Chùa có tên chữ là “Vân Khánh Tự” được xây dựng ở đầu làng Nguyễn Xá trên thế đất cao và đẹp, có thế “Rồng chầu hổ phục“.
Kiến trúc
Chùa gồm 5 gian Tiền đường, 5 gian trung từ và 3 gian Hậu cung. Trong kháng chiến chống Pháp 5 gian Tiền đường bị hư hại. Nay di tích còn giữ được 5 gian trung từ và 3 gian Hậu cung.
Di hiện vật
Chùa còn lưu giữ được 14 pho tượng cùng với các đồ tế Tự như chuông đồng đúc năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799), có đường kính miệng chuông là 0,85 mét, cao 1,25 mét xung quanh chuông khắc hoa văn nổi, thân chuông khắc 7 chữ “Khánh Vân Tự kim chung minh ký“.
Trùng tu
Tại chùa còn giữ một bia, nóc bia được tạo dáng long đình, môi mặt bia rộng 60 cm, cao 100 cm, bia dựng năm Chính Hòa thứ 10 (1699), nội dung bia ghi công đức tạc tượng và trùng tu chùa. Áp sát tấm bia này là một bia đá chữ nhật mui luyện dày 0,15 mét, cao 1,1 mét, mặt trước rộng 0,80 mét, một mặt ghi công đức quan Nội giám (Trịnh Đăng Đông) tu bổ hậu đình, hậu chùa, văn bia do Lê Quý Đôn soạn năm Giáp Thân (1764) niên hiệu Cảnh Hưng.
Di tích quốc gia
Chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử nghệ thuật cấp quốc gia ngày 5-2-1994.
Tham khảo
- Trích “Phật giáo Hưng Yên xưa và nay”, tác giả Nguyễn Đại Đồng