Chùa Phạm Xá (Ý Yên, Nam Định)

Chùa Phạm Xá (Ý Yên, Nam Định)

Thông tin cơ bản

Vị trí

Chùa Phạm Xá thuộc thôn Phạm Xá, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Lược sử

Đình – Đền – Chùa Phạm Xá là Cụm di tích được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia năm 2000. Trong đó, đền thờ 2 vị đại khoa là Phạm Đạo Phú và Phạm Nguyên Bảo; chùa thờ Phật; đình thờ Triệu Việt Vương. Đối với dân làng Phạm Xá nói riêng và người dân xã Yên Nhân nói chung, việc lập đình thờ Triệu Việt Vương là sự tri ân công đức lập làng, đắp đê, khẩn hoang ruộng đồng của đức vua đối với mảnh đất này. 

Theo thần tích, Đình Phạm Xá ban đầu được làm bằng vách đất, mái tranh. Đến đời Vua Minh Mệnh (1837) xây tòa hậu cung và tòa đệ nhị tường gạch, mái ngói; đời Vua Khải Định (1921) xây thêm tòa bái đường có quy mô bề thế như ngày nay. 

Kiến trúc

Đình Phạm Xá có kết cấu kiểu “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh” với vật liệu chủ yếu là đá xanh, gỗ lim và ngói nam. Tòa tiền đường rộng 12,3m, dài 18,6m, chia làm 5 gian với 6 bộ vì kèo bằng gỗ lim; hệ thống cột đá thân vuông có khắc câu đối và các họa tiết trang trí: tứ linh, phượng hàm thư, vân ám… Tòa trung đường kiến trúc kiểu 8 mái, đầu đao được uốn cong mềm mại. Trên các bức mê cốn, xà lòng, xà lách được chạm khắc hoa văn lá lật, ô trám, chữ Thọ và triện tàu lá dắt. Tòa cung cấm 3 gian kiến trúc kiểu “tiền đao, hậu đốc”. Tại di tích hiện còn bảo lưu được nhiều đồ thờ tự có giá trị, tiêu biểu như: pho tượng Triệu Việt Vương bằng đồng, 2 pho tượng Nguyễn Phúc và Nguyễn Lộc (hai người cháu của Triệu Việt Vương có công phò giúp ông đánh giặc Lương), kiệu bát cống chạm rồng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII – XVIII. 

Giá trị văn hoá

Phát huy giá trị di sản văn hoá, hằng năm, các di tích thờ Triệu Việt Vương ở huyện Ý Yên đều diễn ra lễ hội tưởng nhớ ngày mất của ông. Xã Yên nhân có 4 di tích thờ Triệu Việt Vương nên cứ từ ngày 12 đến ngày 15-8 âm lịch hằng năm, UBND xã lại long trọng tổ chức lễ hội. Đây là lễ hội có quy mô lớn của cả vùng. Ngày hội có nghi thức rước kiệu bát cống của các làng: Độc Bộ, Phạm Xá, Dương Phạm, Đống Cao, Đoài Thôn. Thành phần tham gia đoàn rước rất đông, gồm: cờ ngũ sắc, cờ thần, phụng nghinh, bát biểu, chấp kích, tế nam quan, tế nữ quan… Chính hội tại các di tích diễn ra vào ngày 13-8 âm lịch. 

Thời gian qua, Đảng uỷ, UBND các địa phương có di tích thờ Triệu Việt Vương trên địa bàn huyện Ý Yên đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích của quê hương trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ban quản lý di tích, Ban trị sự các dòng họ ở các địa phương thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn hướng dẫn học sinh dọn vệ sinh quanh khu vực các di tích; qua đó, giáo dục các em đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn tôn tạo các di tích được thực hiện đúng quy định, đảm bảo chất lượng, giữ được kiến trúc gốc.

Việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo những di tích thờ Triệu Việt Vương trên địa bàn huyện Ý Yên đã phát huy giá trị giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

  • Tham khảo theo cuốn “Lịch sử Phật Giáo Nam Định” – NXB Tôn Giáo
5/5 (1 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)