Giới thiệu
Chùa Phong Phạn, thường gọi chùa Cơm hay chùa Lách, ở bên rú Cơm, làng Kẻ Lách, tức xã An Lạc, tổng Tam Xuân, nay là Thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân.
Ngôi chùa cổ
Sách Nghi Xuân địa chí chép: “Phía Tây chùa sát đường quan cái”, đi xuống bến đò Lách. Sách Nghi Xuân huyện thông chí cho biết thêm: (Trước chùa có ao) “Ao không sâu nhưng nước trong suốt. Núi không cao mà cây cối xanh biếc. Trèo lên lầu chuông mà trông xa, cảnh trí rất đẹp. Du khách qua lại thưởng ngoạn, lúc nào cũng có. Đây là một nơi danh thắng vậy”.
Dưới núi, mé sông Lam, có hai hòn đá lớn, gọi là “Bến ngự”. Tương truyền, trên đường ra Vĩnh Dinh, vua Quang Trung nhà Tây Sơn đã dừng lại đây nên có tên gọi này.
Trong chùa, ngoài quả chuông lớn, người ta truyền, xưa, còn thờ một “hạt thóc” làm bằng gỗ, sơn, to như bắp chuối (?). Chưa rõ chùa dựng thời gian nào, nhưng muộn nhất cũng vào thời Lê Trung hưng.
Chùa bị tàn phá
Ngôi chùa danh tiếng này đã bị bom Mỹ đánh tan tành vào tháng 6/1969, rồi bị cơn lũ lớn cuốn trôi vào tháng 9/1978. Năm 2001, đoàn cán bộ khảo cổ tìm được dưới giếng chùa 1 pho tượng đá và 2 pho tượng gỗ, nhưng đều đã bị hư hại.
Ngôi chùa mới
Gần đây, chùa vừa được xây dựng lại gồm ba tòa nhà: Thượng đường ba gian, trên xây tháp chuông, thờ Phật, trung đường năm gian, thờ Thánh Mẫu, và bái đường ba gian. Cả ba tòa nhà đều bằng gỗ, xây tường, lợp ngói. Bên cạnh có nhà khách khá khang trang. Trước sân chùa có tháp mộ ba vị sư trụ trì và viên tịch ở đây. Ngoài cùng là tam quan. Quanh chùa cây cối xanh tốt.
Tham khảo
- Trích sách “Chùa cổ Hà Tĩnh”, tác giả Thái Kim Đỉnh