Chùa Nễ Châu (Thuỵ Ứng Tự – Tiên Lữ, Hưng Yên)

Chùa Nễ Châu (Thuỵ Ứng Tự – Tiên Lữ, Hưng Yên)

Thông tin cơ bản

Chùa Nễ Châu, tên chữ là Thụy Ứng Tự ở xã Nễ Châu, tổng Phương Trà, huyện Tiên Lữ, trấn Sơn Nam hạ, nay nằm trên đường Phố Hiến, xã Hồng Nam, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Xưa kia, nơi đây là khu vực chợ Nễ Châu, địa danh cuối cùng của Phố Hiến hạ – trung tâm thương cảng Phố Hiến thời kỳ phồn thịnh thế kỷ XVI – XVII.

Sự hình thành

Tương truyền, chùa Nễ Châu được khởi dựng từ thời Tiền Lê, quy mô ban đầu còn nhỏ. Khi Lê Hoàn đi qua đây đã cho khởi công xây dựng một ngôi chùa mới trên đất làng Phương Cái (ngày nay là thôn Nễ Châu), thay thế cho ngôi chùa cũ đã đổ nát. Khi chùa xây xong, dân làng Phương Cái không đủ tiền trả công thợ. Lê Hoàn truyền rằng: “Nếu làng nào đủ tiền trả công thợ thì chùa thuộc về làng đó“. Bấy giờ, dân làng Nễ Châu nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh nên đã trả được công cho thợ nên chùa thuộc về làng Nễ Châu từ đó. Vì thế dân gian có câu ca rằng:

Bao giờ Phương Cái có chùa,
Hương Giang có giếng thì vua lại về.

(Hương Giang là vùng đất nằm cạnh làng Nễ Châu, ngày nay là làng Lương Điền).

Theo truyền thuyết dân gian, sách Đất Hưng Yên của Phạm Như Tiên và gia phả họ Nguyễn thì chùa Nễ Châu gắn liền với tên tuổi bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh. Bà sinh ngày 15 tháng Giêng năm Bính Thân, quê ở Nễ Châu. Khi Lê Hoàn về đóng quân trấn ải ở đây để chống quân Tống xâm lược, thấy bà xinh đẹp đã lấy làm vợ và xây cho một Ngọc Dinh Thự ở chợ Nễ Châu. Lê Hoàn còn mua thêm đất, phong cho Nguyễn Thị Ngọc Thanh làm chính nhất phu nhân. Bà đã có công giúp đỡ nghĩa quân cất giấu lương thảo, giặt giũ quần áo… Giặc tan, Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế do không có con, hơn nữa cha mẹ lại già yếu, Ngọc Thanh đã xin trở về quê hương để làm tròn đạo hiếu. Lê Hoàn đồng ý, cử Giới quốc công về Nễ Châu thu xếp nơi ăn chôn ở và dựng ngôi chùa mới cho Bà làm nơi tu hành.

Đồng thời nhà vua còn cử người con thứ 9 là Lê Long Kính (hiệu là Trung Quốc đại vương) thay mình trấn giữ vùng này và cũng là để chăm nom Bà.

Tương truyền bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh qua đời ngày 18-8 âm lịch, Lê Đại Hành thương tiếc đã cho lập đền thờ Bà ngay trước cửa chùa Nễ Châu để phụng thờ và phong làm Ngọc Thanh hoàng hậu. Ngày 10-9 âm lịch, Lê Long Kính mất, được dân làng Nễ Châu truy phong làm Thành hoàng làng và cũng được thờ tại đền cùng với Ngọc Thanh hoàng hậu.

Trùng tu

Trải qua các triều đại, chùa Nễ Châu đều được trùng tu, tu sửa. Lần tu sửa gần đây nhất là vào thời Nguyễn, niên hiệu Bảo Đại nguyên niên (1926). Chùa có kiến trúc kiểu Nội đinh ngoại quốc.

Tòa tiền đường gồm 7 gian, dài 15m; rộng 5m. Hai bên đầu hồi là hai cột đồng trụ cao 3,5m, trên đỉnh cột đắp hai con nghê quay đầu vào nhau. Mái chùa lợp ngói mũi, chính giữa đường bờ nóc đắp nổi 3 chữ Hán Thụy ứng Tự (chùa Thụy ứng). Toàn bộ hệ thống bảy hiên được chạm khắc rồng và hoa lá cách điệu. Kết cấu kiến trúc tòa Tiền đường kiểu vì kèo đơn giản. Trên thượng lương ghi rõ năm trùng tu Bảo Đại nguyên niên (1926). Trên xà dọc được trang trí bằng các bức trấn phong chạm khắc hình lưỡng long mềm mại và tinh xảo. Các bức trấn phong đã được đánh giá cao về nghệ thuật điêu khắc, hoa văn trang trí thể hiện nét văn hóa thời Lê.

Nối tiếp tòa Tiền đường là tòa Tam bảo dài 12m, rộng 5m. Hệ thống tượng thờ tại tòa Tam bảo rất đa dạng và phong phú. về cơ bản việc bố trí tượng thờ mang đặc điểm của thế kỷ XVII mà dấu ấn rõ nét nhất là bộ tượng Tam thế, Di đà tam tôn, Thích Ca sơ sinh. Thế kỷ XVIII chùa được trùng tu lớn, phối tự tượng Tuyết Sơn, Quan Âm thiên thủ, Quan Âm tống tử. Các thế kỷ tiếp theo số tượng được bổ sung vào điện thờ như tượng Cửu Long, Nam Tào, Bắc Đẩu, hai bên nhà Tiền đường có tượng Đức Ông và Thánh Hiền. Ngoài ra còn có tượng thờ Ngọc Hoàng, Kim Đồng Ngọc Nữ, các vị Bồ Tát… Trong đó, có giá trị nghệ thuật điêu khắc hơn cả là bộ tượng Tam thế (Cao 1m, tạc bằng gỗ ngồi trên tòa sen, theo tư thế tọa thiền, hai bàn tay đặt giữa lòng đùi, bàn tay trái đặt giữa bàn tay phải, tòa sen chạm trổ hoa lá, vân mây và các tích của nhà Phật. Ba vị Tam thế đều dựa lưng vào hậu bành, khuôn mặt nhân từ đôn hậu). Tượng được tạo tác thời Hậu Lê. Tượng Tuyết Sơn, được tạc bằng gỗ cao 0,8m trong tư thế ngồi suy tư, chân phải co vuông góc với bệ, chân trái co vuông góc với thân hai tay bó gối với thân hình gầy guộc, trán và chân tay nổi rõ những đường gân, mang đậm nét phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.

Tham khảo

  • Trích từ “Phật giáo Hưng Yên xưa và nay”, tác giả Nguyễn Đại Đồng, Nxb Văn hóa, 2012, tr. 51-55.
Chấm điểm
Chia sẻ
Checkin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner app chỐn thiÊng 3 (60x90)