Chùa Ngọc Châu (chùa Trặng – Cẩm Thủy, Thanh Hóa)

Chùa Ngọc Châu (chùa Trặng – Cẩm Thủy, Thanh Hóa)

Vị trí

Ngay dưới chân núi và giữa lòng núi Diệu Sơn (hay còn gọi là núi Ti Rặng – Trặng) là ngôi chùa cổ Ngọc Châu, cư dân địa phương vẫn gọi bằng cái tên nôm na thân thương là chùa Trặng, chùa Trặng xưa kia thuộc sách Gia Dụ, Mường Dô, huyện Cẩm Thủy, phủ Thiệu Thiên, ngày nay thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cách thị trấn huyện Cẩm Thủy khoảng 1 km.

Lược sử

Lòng hang chính thờ Phật còn lưu lại vật liệu kết dính hồ vôi trộn mật và giấy bản, một số viên gạch vồ thời Trần cùng kích thước và tiêu bản loại gạch xây dựng cung điện tại thành Tây Đô. Tại ban thờ Phật còn sót lại một số viên gạch cổ sau này được tận dụng xây lại.

Tại động chùa, nhân dân cho biết: trong kháng chiến chống Pháp còn thấy, sau này hang chùa có lúc trở thành kho quân giới, đầu thời kỳ hòa bình lập lại có thời gian làm bệnh viện chữa cho bệnh nhân tâm thần. Chính vì lẽ đó những pho tượng đá không rõ mất từ thời gian nào. Những pho tượng Phật thờ trong chùa hiện còn đều là những pho tượng cổ, chất liệu gỗ, kích thước khá nhỏ.

Khảo sát quanh vùng, từ chùa Trặng cách 800m về phía Nam là Thung Voi (nơi nuôi voi của nghĩa quân Lam Sơn), bên phía đông sông Mã cách 800m theo đường chim bay là đồn Chẹ còn dấu tích đồn binh của nghĩa quân… Dòng sông Mã dọc bờ từ Cẩm Vân lên Cẩm Giang có tới 6 nơi thờ bà Trịnh Thị Nương (em con cậu của nhà vua) là nghĩa sĩ đã hy sinh tại trận Lỗi Giang.

Như vậy, việc Bình Định Vương Lê Lợi đã từng đồn trú và làm lễ cúng Giàng ở chùa Ngọc Châu, được Đức Phật phù trợ đánh thắng giặc ngoại xâm là sự kiện lịch sử tại chùa Ngọc Châu.

Theo Ngọc phả và truyền thống cũ từ năm 1954 trở về trước, lễ hội chùa Trặng được tổ chức vào ngày 6 tháng giêng hằng năm. Lễ hội này là trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống của cư dân Mường Dồ và các Mường xung quanh.

Là ngôi chùa nằm giữa khu vực Mường nghèo, khuôn viên đất đai rộng lớn, hẳn xưa kia có sự ưu ái của triều đình nhà Lê, kiến trúc chùa Ngọc Châu cũng như các chùa ở các vùng Mường khác, cũng không thể có quy mô bề thế, không vượt khỏi tính chất kiến trúc của loại hình chùa hang. Ngày nay, theo quan điểm bảo vệ phát huy truyền thống văn hóa dân tộc của Đảng và Nhà nước, với ý nghĩa lịch sử – văn hóa của chùa Ngọc Châu, với phong cách hữu tình của núi Diệu Sơn, chùa Trặng (Ngọc Châu tự) đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh.

Trong những năm gần đây, được sự hưởng ứng của Phật tử và du khách thập phương, đặc biệt sự giúp đỡ của Hội Phật giáo tỉnh Thanh Hóa và sự nỗ lực của Đại đức Thích Tâm Định, Ngọc Châu tự càng ngày càng khang trang, một số công trình như nhà Tổ, Tam quan, nhà Giảng pháp, Phật điện…. đã và đang dần dần được hoàn thiện. Ngày nay, tiếng chuông từ chùa trong như ngọc, óng ánh sắc minh châu đã lan toả trên thinh không, hòa đồng cùng phong cảnh Quốc thái, dân an, nhà nhà hạnh phúc. Với sự nỗ lực chung của toàn xã hội, Ngọc Châu tự sẽ trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống tại vùng núi Thanh Hóa, nối với suối cá Cẩm Lương, chùa Ngọc Châu cũng là nơi thu hút du khách thập phương trẩy về vãn cảnh chùa và kính lễ.

  • Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập II – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016

 

Chấm điểm
Chia sẻ
2018, Vietnam, along Nam Ma river, Dai Dong, Ngoc Chau temple

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nội dung đang được cập nhật.
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.
Video

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *