Chùa Ngạn Sơn (Can Lộc, Hà Tĩnh)

Chùa Ngạn Sơn (Can Lộc, Hà Tĩnh)

Thông tin cơ bản

Giới thiệu

Chùa Ngạn Sơn, thường gọi chùa Nghèn, dựng trên rú Nghèn (Ngạn Sơn hay Nghiễn Sơn), địa phận xã Trảo Nha, tổng Đoài, huyện Thạch Hà, từ 1921 chuyển về Can Lộc, nay là Thị trấn Nghèn, huyện lỵ Can Lộc.

Ngôi chùa cổ

Tiến sĩ Trần Danh Lâm (1705 – 1777) viết trong sách Hoan Châu phong thổ ký “Giữa xã Trảo Nha, chín nhẫn tháp cao chót vót”. Sách Đại Nam nhất thống chí viết về núi Nghèn, chùa Nghèn: “Trên núi có chùa, trước kia có tháp, không rõ dựng từ thời nào… nay dấu cũ vẫn còn” và “Chùa núi Nghèn ở trên núi thuộc xã Trảo Nha, trước kia có tháp” (do đó núi Nghèn còn gọi Tháp sơn). Sách Can Lộc huyện phong thổ chí của Trần Mạnh Đàn cũng viết như vậy.

Học giả người Pháp, giáo sư Bơrơtông (H. Le Breton) cho tháp này là “tháp Chàm”. Ông viết trong An Tĩnh cổ lục (La vieux An Tinh): “Trên đỉnh Ngạn sơn, hồi trước có một cái tháp Champa. Vào khoảng canh năm một đêm hè,… một thế lực huyền bí nào đó đã nhổ cái tháp ấy đi. Vì thế ngày nay chỉ còn lại nền cũ của tháp”.

Nhưng sách Nghệ An cổ tích lục chép khá cụ thể: “Tháp ở xã Trảo Nha do vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) dựng. Xưa Thái Tông vào Nam, đóng quân ở đây(?), đêm mộng thấy đức Quan Âm bồ tát cho vua Y bát (áo cà sa và bát ăn cơm của nhà sư). Khi tỉnh dậy vua sai dựng chùa, bên ngoài xây ngọn tháp cao hơn trăm thước. Tháp này có chín mặt, thường gọi là “Cửu diện tháp”.

Và sách Nghệ An ký của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (1758 – 1828) viết về Ngạn sơn, có đoạn: “… Ngày trước trên núi có một cái tháp cao chín tầng, không biết triều đại nào xây dựng. Năm Cảnh Hưng thứ 35 (1774), mùa hạ, một đêm vào hồi trống canh năm, đang lúc trời quang mây tạnh, bổng nhiên có một luồng hắc khí phát hiện ở phía Tây Bắc, rồi tự nhiên tháp đổ xuống, mà các nhà của sư ở bên cạnh tháp không nhà nào việc gì, ai cũng lấy làm lạ”.

Theo chính sử, vua Lý Thái Tông, trên đường đi đánh Chiêm Thành đã qua Nghệ An hai lần, vào năm Tân Tỵ (1031) và năm Giáp Thân (1044). Sử chép: “Năm Thiên Thánh thứ tư, tức năm Tân Tỵ (1031) ở châu Hoan về, vua ra lệnh xây 950 ngôi chùa”. Chắc chùa Nghèn cũng được dựng vào dịp này(?).

Đáng chú ý là các sách cổ chỉ nói về ngọn tháp mà ít nói về chùa, như: “Trên núi Nghèn có ngôi tháp cao và mấy dãy nhà tranh”, hoặc “các nhà sư ở bên cạnh tháp”… Đây là một chứng cứ chùa Nghèn có từ đời Lý. Chùa Lý chịu ảnh hưởng dòng Tiểu thừa, thường chỉ đặt một pho tượng, chủ yếu là tượng Thích Ca Mầu Ni ở chính đường. Như vậy, “Tháp chín mặt” hay “Chín tầng” chính là Phật điện, thờ pho tượng ấy, chứ không chứa xá lỵ như Tháp Nhạn (ở Nam Đàn) xây thời Bắc thuộc, hay các tháp đời Trần về sau. Nếu đúng “Cửu diện tháp” được xây từ đời Lý Thái Tông, giữa Thế kỷ XI và đổ vào năm Lê Cảnh Hưng, cuối thế kỷ XVII, thì ngôi tháp cổ này đã trải qua trên 600 năm tồn tại.

Có thể sau khi tháp đổ, người ta mới xây chùa. Chùa Ngạn Sơn đời Nguyễn vẫn là ngôi chùa lớn, được sử sách ghi chép.

Phế tích

Sau cách mạng, chùa Ngạn Sơn và một số chùa khác đều hợp tự về chùa Hà Linh (xã Tiến Lộc) rồi bị dỡ phá.

Tham khảo

  • Trích sách “Chùa cổ Hà Tĩnh”, tác giả Thái Kim Đỉnh
Chấm điểm
Chia sẻ
logo_chonthieng

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)