Lược sử
Chùa Long Yên (hay còn gọi là Long Yên tự) là ngôi chùa của làng Yên Thôn, xã Hà Hải, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Ngôi chùa Long Yên được tọa lạc trên một thân đất cao ở đầu làng Yên vẫn là nơi thắng cảnh để nhân dân địa phương lui đến thường xuyên thưởng ngoạn và gửi gắm tình cảm với đức Phật từ bi.
Theo sự tương truyền của dân gian thì chùa Long Yên được xây dựng từ thời Lê, nhưng qua những lần trùng tu, ngôi chùa chỉ còn lại những phần kiến trúc của thời Nguyễn. Chùa vừa thờ Phật, thờ Mẫu và thờ cả vị danh nhân thời Lý có nhiều gắn bó kỉ niệm với xứ Thanh, đó là Lý Thường Kiệt – người được dân tôn sùng như một đức Phật từ bi.
Với những gì hiện hữu, chùa Long Yên cũng là nơi có sự hòa phối, song hành giữa Phật giáo với Nho giáo và Lão giáo. Cũng chính vì vậy mà trong quá trình ra đời và tồn tại, chùa Long Yên vẫn luôn là một địa chỉ “thiêng” để bất luận ai cũng có thể đến để cầu mong những điều bình an, tốt lành. Không những thế, trong quá trình tồn tại, chùa Long Yên còn có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Giá trị lịch sử
Trước những năm 1945, chùa Long Yên chính là địa điểm ẩn náu và hoạt động của một số chiến sĩ cách mạng. Với tinh thần yêu nước, thương nòi, các nhà sư đã tìm cách chở che, bảo vệ cán bộ cách mạng được an toàn trước nanh vuốt kẻ thù. Và sau đó, ngày 14 tháng 4 năm 1948, cũng tại đây, Chi bộ Đảng Lĩnh Toại (gồm 4 xã Hà Phú, Hà Hải, Hà Toại, Hà Châu hiện nay) chính thức được thành lập gồm 5 đồng chí. Trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ đầy cam go, ác liệt và lại ở kề sát với vùng tạm bị chiếm Nga Sơn, Ni sư Thích Nữ Đàm Thềm và một số Tăng ni Phật tử của chùa vẫn hết lòng với cách mạng, với kháng chiến. Vì vậy, chùa Long Yên đã được cấp trên chọn làm địa điểm hội họp, liên lạc của các cán bộ của Đảng, chính quyền, mặt trận mà còn là trụ sở của Ủy ban kháng chiến hành chính xã Lĩnh Toại và nơi mở lớp học của trường Phan Tây Hồ (từ Khu Ba sơ tán vào)… Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một lần nữa, chùa Long Yên lại trở thành trường học sơ tán và nơi trú ẩn của nhân dân…
Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, giờ đây, với sự quan tâm của Đảng, chính quyền và sự ủng hộ công đức của nhân dân, chùa Long Yên đã từng bước được trùng tu, tôn tạo lại như xưa để chuông chùa và tiếng mõ tụng kinh lại ngân đều và những người sùng Phật từ gần đến xa đã có điều kiện thuận lợi để đến với Chùa mỗi ngày một đông, góp phần làm cho nét sinh hoạt văn hóa ở làng quê Yên Thôn thêm hấp dẫn sinh động.
Đến với chùa Long Yên, còn có các cán bộ lão thành cách mạng – những người đã từng có nhiều gắn bó kỉ niệm sâu sắc với ngôi chùa trong những năm tháng từng hoạt động khi nghĩ đến nhà sư cách mạng Đàm Thềm ngày trước.
Hôm nay, chùa Long Yên tuy không còn giữ nguyên đầy đủ hình hài, kiến trúc xưa, nhưng những phần kiến trúc thời Nguyễn còn lại (như nhà Tiền đường, Hậu cung và vài gian nhà Tổ cùng nội thất và các pho tượng cổ…) tuy đã xuống cấp nhưng vẫn còn rất giá trị về nhiều phương diện.
Hiện tại, cả Tiền đường và Hậu cung đều đã được trùng tu và gia cố lại một cách chắc chắn. Các cửa bức bàn cũ hỏng nát cũng đã được thay mới. Riêng nhà thờ Mẫu đã được xây dựng lại với đầy đủ các loại tượng (Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải,…) và nội thất đồ thờ khác.
Rất tiếc là hầu hết các pho tượng cổ còn lại đều đã bị sơn thếp lại. Nhưng may là mấy gian nhà Tổ cũ – nơi thành lập Chi bộ Lĩnh Toại (1948) và nơi chứng kiến nhiều việc làm tốt đẹp của sư Đàm Thềm vẫn còn được giữ lại nguyên vẹn như một di vật bảo tàng rất giá trị.
Vừa qua, sau gần một chục năm cố gắng, với sự ủng hộ tích cực của Đảng, chính quyền và nhân dân trong, ngoài địa phương, sư Đàm Trang đã xây dựng được nhà khách, khuôn viên, sân, vườn, tường rào và đường đi lối lại theo quy hoạch một cách khá khang trang để phục vụ du khách và Phật tử. Hiện tại, nhờ con đường liên thôn, liên xã sát gần chùa đã được mở rộng và đổ bê tông nên du khách thập phương đến chùa ngày một đông.
Với sự hồi sinh mới, chùa Long Yên đã và đang trở thành một di tích – thắng cảnh hấp dẫn mọi du khách gần, xa. Nếu được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền của Tỉnh, của Huyện thì chùa Long Yên đáp ứng được nguyện vọng tham quan, tín ngưỡng của nhân dân và du khách.
- Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập II – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016