, đài Quan Âm… đều được thực hiện từ năm 1993 đến năm 1995. Hòa thượng viên tịch vào ngày 29 tháng 11 năm Ất Hợi (19 – 01 – 1996

Thầy trụ trì Thiện Ấn những năm gần đây đã cho tôn tạo cảnh chùa, xây dựng một số công trình và đặt một số tượng lộ thiên như: tượng đức Phật Thích Ca (năm 2000), tượng Bồ tát Di Lặc (năm 2002), vườn Lâm Tì Ni (năm 2001) ở sân trước chùa; xây Thiền đường (năm 2000) và nhà vãng sanh (năm 2002).

Với những đóng góp của tăng ni Phật tử chùa Long Thạnh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa Long Thạnh đã được ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng là di tích lịch sử ngày 12 tháng 10 năm 2005 theo Quyết định số 182/2005/QĐ-UB.

5/5 (1 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)