Chùa Phổ Chiếu – Lê Chân, Hải Phòng

Chùa Phổ Chiếu – Lê Chân, Hải Phòng

Thông tin cơ bản

Giới thiệu chung

Chùa Phổ Chiếu là một địa điểm du lịch tại Quận Lê Chân (Thành phố Hải Phòng thuộc vùng Đồng Bằng Sông Hồng). Cách trung tâm Thành phố Hải Phòng khoảng 1,5 km.

Lược sử


Chùa Chùa Phổ Chiếu (hay còn gọi là chùa Chiếu) toạ lạc phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Chùa có lịch sử hình thành khá muộn, vào đầu thập niên 50 của thế kỷ 20. Năm Quý Tỵ 1953, vị đại sư Ngô Chân Tử (thế danh Trần Văn Dĩnh) người làng Cao Mại, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đến đất này và mua lại vườn hồ thuộc khu vực Quán Nải của bà Năm Lò để dựng bản tự, lúc đầu gọi là Tam Giáo đường, thờ Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo, truyền bá kinh Thiên Đàn nhưng chủ yếu là pháp môn niệm Phật. Lúc đầu Tam Giáo đường do 2 vị đại sư xây dựng gồm đủ: chính điện, giảng đường, tăng xá… cùng các công trình phụ trợ khác.

Trong thời gian đầu, đại sư họ Trần đã thụ được nhiều tăng ni. Đặc biệt nhà chùa là điểm thu nhận, dạy dỗ, cưu mang cho nhiều trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa. Năm Giáp Ngọ 1954, đại sư Ngô Chân Tử vào Nam lập đạo tràng hoằng pháp tại Hoóc Môn (Sài Gòn – Gia Định), vị Hoà thượng Thích Thanh Quang (thế danh Trần Đình Thấu), đệ tử của đại lão Hoà thượng Thích Thanh Quyết, pháp phái Lăng Lăng Sơn Môn Trà Lũ (huyện Xuân Trường, Nam Định) cũng là môn đồ của Sư tổ Tuệ Tạng tổ đình Vọng Cung (Nam Định) tiếp nhận Tam Giáo đường, đổi tên thành Phổ Chiếu tự, ý tưởng muốn tập trung, tu tập, hoằng dương Phật pháp.

Trước đây, trong khuôn viên chùa, từ năm 1929-1930 và 1939-1940, có một cơ sở bí mật của gia đình bà Hoàng Thị An đã nuôi giấu các chiến sỹ cách mạng là đảng viên cộng sản của Đảng bộ Hải Phòng như: Hoàng Sỹ Yết, Phạm Văn Ngọ, Nguyễn Nhật Toan, Hoàng Sĩ Lễ, Nguyễn Công Hoà…

Năm 1954 – 1955, Liên hiệp Công đoàn thành phố (nay là Liên đoàn Lao động) đã chọn địa điểm chùa Phổ Chiếu là nơi hội họp, chỉ đạo các cuộc đấu tranh chống địch di chuyển máy móc và cưỡng ép người di cư vào Nam.

Thời gian đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân (từ ngày 5/8/1964 đến năm 1972). Chùa Phổ Chiếu là một trong bốn căn hầm của Thành uỷ và Ủy ban nhân dân thành phố; Sở chỉ huy Công an thành phố. Đã có kỳ Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố họp tại chùa. Năm Kỷ Tỵ (1989), Hoà thượng viên tịch, đệ tử là Đại đức Thích Thanh Giác (thể danh Nguyễn Phúc Cầm) quê Thanh Lang, Thanh Hà, Hải Dương nối chí trụ trì bản chùa cho đến nay.

Kiến trúc

Phật đường chùa có kiến trúc kiểu chữ Công gồm:

  • 5 gian tiền đường
  • 3 gian ống muỗng
  • 3 gian hậu cung

Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có nhà tổ, khu giảng đường tăng xá, khu tháp với 4 ngôi (Từ Thị bảo tháp; Năng Nhân bảo tháp; Trung Thiên bảo tháp và Phổ Quang bảo tháp), toà tháp cửu phẩm liên hoa, liên hoa đài… Đặc biệt, khu hầm làm việc của Sở Công an Hải Phòng trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1964 – 1972) mới được tôn tạo, đặt bia nội dung nhân kỷ niệm 50 năm Hải Phòng giải phóng (2005).

Hệ thống tượng pháp chùa Phổ Chiếu hoàn chỉnh được sắp xếp khoa học theo quy tắc nhà Phật. Từ trên xuống ta có các hàng tượng, pho tượng: Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn, Quán Âm Niêm Hoa, toà Cửu Long và tượng Thích Ca Sơ Sinh và các pho tượng khác như: Quán Âm Nam Hải, Quán Âm Tọa Sơn… Ngoài ra còn có chuông đồng, bia đá là những hiện vật tân tạo. Với giá trị lịch sử kháng chiến, giá trị văn hoá sâu sát, chùa đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng là Di tích Lịch sử Kháng chiến cấp Thành phố năm 2005.

Nguồn: Chùa cổ Hải Phòng tập 2 – Nxb Hải Phòng 2017

5/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)