Chùa Nam Sơn (Đông Tân, Thanh Hoá)

Chùa Nam Sơn (Đông Tân, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Vị trí

Chùa Nam (tức chùa núi Nam, hay còn gọi là “Nam Sơn tự”), hiện nay thuộc làng Tân Cộng, xã Đông Tân, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. 

Lược sử

Ngôi chùa mà chúng ta thấy hiện tại trên đỉnh thấp của núi Nam (tức núi Hinh mà Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức chép) là một kiến trúc hoàn toàn mới được dựng trên nền cũ chùa xưa, gồm một nhà Hậu cung hai mái cuốn vòm (kiểu chuôi vồ) và một nhà Tiền đường 3 gian hai chái, chồng diêm, hai tầng, 8 mái khá hài hòa, cân đối. Với kiểu kiến trúc mái cong hai tầng 8 mái như vậy đã tạo ra cảm giác uyển chuyển và bay bổng cho ngôi chùa trong không gian núi non đầy thơ mộng. Mặc dù là công trình phục hồi, tôn tạo mới, song du khách gần, xa vẫn thấy được dáng vẻ cổ kính, trầm mặc của một nơi tu hành của Phật giáo. Bên cạnh chùa – chỗ đỉnh núi thấp là đỉnh núi cao đứng song hành, liền dải như một cột đá, hoặc tháp bảo thiên khổng lồ, sừng sững trước khung cảnh làng xóm, đồng ruộng vây quanh. 

Từ dưới chân men theo sườn của hai ngọn núi liền kề để lên chùa, chúng ta còn bắt gặp một cái động (hang) nhỏ – nơi đang cất giữ các di vật điêu khắc đá cổ và nơi ở tạm của Ni sư Thích Đàm Phụng (người gốc xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn) đầu tư xây dựng lại vào năm 2009. 

Ở cách chùa chỉ vài chục thước (phía lưng chừng núi), chúng ta sẽ bắt gặp một cửa hang ăn thông xuống tận mạch đá dưới lòng đất và ăn ngầm sang đến tận cửa hang núi Dàn, cách đó chừng trên 100m mà dân gian gọi là đường xuống âm và đường lên trời. Tương truyền, nghĩa quân thời chống Ngô đã từng sử dụng hang này để tập kích đánh địch một cách bất ngờ.

Cùng thuộc hệ thống núi An Hoạch (tức núi Nhồi) nên từ đỉnh núi Nam, nhìn về phía núi Dàn, núi Ninh và núi Vọng Phu, cảm giác gần trong gang tấc. Và đi quanh chùa, dõi nhìn về phía bắc là thấy dãy Phượng Hoàng (Rừng Thông) như đang vẫy cánh, dõi nhìn về phía tây sẽ thấy Ngàn Nưa hùng vĩ chắn ngang dải đồng bằng của xứ Thanh như một bức trường thành đồ sộ, và dõi nhìn về phía đông sẽ thấy dãy Cánh Tiên – Hàm Rồng thơ mộng cùng làng xóm và thành phố Thanh Hóa hiện đại hiện rõ trong tầm mắt. Rồi mỗi lúc ban mai, hay lúc chiều tà, từ núi Nam nhìn ra tứ phía, chúng ta như được ngắm nhìn một bức tranh toàn cảnh một cách đầy sống động về xứ sở quê hương yêu dấu. Có một điều đặc biệt, khi thời tiết thay đổi, lúc nắng, lúc mưa, sắc hình của ngọn núi Nam lúc thì từ màu tím nhạt chuyển sang màu tím biếc, lúc thì giống hình rồng, lúc lại giống hình một ngọn tháp bảo thiên bên ngôi chùa cổ,… Rồi tất cả mọi người gần, xa khi đã đến với núi Nam, chùa Nam (tức núi Hinh, chùa Hinh), chắc sẽ không bao giờ quên được cảnh trí độc đáo, nên thơ ở nơi danh lam đáng yêu này. 

Giờ đây, chùa đã được phục hồi, tôn tạo khá hoàn chỉnh với đầy đủ tượng pháp và nội thất đồ thờ nói chung. Đường xá đến di tích cũng rất thuận lợi. Từ trục đường 47 chỗ đầu làng Tân Cộng, rẽ tay trái theo con đường đã được bê tông hóa, ô tô, xe máy, hay đi bộ chỉ có hơn 500m là đến nơi cần đến. Và trong cả hiện tại và tương lai, chùa Nam sẽ trở thành một địa chỉ du lịch, tín ngưỡng đầy hấp dẫn cho du khách gần, xa. 

  • Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập II – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016 

 

 

Chấm điểm
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)