Chùa Mía là nơi hội tụ quần thể di tích đền chùa, miếu mạo được xây dựng từ lâu đời. Đây là vùng đất vẫn giữ được nét truyền thống với lối kiến trúc cổ xưa độc đáo. Chùa Mía còn có tên hiệu là Sùng Nghiêm Tự.
Vị trí
Chùa Mía là ngôi chùa cổ nằm trên địa bàn xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 45km. Ngôi chùa mang vẻ đẹp cổ kính. Xưa kia Đường Lâm thuộc tổng Cam Giá (tên Nôm là tổng Mía). Vì thế nhân dân thường gọi chùa là chùa Mía.
Lược sử
Chùa Mía được xây dựng từ thời xa xưa. Trải qua thời gian, sự tàn phá của chiến tranh và thiên tai vào thế kỷ 17 chùa xuống cấp trầm trọng. Đến năm 1632, cung phi trong phủ chúa Trịnh Tráng là bà Nguyễn Thị Ngọc Dong (còn gọi là Ngô Thị Ngọc Diệu) đã đứng ra khuyến mộ nhân dân các làng thuộc tổng Cam Giá chung tay góp công góp của tôn tạo lại chùa.
Bà vốn là người làng Nam Nguyễn (Nam An) thuộc Tổng Cam Giá, được mọi người trong vùng mến mộ uy đức tôn kính gọi là “Bà Chúa Mía”. Khi bà mất, dân làng đã tạc tượng bà đưa vào phối thờ ở Chùa Mía và còn có đền riêng. Về sau chùa được tu bổ nhiều lần, song đến nay quy mô tôn tạo thời Bà chúa Mía dường như vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Kiến trúc
4 thế kỷ đã trôi qua, chùa Mía nay vẫn giữ được quy mô và kiến trúc truyền thống, gồm Tam quan, chính điện, thượng điện, nhà Tổ. Cùng với đó, hệ thống hành lang đan xen tạo thành hình chữ Mục.
Cổng Tam quan chùa nằm khiêm tốn ngay tại mặt đường làng. Cổng chùa gồm 2 tầng, từ cổng chùa nhìn thẳng ra bên kia đường sẽ thấy 1 ngôi đền nhỏ, đây là đền thờ Bổ Cái đại vương. Bước qua cổng Tam quan nhìn về bên phải, ta sẽ thấy một cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi với cành lá sum suê.
Vào bên trong là nội điện cấu trúc gồm tiền đường, bảo điện, đại hùng, thượng điện uy nghi, bề thế. Tiền đường gồm 7 gian 2 chía, phía bên trái có một tấm bia rùa lớn ghi rõ niên đại xây dựng vào năm Đức Long thứ 6 (1632) đời Lê. Bên trái tiền đường là nơi thờ công chúa Liễu Hạnh. Phía sau là chính điện và thượng điện.
Hệ thống tượng Phật cùng quần thể kiến trúc độc đáo đã làm nên những giá trị nghệ thuật, văn hóa – lịch sử đặc biệt của chùa Mía. Đáng lưu ý nhất là một số pho tượng như tượng Tuyết Sơn, tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn, tượng bá Đại Hòa Thượng, tượng Bồ Tát Nam Hải Quan Thế Âm, tượng Bát Bộ Kim Cương, tượng Hộ pháp, tượng Tứ Bồ Tát,Quan Âm Tống Tử, tượng Bà Chúa Mía…
Di vật
- 287 pho tượng quý được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, trong đó có 174 pho tượng đất, 6 pho tượng đồng.
- Quả chuông đồng được đúc năm 1745, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 6 (đời Lê).
- Một chiếc khánh đồng đúc năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) đời Nguyễn.
- Tòa bảo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 13m – nơi thờ vọng xá lợi đức Phật.
Lời kết
Chùa Mía là nơi có không gian yên tĩnh, thoáng đãng nằm giữa phong cảnh thiên nhiên rộng lớn rất thích hợp cho những du khách đang tìm chốn an yên tránh xa thế tục. Nếu một lần đặt chân đến Sơn Tây bạn đừng quên ghé thăm vãn cảnh chùa nhé!
Tham khảo
- http://www.nuibavi.com/son-tay/chua-mia.html
- https://oancotam.com/chua-mia/
- https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/825829/doc-dao-chua-mia