Vị trí và tên gọi
Chùa Mai Phúc có tên chữ “Minh Tông tự”, nghĩa là chùa Minh Tông. Chùa tọa lạc tại đầu làng Mai Phúc, quay hướng Tây-Nam ra mặt đường Nguyễn Văn Linh. Cách trung tâm thành phố Hà Nội 10km về phía Đông – Bắc, địa chỉ chùa là số 231 đường Nguyễn Văn Linh, thuộc tổ 5, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội.
Lược sử
Theo truyền thuyết dân gian và một số tư liệu còn lại chùa Mai Phúc xưa kia tọa lạc trên vùng đất cổ gọi là Mai Động Trang[1], huyện Gia Lâm, phủ Thuận An thuộc trấn Kinh Bắc thời Hậu Lê.
Về mặt sử liệu, chùa Mai Phúc hiện còn lưu giữ một tấm bia hai mặt chữ, mặt một đề “Minh Tông tự bi ký” niên hiệu Vĩnh Trị thứ 4 (1679) do Thiên thư Hải đường Đặng kinh Tiểu sinh Trần Đặng Tướng soạn, hiện còn lưu giữ cho biết, nhà sư trụ trì chùa tên là Nguyễn Thị Kim Thịnh, tự Pháp Thịnh đã dựng chùa cùng với nhân dân địa phương[2]. Ngoài ra, mặt hai bia đề “Mai Phúc xã ký” liệt kê những người trong xã Mai Phúc góp tiền hưng công trùng tu. Như vậy, qua thông tin đọc được trên hai mặt bia, ta có thể đoán định được chùa Mai Phúc được dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVII, sau đó bị hư hại và được trùng tu lớn vào năm 1679. Qua việc đóng góp hưng tu lại ngôi chùa, có thể thấy được, từ rất sớm chùa đã là nơi hội tín ngưỡng của bà con trong xã Mai Phúc.
Cuối 1946, khi thực dân Pháp mở rộng sân bay Gia Lâm đã phá bỏ gác chuông và tam quan chùa, đốt cháy điện Mẫu, phá nhà Tổ. Trong hai năm 1952-1953, Pháp đóng quân ở chùa và phá hỏng phần trong của Thượng điện. Đến năm 1956-1957 nhân dân và nhà chùa cùng góp sức dựng lại điện Mẫu, tu sửa nhà Tổ và Thượng điện.[3]
Kiến trúc cảnh quan
Khuôn viên
Chùa Mai Phúc năm trên một khuôn viên lớn rộng khoảng 10 nghìn mét vuông, đầu làng Mai Phúc, chùa quay mặt hướng Tây-Nam, dọc hai bên đường vào chùa là 2 vườn cây xanh. Đi qua Tam Quan là một sân rộng có nhiều cây cối, phía bên phải đặt một bức tượng phật Di Lặc Tọa Liên, tượng được làm bằng đá trắng, cao khoảng 2 mét được đặt trên bệ đá. Đối diện với bức tượng Di Lặc bên trái, bên phải là bức tượng Quan Âm Tọa Liên, tay phải cầm thùy dương liễu và tay trái cầm bình thanh tịnh đựng nước cam lồ, tượng bằng đá trắng, cao khoảng 2 mét, được đặt trong đình lục lăng 2 tầng mái. Qua khoảng sân rộng, giữa khuôn viên chùa là một giếng nước lớn tròn với lan can và cầu ao làm bằng đá xanh, chạm rồng. Hình tròn tượng trưng cho sự viên mãn, an nhiên. Cũng là điểm nhấn tạo nên sự hài hòa cho quần thể khuôn viên.
Hạng mục công trình
Kiến trúc hiện tại của ngôi chùa có thể khác với kiến trúc nguyên bản do đã qua nhiều lần tu sửa, trong đó có 2 lần tu sửa lớn vào năm Tự Đức thứ 32 (1879) và năm Duy Tân thứ 4 (1910) cùng nhiều hạng mục được trùng tu rải rác ở thế kỷ XX – XXI, được khắc trên quả chuông “Minh Tông tự chung” của chùa. Không có ghi chép nào cho thấy kiến trúc sơ khai của ngôi chùa nên ta chưa thể xác định được chùa ngôi chùa sơ khai có kiến trúc thế nào. Dưới đây là tổng quan kiến trúc của ngôi chùa ở thời điểm hiện tại:
Tam Quan
Tam Quan có cấu tạo hai tầng với tầng tầng 1 là cửa, tầng 2 là lầu chuông. Tầng dưới có ba cửa có hình vòm, chính giữa là cửa lớn, hai bên là hai cửa nhỏ hơn, đối xứng nhau. Hai bên cửa chính đắp phù điêu hai vị Hộ Pháp: bên phải là ngài Vi Đà Tôn Thiên, bên trái là ngài Tiêu Diện Đại Sĩ. Phía trên cổng lớn Tam Quan đề ba chữ “Mai Phúc tự” (Chùa Mai Phúc) được viết bằng chữ Nôm. Bờ nóc phía trên “Mai Phúc tự” chạm hình “lưỡng long chầu nhật nguyệt”. Tầng hai chính giữa là lầu chuông lớn, bên trong có treo một quả chuông lớn, hai bên lầu nhỏ đối xứng. Mái phía trên lầu chuông là dạng mái kép với tổng 6 mái, mái trên nhỏ hơn mái dưới, khoảng cách giữa hai mái là khoảng 1 mét uốn cong lên phía trên.
Tam Bảo
Từ Tam Quan vào trong, ta gặp một khoảng sân rộng chừng 4000m vuông, giữa sân là giếng nước hình tròn, có chu vi khoảng 20m, chếch sang bên phải là Tam Bảo, quay hướng Tây-Nam, Thượng Điện và Hậu cung Tam Bảo nối kết với nhau tạo thành hình chữ “Đinh” (丁). Tam Bảo rộng năm gian hai dĩ, đầu hồi bít đốc tay ngai, bên trái là nhà ăn và xung quanh là hai toà phụ trợ. Bờ nóc chạm hình “lưỡng long chầu nhật nguyệt” cùng cuốn thư có dòng chữ “Minh Tông tự”. Bên trong hậu cung là ban Tam Bảo:
- Lớp cao nhất là tượng Tam thế Phật gồm: A Di Đà (Phật quá khứ), Thích Ca (ngồi giữa, Phật hiện tại), Di lặc (Phật tương lai) được tạo tác bằng gỗ sơn son thếp vàng, chiều cao khoảng 87cm với dáng ngồi kiết già
- Lớp thứ hai là Di đà Tam tôn: Ngồi giữa là Đức Phật A Di Đà trong tư thế tọa thiền. Hai bên tượng A Di Đà là hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm đứng bên trái và Bồ Tát Đại Thế Chí đứng bên phải.
- Lớp thứ ba: chính giữa là Đức Phật Thích ca, hai bên là tôn giả Ca Diếp và A Nan Đà.
- Lớp thứ tư: là tòa Cửu Long (Thích Ca sơ sinh) ghi nhớ thời điểm Đức Phật Thích Ca ra đời, được đúc bằng đồng
- Lớp thứ năm: thờ Ngọc Hoàng thượng đế đây là sự thờ phối với Đạo giáo.
Nhà Tổ
Nằm sát nhà ăn về phía tay trái, lùi về phía sau so với mặt Thượng Điện khoảng 15 mét. Nhà Tổ có kết cấu “trùng thiềm điệp ốc”(2 nóc, 2 tầng mái)[4] dạng chữ “Nhị” (二), rộng năm gian hai dĩ, đầu hồi bít đốc. Tiền điện lớn ở phía trước và hậu điện nhỏ hơn ở phía sau, có 2 bộ mái riêng được nối với nhau bằng hệ thống vì vỏ cua, bên trên là máng thu nước mưa. Đây là nơi thờ các vị tổ sư, gian giữa của tăng đường có tượng Bồ Đề Đạt Ma và ba pho tượng thờ các vị sư trụ trì đã viên tịch. Ban thờ Hậu là tượng của những người có công đóng góp, công đức, tiền của cho việc xây dựng chùa. Phía sau nhà Tổ là nhà Tăng.
Nhà Mẫu
Khác với Tam Bảo và nhà Tổ, Nhà Mẫu mặt quay hướng Đông-Bắc. Nhà Mẫu có kết cấu “trùng thiềm điệp ốc”. Tiền điện rộng ba gian hai dĩ có tầng mái rộng và cao nhất, sâu vào trong là ba gian cũng có ba tầng mái tách biệt. Gian giữa rộng hơn có tầng mái cao hơn hai gian bên cạnh.
- Gian giữa chia làm hai lớp: thờ Tam phủ ban trên, Tứ phủ ban dưới
- Gian bên phải là ban thờ Đức Thánh Trần
- Gian bên trái là ban thờ Sơn Thần
Vườn Tháp
Đi từ đường Nguyễn Văn Linh vào chùa theo trục thần đạo, án ngự bên phải trước Tam Quan ta gặp Vườn Tháp, có tổng cộng 5 tòa tháp, được bố trí theo phong cách Lục Hòa, 1 tháp ở giữa, 4 tháp xung quanh cách đều nhau. Các tháp đều được trùng tu thời gian gần đây, phỏng dựng theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Tháp ở giữa có bình diện hình lục lăng, cao 3 tầng, mái vẫy mũi hài Long Tinh Hội Đấu được khảm lam, mặt cạnh của tháp ở tầng thứ 2 đắp nổi chữ Hán: A-di-đà-bảo-tháp; tầng thứ 3 đắp nổi các họa tiết chữ Phạn: Án Ma Ni Bát Mê Hồng. Bốn tháp còn lại án ngự xung quanh tháp trung tâm, bình diện hình vuông, 3 tầng, mái vẫy đầu đao Long Tinh Hội Đấu, tầng thứ nhất ở tất cả các tháp đắp nổi họa tiết chữ Phạn, tầng thứ 3 đắp nổi chữ Hán.
Hiện vật
Chùa Mai Phúc hiện nay vẫn còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa, như hệ thống các pho tượng chùa còn lưu giữ được gồm: Đức Ông, Thánh Tăng, Ngọc Hoàng, Mục Liên Địa, Địa tạng, Thế tôn, A Nan, Ca Diếp, A Di Đà và Kim Đồng, Ngọc Nữ. Ngoài ra còn một số những hiện vật như sau:
- Một tấm bia hai mặt có niên hiệu Vĩnh Trị tứ niên (1679), mặt một đề “Minh Tông tự bi ký” do Thiên thư Hải đường Đặng kinh Tiểu sinh Trần Đặng Tướng soạn, hiện còn lưu giữ cho biết, nhà sư trụ trì chùa tên là Nguyễn Thị Kim Thịnh, tự Pháp Thịnh đã dựng chùa cùng với nhân dân địa phương. Mặt hai bia đề “Mai Phúc xã ký” liệt kê những người trong xã Mai Phúc góp tiền hưng công trùng tu chùa.
- Một tấm không có tên có niên hiệu Bảo Đại tam niên (1928), tên bia bị đục mất chữ, nội dung bia ghi lại việc: bản xã Mai Phúc có bà Hoàng Thị Khánh, nhân duyên tiên khởi mà phát tâm Bồ Đề phụng sự cửa Phật, tuy không xuất gia nội tự, nhưng công đức với Tam Bảo sánh bằng hàng ni giới. Hơn thế, lại cúng ruộng cho chùa ở các xứ đồng để dùng vào việc thờ Phật tứ thời. Nhân ấy, quả ấy đáng ghi lắm thay, nay tạc vào bia, lưu cho muôn đời, phần hoa lợi ở các ruộng sẽ dùng hoa lợi dâng lên Tam Bảo vào ngày kị nhật, xem như Hậu Phật tại chùa… qua nội dung ta có thể phỏng đoán đây là bia Hậu Phật.
- Hai chuông trong đó có một chuông “Minh Tông tự chung” niên hiệu Thiệu Trị nguyên niên (1841), hai chuông này đều có khắc chữ ghi chép lại quá trình công đức hưng tu chùa. Hiện hai chuông này đang được chùa cất giữ, bảo quản chứ không sử dụng.
- Một chuông đồng mới đúc không có chữ hiện đang treo trên lầu chuông ở Tam Quan.
- Bộ tượng tòa Cửu Long Thích Ca sơ sinh được đúc bằng đồng, kỹ thuật đúc tinh xảo, mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XIX.
- Bộ tượng Tam thế Phật được tạo tác bằng gỗ sơn son thếp vàng, cao 87cm, dáng ngồi kiết già có bố cục cân đối, mang dấu ấn nghệ thuật cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18
- Hệ thống hoành phi, câu đối, y môn, cuốn thư, hương án, long ngai, khám thờ chạm khắc đề tài tứ linh, tứ quý, rồng chầu, hổ phù… đều được tạo tác bằng gỗ, sơn son thếp vàng
Đồng hành cùng kháng chiến
Với vị trí chiến lược gần sân bay Gia Lâm, trong kháng chiến chống Pháp, chùa là cơ sở của các chiến sĩ tình báo cách mạng theo dõi hoạt động của địch tại sân bay Gia Lâm từ năm 1947 đến 1951. Năm 1952, sư chùa là Thầy Đàm Huệ là người có công nuôi bộ đội, bị thực dân Pháp bắt và tra khảo, nhà sư vẫn gan góc không khai, quyết không để lộ cơ sở, người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.[5] Vào cuối tháng 1, giáp Tết Đinh Dậu 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nhân dân xã Tiến Bộ (nay là phường Phúc Đồng) huyện Gia Lâm, để thăm nhân dân và xem công tác chuẩn bị Tết.[6] Ghi chép lịch sử tại địa phương cũng ghi lại Bác đã đến và thắp hương tại chùa Mai Phúc.
Xếp hạng
Chùa Mai Phúc đã được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hoá theo Quyết định 97/QĐ-VHTT của Bộ Văn hoá và Thông tin ngày 21 tháng 01 năm 1992.
Chú thích
[1] Theo sự tích ghi văn bia ở đình làng Mai Phúc
[2] Theo Lưu Minh Trị (2011), Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02, nxb Hà Nội tr.539, tr.540
[3] Cổng thông tin điện tử phường Phúc Đồng
[4] Đây là một kiểu kiến trúc nhà kép hai mái trên một nền. Nhà trước và nhà sau của điện được nối với nhau bằng một hệ thống trần vòm mai cua dưới máng nước nối của hai mái nhà (thuật ngữ kiến trúc gọi là máng thừa lưu).
[5] Cổng thông tin điện tử phường Phúc Đồng
[6] Cổng thông tin điện tử phường Phúc Đồng
Tham khảo
- Lưu Minh Trị (2011), Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02, nxb Hà Nội
- Trần Lâm Biền (2012), Diễn biến kiến trúc truyền thống việt vùng châu thổ sông Hồng, nxb Văn hóa Thông tin
- Bác Hồ với nhân dân Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1980, tr.70-71.
- TS Bùi Xuân Đính, Làng Mai Phúc, Báo Hà Nội Mới
- Lương Hải Đăng, Chùa Mai Phúc: Lịch sử, Kiến trúc tôn giáo, hiện vật còn lại trong di tích chùa Mai Phúc; Cổng thông tin điện tử phường Phúc Đồng
- Nguyễn Thế Long (1997), Chùa Hà Nội, nxb Văn Hóa Thông Tin