Tên gọi và vị trí địa lý
Chùa Nguyên Xá có tên chữ là Thanh Lâm tự. Chùa tọa lạc tại làng Nguyên Xá, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 20km về phía Tây Bắc.
Trước Cách mạng tháng 8, Nguyên Xá là làng lớn nhất trong bốn làng (Nguyên Xá, Ngọa Long, Đình Quán, Văn Trì) hợp thành xã Phúc Diễn. Làng có 300 suất đinh trong tổng số gần 800 suất đinh của xã. Vì thế, làng được suy tôn là “trưởng xã”. Hiện ở cổng làng vẫn còn ba chữ Hán “Nguyên giả trưởng”.
Lịch sử
Theo truyền thuyết, ngôi chùa được xây dựng bởi một vị tướng quân thời Lê, ông đã quy y cửa Phật và xây dựng ngôi chùa này để tưởng nhớ công ơn của tổ tiên và cầu mong quốc thái dân an. “Thời Lê, Trịnh bị cướp phá, đến đời Tây Sơn được tu tạo, đúc chuông, tạc tượng, sửa sang thờ cúng. Quả chuông đúc niên hiệu Cảnh Thịnh 7 hiện vẫn còn ở chùa.”[1]
Kiến trúc cảnh quan
Chùa xây theo lối kiến trúc kiểu chữ “Đinh”, quay về hướng Đông, nền cao 0,4m. Tổng thể kiến trúc gồm: Tam Quan, Tiền Đường 5 gian, Thượng Điện 3 gian, Nhà Tổ, Nhà Mẫu và Giếng nước,… Kiến trúc theo kiểu vì kèo, cốn, và ván có chạm hình nổi hổ phù, rồng, hoa lá kiểu kiến trúc Lê Trung hưng.
“… Điêu khắc và các pho tượng mang đậm phong cách thời Lê. Trong chùa còn một quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ bảy (1799). Bài Minh trên chuông do Tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Chiêu Thống (1787) soạn ca ngợi cảnh đẹp của chùa và của làng Nguyên Xá.”[2]
Hiện vật
Trong chùa có 35 pho tượng, trong đó có 6 pho tượng thời Lê, còn lại 29 pho tạc đời Nguyễn, 13 tấm bia đá hậu Phật. Đáng chú ý chùa có quả chuông đồng lớn “Thanh Lâm tự chung” đúc năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) do Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1787) Trần Bá Lãm viết văn chuông, có đoạn viết: “Cạnh ấp tôi có thôn Nguyên Xá… vào mùa xuân năm Kỷ Mùi (1799) đúc xong chùa Thanh Lâm (nhờ viết bài văn). Tôi nghĩ rằng: Từ nhỏ vốn theo đạo Nho, đối với đạo Phật chưa hiểu biết. Đến tuổi trung niên gặp thời loạn lạc, thấy đồ đồng nhà Phật đều đem dùng vào việc quân quốc. Hồi đó quan binh đến chùa, ai cất giấu đồ đồng đều bị đánh đập, tra khảo, bị vơ vét hết năm này đến năm khác… thế mà chẳng bao lâu người ta đã đóng góp tiền của để đúc lại chuông đồng, tượng đồng các chùa đều phục hồi như cũ…”.[3]
Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ nhiều kinh sách Phật giáo quý giá, được chép tay trên giấy dó, là nguồn tài liệu quý báu cho nghiên cứu Phật giáo; các vật dụng thờ cúng gồm đỉnh đồng, lư hương, chân nến, bát hương… được chạm trổ tinh xảo, thể hiện sự tinh tế và tỉ mỉ trong nghệ thuật tạo tác của người xưa.
Xếp hạng
Chùa Thanh Lâm đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật năm 1989.
Chú thích
[1] Nguyễn Thế Long, Phạm Mai Hùng, Chùa Hà Nội, Nxb Văn hoá – Thông tin, 2005, tr. 219.
[2] TS Bùi Xuân Đính, “Làng Nguyên Xá”, báo Hà Nội Mới, ngày 26/11/2004.
[3] Lưu Minh Trị (Chủ biên), Hà Nội Danh thắng và Di tích, tập 1, Nxb Hà Nội, 2011.
Tham khảo
- TS Bùi Xuân Đính, “Làng Nguyên Xá”, báo Hà Nội Mới, ngày 26/11/2004.
- Nguyễn Thế Long, Phạm Mai Hùng (2005), Chùa Hà Nội, Nxb Văn hoá – Thông tin.
- Lưu Minh Trị (Chủ biên), 2011, Hà Nội Danh thắng và Di tích, tập 1, Nxb Hà Nội.