Chùa Nứa (Đỗ Linh tự – Phúc Thọ, Hà Nội)

Chùa Nứa (Đỗ Linh tự – Phúc Thọ, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Chùa Nứa tên chữ là Đỗ Linh tự thuộc thôn Đông, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Ngôi chùa được khởi nguồn do dòng họ Đỗ dựng lên để thờ Phật và thờ một nhân vật trong dòng họ Đỗ có công với dân làng và là người xây dựng chùa Nứa, trải qua thời gian chùa trở thành tài sản tín ngưỡng, tôn giáo, nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của một cộng đồng làng xã Phụng Thượng.

Huyện Phúc Thọ cách trung tâm thành phố khoảng 35km, di chuyển theo hướng Ql32, huyện nằm bên bờ hữu ngạn của sông Hồng và sông Đáy. Đây là vùng đất in đậm dấu vết của khởi nghĩa Hai Bà Trưng và nhiều anh hùng thủ lĩnh của nghĩa quân chống Pháp.

Lịch sử

Chùa Nứa khởi nguồn được dựng lên để thờ Phật và nơi thờ Tổ tiên của dòng họ Đỗ, đây được coi là ngôi chùa rất đặc biệt, khác với các ngôi chùa truyền thống của Việt Nam. Chùa Nứa là sự dung hòa giữa việc tôn vinh Phật pháp với sự tri ân công đức tổ tiên của một dòng họ.

Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong dòng họ Đỗ thì vào đời Lê tại thôn Đông có một dòng họ Đỗ nổi tiếng giàu có, giữ đúng lễ nghi, mọi người đều theo học thi thư lễ nhạc. Trai đinh trong họ thì thông tổ đạo lý Thánh hiền, con gái thì hiền thục nết na, mặn mà cầm sắt.

Thời ấy, trong dòng họ có một người ưu tú có tên là Đỗ  Phúc Tam, tự là Phúc Hồng theo nghiệp bút nghiên, chuyên tâm đèn sách, công tâm quảng đại, nhờ vậy sau đó ông được phong vị thế ở chốn quan trường, của cải vật chất dư thừa. Sau đó ông đã quy hoạch điền trang và mang của cải của mình làm việc thiện, lập nơi thờ Phật, với mong muốn để lại phúc đức cho đời sau.

Ở vị trí ông lập ngôi chùa thờ Phật là một gò đất cao, cây giang, nứa mọc xung quanh gò đất, vì vậy dân gian gọi là chùa Nứa. Sau khi ông mất dân làng đã lập thờ ông tại chùa để tưởng nhớ tới công lao của ông.

Kiến trúc

Chùa Nứa nằm ở giữa cánh đồng canh tác của dân làng, vị trí thoáng mát, kiến trúc chùa được xây theo kiểu chữ Quốc, kết cấu theo hình vuông khép kín, về mặt kiến trúc chủ yếu bào trơn đóng bén và cuốn vòm để tạo độ bền chắc. Kiến trúc hiện nay bao gồm: Cổng, Tháp, nhà Tổ, Tiền đường, Tả hữu hành lang và Thượng điện. 

Cổng chùa Nứa hiện nay là công trình mới được hưng công theo kiểu nghi môn trụ biểu giống với kiến trúc cổng ở đình làng. Ở sân trước cửa ra vào chính của chùa được xây dựng toà tháp, đây là một công trình nổi bật được xây bốn tầng, ở bốn góc mái trên cùng được trang trí linh vật, trên đỉnh tháp đặt tượng Quan Âm.

Tiền đường là một ngôi nhà ngang để trống, cuối Tả hữu hành lang đặt hai pho tượng khuyến thiện, trừng ác, hệ thống tượng Phật được bài trí theo mô típ truyền thống và có kích thước vừa không quá lớn, ở vị trí cao nhất Phật điện là bộ tượng Tam thế, lớp thứ hai là bộ tượng Di Đà Tam Tôn, lớp thứ ba là tượng Quan Ảm Chuẩn đề, lớp thứ tư là tượng Ngọc Hoàng Thượng đế và lớp thứ năm là tòa cửu Long và tượng Thích Ca sơ sinh.

Lễ hội

Trong hai ngày từ 15 đến 16 tháng Chạp hàng năm chùa Nứa là nơi diễn ra ngày giỗ cụ Tổ, mọi công việc chuẩn bị và điều hành lễ hội đều do Ban Khánh tiết của dòng họ Đỗ gồm 7 thành viên đảm nhiệm.

Các thành viên đều là những người già có vai vế và có uy tín trong dòng họ, địa phương. Quá trình thi lễ, các quy định về bao sái, nước tế, khăn lễ, đồ lễ, viết Văn tế, độc văn, hóa văn tế cũng như về lễ phục và tuần tự đều được chuẩn bị hết sức nghiêm ngặt.

Di vật

Trải qua thời gian lịch sử, hiện tại chùa Nứa giữ lại được 1 số hiện vật quý gồm: 1 ngai thờ, 4 bát hương Thổ Hà, 1 bức hoành phi, 1 đôi câu đối, 1 đôi chân đèn, 1 đôi hạc thờ, 1 chuông đổng và một số di vật khác.

Thông qua hệ thống di vật, chúng ta thấy rõ lòng kính ngưỡng đối với đức Phật cũng như sự tri ân công đức tổ tiên của con cháu dòng họ Đỗ và nhân dân địa phương. Chùa Nứa hiện nay là nơi đón nhận nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân và đóng vai trò rất quan trọng như một bảo tàng thu nhỏ để gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý, các di vật cổ có giá trị văn hoá lịch sử.

Tài liệu tham khảo

  1. Những di sản văn hóa huyện Phúc Thọ phần 2, Thái Nguyễn Việt, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ
chua Nưa

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)