Chùa Ngọc Đới (Hậu Lộc, Thanh Hoá)

Chùa Ngọc Đới (Hậu Lộc, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết năm 1435 đã ghi, địa danh làng Ngọc Đới thuộc tổng Chi Nê, huyện Thuần Hựu (tức xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc ngày nay). Cư dân làng Ngọc Đới ngày càng phát triển đông đúc và hình thành nên các thôn Đông, Đoài, Đọ, Cui, Đa, Cách. Chùa Ngọc Đới nằm ở thôn Cách hiện nay. Tên chùa Ngọc Đới là do đọc chệch từ Ngọc Đái mà ra, nhân dân vẫn thường gọi là chùa Cách vì nằm ở thôn Cách. Tổng diện tích chùa là 13.579m2.

Tên gọi

Tương truyền rằng, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên lần thứ hai, thực hiện kế sách chống giặc của Tiết chế Quốc công Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, phòng tuyến Phú Tân do Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải chỉ huy đã được lập để chống giặc. Phòng tuyến Phú Tân gồm các xã Hà Toại, huyện Hà Trung; xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn xã Quang Lộc, xã Liên Lộc, huyện Hậu Lộc. Trong trận chiến đấu quyết liệt diễn ra tại phòng tuyến Phú Tân ngày 06 tháng 3 năm 1285 (tức ngày 13/02 năm Ất Dậu), trước nguy cơ phòng tuyến bị phá vỡ, vua Trần Nhân Tông đi thị sát mặt trận để động viên tướng sĩ. Qua vùng này, nhân dân đã đổ ra hai bên đường cầu nguyện cho nhà vua đánh thắng quân xâm lược. Cảm kích trước tấm lòng ái mộ và lo lắng của nhân dân đến vận mệnh của dân tộc, vua Trần Nhân Tông liền hỏi các quan chức địa phương, quanh vùng này có ngôi chùa nào để vua vào dâng hương cầu quốc thái dân an. Quan địa phương tâu là không có. Vua Trần Nhân Tông liền cởi đai ngọc giao cho Hào trưởng trong làng bán lấy tiền để xây dựng chùa.

Khi chùa được xây dựng xong, quan chức địa phương dâng sớ tâu lên nhà vua và được vua Trần Nhân Tông sắc phong tên chùa là Ngọc Đới tự (chùa Đai Ngọc), đồng thời làng cũng mang tên là làng Ngọc Đới. Tên chùa và tên làng tồn tại mãi từ đó cho đến ngày nay.

Vị trí

Thời gian đầu, chùa dựng ở phía nam làng Cách. Chùa làm bằng gỗ, lợp tranh, tượng bằng đất nung, nhưng thường xảy ra hoả hoạn. Người ta cho rằng địa linh nơi đó không tốt, phải tìm nơi đất khác để dựng chùa, hiện nay còn một bãi đất rộng mang tên là Bái Chùa. Đó là vị trí ban đầu của ngôi chùa hiện nay.

Ngôi chùa hiện nay cách vị trí xây dựng thuở ban đầu khoảng 100m về phía bắc. Đây là khuông đất cao nhất, đẹp nhất. Các cụ già trong làng kể lại, trận lụt năm Đinh Mão, vỡ đê Thiều Xá, làng xóm trong vùng bị chìm trong biển nước, riêng chùa Ngọc Đới nước vẫn không đến được. Ngôi chùa ở sát làng Cách, phía bắc có nhà thờ quan bằng đá. Ngôi nhà này có từ xa xưa. Hai cột đá phía trước có câu đối nói lên thế long chầu, hổ phục:

Hổ trấn kiền phương thiên tráng khí

Long hồi canh mạch địa truyền linh

Dịch nghĩa:

Phía Bắc có hổ canh giữ khoẻ mạnh như khí trời

Rồng về canh giữ mạch đất được linh thiêng.

Phía tây trước chùa có bãi đất rộng được mang tên là Bái Đuôi Rồng. Cùng với câu đối ở nhà thờ quan, thì vị trí ngôi chùa tọa lạc hiện nay mà tiền nhân đã chọn hẳn là có dụng ý. Chính vì thế mà chùa Ngọc Đới được nhân dân khắp nơi tôn là ngôi chùa linh thiêng nhất vùng Hậu Lộc.

Lịch sử hình thành

Hiện nay không còn văn bia cũng như sử liệu ghi lại cụ thể ngày tháng năm xây dựng chùa, nhưng theo truyền thuyết như đã nói ở trên, thì chắc chắn chùa được xây dựng vào khoảng năm 1285, khi vua Trần Nhân Tông đi thị sát phòng tuyến Phú Tân.

Chùa Ngọc Đới được di chuyển từ phía nam làng Cách về vị trí hiện nay vào thời gian nào chưa tìm được văn bia cũng như sử liệu ghi chép. Tại chùa còn một tấm bia Trùng tu Phật tượng đài bi ký, Hà Trung phủ, Hậu Lộc huyện, Chi Nê tổng. Bia đá ghi lại lý do trùng tu: “Bính Tuất ngung trào binh hoả, cảnh bất như tiền bản, giáp kỳ lão nguyên Cai tổng Đỗ Văn Tuyển…”. Tạm dịch nghĩa: Năm Bính Tuất lửa nhà binh bùng cháy không còn như trước, gần đó có nguyên cai tổng Đỗ Văn Tuyển…

Năm trùng tu: “… thắng địa liên thất tăng quang Nhâm Thìn niên trùng hưng đồng giáp tân tạo…”. Tạm dịch nghĩa: Trùng hưng năm Nhâm Thìn, đồng thời cũng làm mới … Bia ghi tiếp: “thương giữ bản giáp nguyên Cai tổng Đỗ Văn Tuyển, hiệp đồng bản ấp Chính điện tam gian, Tiền đường ngũ gian, dụng thiết mộc chuyên phong phúc vi đồ di vĩnh cửu…”. Tạm dịch nghĩa: Nguyên cai tổng Đỗ Văn Tuyển cùng xóm làng làm 3 gian Chính điện, 5 gian Tiền đường, dùng gỗ tốt có ý để lâu dài.

Như vậy, chùa Ngọc Đới hiện nay do binh lửa làm hư hỏng không còn được nguyên vẹn như trước, nguyên cai tổng Đỗ Văn Tuyển đã xuất tiền của đứng ra chủ trì việc xây dựng lại chùa vào năm Nhâm Thìn (tức năm 1892, đời vua Thành Thái) cùng Cai giáp nguyên đội trưởng Đỗ Văn Biện ủng hộ cung tiến… Ngôi Chính điện hiện nay là nguyên vẹn khi trùng tu.

Trải qua mưa nắng và ảnh hưởng của chiến tranh, chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 1997, chính quyền và nhân dân địa phương đứng ra trùng tu ngôi Chính điện. Khi trùng tu phát hiện ra phần móng của ngôi Chính điện toàn bằng tiểu sành, được gắn kết bởi lớp hồ vữa gồm: vôi, cát, mật mía trộn với giấy bản…, gạch xây tường là loại gạch rất xa xưa, kích thước mỗi viên 0,28 x 0,15 x 0,025m.

Kiến trúc

Chùa Ngọc Đới kiến trúc như các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam theo nguyên tắc tiền chùa hậu phủ. Khuôn viên chùa trồng nhiều cây cổ thụ quanh năm tươi tốt thể hiện trên thế đất âm dương hòa hợp. Cây trồng trong chùa chủ yếu là: mít, nhãn cùng với những hàng cau và dừa cao vút. Tuy bị chặt phá khá nhiều, nhưng đến nay trong chùa vẫn còn một số cây cổ thụ. Đặc biệt trong chùa còn cây thông cổ thụ cao khoảng trên 25m, chu vi gốc gần 2m, phía trước chùa có các cây như sung, si, dừa, cổ thụ và có hồ bán nguyệt. Trong hồ trước đây thường trồng sen, hồ không bao giờ cạn. Cả làng Cách trước đây đều lấy nước ở giếng chùa phục vụ họ ăn uống sinh hoạt. Khách đến tham quan và lễ chùa vào mùa hè sẽ được tận hưởng cảm giác mát mẻ, nhẹ nhõm. Các cây cổ thụ quanh năm xanh tốt, tiếng gió thổi, thông reo làm cho cảnh chùa đã tĩnh mịch lại càng thêm huyền bí và uy linh hơn.

Qua khảo sát, chúng tôi được biết, chùa Ngọc Đới tuy không to lớn đồ sộ nhưng đây là một trong số hiếm hoi những ngôi chùa của xứ Thanh còn lại nhiều pho tượng cổ, nhiều pháp khí, đồ thờ, đồ tế lễ, hoành phi, câu đối có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật…

Ngôi Chính điện được kiến trúc theo kiểu chữ Đinh gồm một chính tẩm 3 gian có kích thước dài 6m, rộng 4m. Nhà Tiền đường 5 gian, dài 15,2m, rộng 7,5m, làm bằng gỗ lim, lợp ngói mũi.

Bài trí trong chính tẩm:

Phía trên có bức hoành phi với hai chữ Công Đức, hai cột hai bên có câu đối:

Thần bút điểm minh trần giới tự

Linh thư tuỳ chú thế gian duyên.

Hai cột ngoài cửa chính tẩm có câu đối:

Nhất bản trụ trì công đức thuỷ

Thập phương biên phúc quảng từ bi.

Lớp tượng Phật trong cùng là 3 pho Tam Thế, ngự trên tòa sen, trên đầu có vòng thiên quan.

Lớp thứ hai là 3 pho: ở giữa là Phật Di Đà, bên tả là Đức Đại Thế Chí Bồ Tát, bên hữu là Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.

Lớp thứ ba có 2 pho: Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát.

Lớp thứ tư là pho Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn.

Lớp ngoài cùng là tòa Cửu Long mô tả Thích Ca sơ sinh với chín rồng phun nước tắm, hai bên và phía sau có những đám mây che phủ, có thần tiên, chư Phật đến chúc mừng.

Bài trí nhà Tiền đường:

Hai gian ngoài cùng là hai pho tượng: Bên tả là pho Kim Cương Hành Thiện, trên có hoành phi là: Khai Ngọc Trú. Bên hữu là Kim Cương Trừ Ác, trên có bức hoành phi: Thị Kim Bát. Hai pho tượng được cấu trúc theo mô típ tượng thời Nguyễn khoảng đầu thế kỷ XX, mang tính biểu tượng, đầu đội mũ kim khôi đắp nổi hình rồng, thân tượng bệ vệ, oai phong mạnh mẽ, mặc áo giáp “nhẫn nhục” để tránh mũi tên của Thất tình và Lục dục.

Gian tiếp theo, bên tả là thờ Đức Ông, phía trên có Hoành phi: Anh Linh Thần Vũ.

Gian giữa thờ Ban Hội đồng và để cho Phật tử cầu kinh niệm Phật, phía trên có bức hoành phi: Liên Bảo Trang Huy. Hai cột bên có treo câu đối: Phật thị thánh nhân thượng sớ đường thần cư thổ địa. Pháp vần vương cầu trung Hán sử vãng tây phương. Gian kế bên là thờ Đức Thánh Hiền, phía trên có treo bức hoành phi: Minh Thánh Tuệ Trí.

Ở đầu hồi phía nam, mới xây thêm một cung khi trùng tu năm 1977, do tượng Phật ở các chùa khác chuyển về đây trong những năm chiến tranh gồm: Tam Bảo, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Đức Ông, Phật Bà Quan Âm …

Phía ngoài sân, trước hồ Bán nguyệt là cung tòa Quan Thế Âm Bồ Tát.

Bài trí phủ thờ Thánh Mẫu qua trí nhớ của người dân:

Phủ thờ Thánh Mẫu ở sát phía nam Tam Bảo gồm có:

– Cung Đệ nhất: Có tượng thờ Tam tòa Thánh Mẫu, phía trên có bức hoành phi: Thức Thần Lường Hoá. Tượng chính giữa là Bà chúa Liễu Hạnh, tượng bên trái là Nữ thần Hồng Nương, tượng bên phải là Nữ thần Quế Nương.

– Cung Đệ nhị: Phía trên treo bức hoành phi: Tiên Thánh thần từ. Tượng thần Tứ vị chầu Bà, Ngũ vị tôn quan.

– Cung Đệ tam: Là bàn thờ Công đồng, phía dưới và hai bên thờ Quan Ngài, Bạch Hổ, Ngũ Lôi và Thanh Xà, Bạch Xà. Phía ngoài Tiền đường có các giá treo chiêng, trống. Hai bên là các giá cắm các bát biểu khi tế rước cùng các binh khí của các quan, các tướng ngày xưa như: gươm, chuỳ, kiếm… Phủ thờ hiện nay mới làm lại chỉ có hai cung: Cung trong thờ Tam tòa Thánh Mẫu như trước.

Bài trí nhà thờ Tổ:

Nhà thờ Tổ chùa Ngọc Đới trước đây có 7 gian, mỗi đầu hồi có 2 gian còn 3 gian giữa để thờ Tổ Sư. Phía trong cùng sát tường hậu là bệ thờ sư Tổ, phía ngoài cùng là bệ tụng kinh của các sư.

Tượng sư Tổ chùa Ngọc Đới: Lớp hàng trên cùng là Đức Bồ Đề Đạt Ma, hàng thứ hai là tượng Tổ khai sáng là Hòa thượng Thích Thanh Bồng.

Khu thánh địa chùa Ngọc Đới:

Khu thánh địa chùa Ngọc Đới được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX gồm 03 tháp ở giữa. Tháp nhỏ phía nam mới xây dựng vào những năm 60 của thế kỷ XX. Kế tiếp là tháp sư cụ Thích Đàm Ân.

Chùa Ngọc Đới còn gắn liền với biết bao sự kiện lịch sử oai hùng và đau thương của dân tộc. Khi phong trào Cần vương nổ ra, Phạm Bành (sinh năm 1830) cùng em rể là Hoàng Bật Đạt (sinh năm 1827) thủ lĩnh của nghĩa quân Ba Đình. Vùng Hậu Lộc, đã lấy chùa và làng Ngọc Đới làm căn cứ địa. Chùa Ngọc Đới trung tâm đại bản doanh của nghĩa quân, để họp các tướng lĩnh, các đầu mục, tổ chức tế cờ trước khi ra Ba Đình – Nga Sơn hợp với nghĩa quân của tướng Đinh Công Tráng tổ chức khởi nghĩa chống Pháp. Trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám, sư trụ trì chùa là cụ Thích Đàm Diêm đã nuôi giấu nhiều chiến sĩ cách mạng như ông Lê Chủ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Lê Tất Đắc, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính Thanh Hóa, ông Hoàng Xung Phong, Lê Hồng Quế… Trong kháng chiến chống Pháp, chùa Ngọc Đới còn ủng hộ rất nhiều tiền của cho kháng chiến, tích cực tham gia các phong trào “Lúa khao quân”, Công trái kháng chiến và nhiều phong trào khác.

Với nhiều thành tích nổi bật và những đóng góp to lớn của sư cụ Thích Đàm Diêm và chùa Ngọc Đới vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, chùa Ngọc Đới đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng có công với nước tại Quyết định số 1100/QĐ-TTg ngày 01/8/2001.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập I), CN. Trịnh Tiến Huynh
Chấm điểm
Chia sẻ
Chua Chon Thieng Thanh Hoa

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)