Chùa Phú Chung (Chùa Đồng Bông – Sầm Sơn, Thanh Hoá)

Chùa Phú Chung (Chùa Đồng Bông – Sầm Sơn, Thanh Hoá)

Chùa Phú Chung hay còn gọi là chùa Đồng Bông tọa lạc trên địa bàn làng Phú Xá, xã Quảng Đại, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, xưa chùa được tọa lạc giữa cánh đồng Bông, vì thế dân làng quen gọi chùa là chùa Đồng Bông. Mặt khác, đây còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng chung của ba làng: làng Tràng Thái, làng Yên Nam, làng Thủ Phú (hay còn gọi là Phú Xá), cho nên chùa còn được gọi là chùa Phú Chung.

Địa lý

Làng Phú Xá được thành lập từ đầu thời Nguyễn, gồm phần đất phía đông sông Rào của các xã Quảng Hùng (một phần), Quảng Đại (toàn bộ) và một phần Quảng Hải ngày nay. Đầu thế kỷ XX (cuối nhà Nguyễn) được tách ra lập thành các làng Hải Nhuận, Yên Nam (nay thuộc xã Quảng Hải), phần còn lại đổi thành làng Thủ Phú (chủ yếu thuộc địa phận xã Quảng Hải), thuộc tổng Thủ Hộ. Tuy thay đổi tên làng nhưng tên Phú Xá vẫn được nhân dân gọi song song với tên Thủ Phú. Năm 2015, xã Quảng Đại chuyển về thuộc thị xã Sầm Sơn. Làng Phú Xá, xã Quảng Đại thuộc thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Hiện nay, làng Phú Xá bao gồm thôn 7, thôn 8 và thôn 9. Làng Phú Xá có tổng diện tích 0,7km2, tổng dân số khoảng 3.500 người. Làng cách khu du lịch Sầm Sơn 6km về phía nam; phía bắc giáp xã Quảng Hùng; phía nam giáp xã Quảng Hải; phía đông giáp Biển Đông; phía tây giáp sông Rào (sông nhà Lê). Với 1,2km đường bờ biển, nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng nhiều loại có trữ lượng lớn và giá trị kinh tế cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong làng phát triển mạnh ngành khai thác hải sản. Đồng thời, biển ở đây đẹp, độ dốc thấp, sóng nhẹ, quanh năm mát mẻ lại giáp với khu du lịch Sầm Sơn cho phép làng đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn liền với du lịch sinh thái.

Lịch sử dựng chùa

Về lịch sử xây dựng chùa, đến nay không còn tài liệu nào ghi chép cụ thể và chính xác về thời gian xây dựng. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, chùa Phú Chung có từ lâu đời, nằm trên một khu đất rộng, bằng phẳng (địa điểm hiện nay), xung quang là cánh đồng Bông rộng mênh mông. Trải qua thời gian dài dưới sự hủy hoại của thiên nhiên và biến thiên của lịch sử, chùa Phú Chung đã bị phá hủy vào năm 1960, nhiều hiện vật quý bị thất lạc. Những năm gần đây do đời sống của nhân dân được nâng cao, nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh ngày càng cao. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương bà con nhân dân và các nhà hảo tâm đã đóng góp công đức tôn lên lô nhang, xây các bệ thờ làm nơi thờ tự.

Kiến trúc

Chùa Phú Chung tọa lạc trên mảnh đất cao ráo rộng rãi 1200m2. Tuy chùa mới được tôn tạo lại những năm gần đây nhưng do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên kiến trúc của chùa hiện nay mới chỉ được xây mới quy mô đơn giản gồm: 5 bệ thờ để đặt tượng Phật và đồ thờ, phía trước được lát gạch bát để làm nơi bà con nhân dân phật tử tụng kinh lễ phật. Chùa được bao xung quanh 3 mặt và lợp mái bằng tôn, tạo nên kiến trúc hình chữ Đinh (J).

Hệ thống thờ tự

Chùa Phú Chung được bài trí gồm 5 lớp tượng mới bằng thạch cao:

Lớp thứ nhất: tầng cao nhất của bàn thờ ở chính điện, sát vách là ba pho tượng Tam Thế trong tư thế ngồi tọa thiền.

Lớp thứ hai: gồm 3 pho tượng gọi là Di Đà tam tôn. Bộ tượng này gồm có Đức Phật A Di Đà đặt chính giữa trong tư thế đứng thuyết pháp, tượng trưng cho sự sáng suốt hoàn toàn, tức là Trí. Bên là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, tượng trưng cho tình thương yêu muốn cứu khổ chúng sinh, tức là Bi. Bên phải là tượng Đại Thế Chí Bồ Tát, tượng trưng cho sức mạnh của ý chí, tức là Dũng. Ba vị này ngự ở cõi Tây Phương cực lạc, phóng hào quang để tiếp dẫn chúng sinh. Bộ tượng Di Đà Tam Tôn có ý nghĩa là giúp con người phát triển ba đức tính: Bi, Trí, Dũng trong bản thân mỗi con người theo đức Đại Bi, Đại Trí, Đại Dũng của ba vị ấy.

Lớp thứ ba: ở giữa là tượng Phật Thích Ca niêm hoa ngồi trên tòa sen, bên trái là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, bên phải là tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát, hai tượng được tạo tác đứng trên tòa sen. Bộ ba tượng này thể hiện cảnh Phật Thích Ca đang thuyết pháp.

Lớp thứ tư: tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay, với ý nghĩa có thể nhìn thấy mọi nỗi khổ của chúng sinh, giang tay cứu vớt hết mọi chúng sinh thoát khỏi bể khổ trầm luân.

Lớp thứ năm: đặt tượng Thích Ca sơ sinh. Theo truyền thuyết khi ngài mới giáng sinh, có chín con rồng xuống phun nước cho ngài tắm, đoạn ngài đi bảy bước tay tả chỉ lên trời, tay hữu chỉ xuống đất mà nói rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời dưới trời, chỉ có Phật tính trong ta là quý hơn cả).

Hai bên đặt hai tượng Hộ pháp là những vị thần bảo vệ phật pháp, mặc giáp trụ, cầm vũ khí, được đắp vào tường. Tượng vị trí bên trái là Khuyến Thiện (gọi tắt là ông Thiện), tượng vị trí bên phải là Trừng Ác (gọi tắt là ông Ác).

Hiện nay, một số đồ thờ và nguyên vật liệu của chùa cũ vẫn được lưu giữ tại di tích như: 01 khánh đá đã bị vỡ (cũ): dài 83cm, rộng 60cm; 01 bát hương đá vuông (cũ): vuông 16cm x 20cm, cao 10cm; 02 bát hương tròn (cũ): cao 17cm, đường kính miệng 17cm, đường kính thân 23cm; 06 đá tảng (cũ); 02 đá lan giai (cũ) v.v…

Văn bia

Hiện tại, tại chùa Phú Chung (chùa Đồng Bông) đang lưu giữ một tấm bia mới được tìm thấy. Tuy nhiên, do tấm bia lâu ngày nằm dưới mặt đất và bị người dân mang ra làm cầu nên đã bị vỡ thành nhiều mảnh. Hiện tấm bia tạm ghép lại được ¾ tấm, ¼ còn lại vẫn chưa tìm được. Do mảnh ¼ chữ Hán bị mất là phần ghi chép về tên chùa nên chưa thể khẳng định chắc chắn đây là tấm bia của ngôi chùa nào. Theo các cụ cao niên trong làng cho rằng đây chính là tấm bia của chùa Phú Chung đã mất trước kia.

Bia có kích thước 1,25m x 0,70m, tấm bia được khắc chữ Hán cả 2 mặt, mỗi mặt khoảng 12 dòng, mỗi dòng khoảng 14 chữ. Nội dung bia ghi khái quát về lịch sử ngôi chùa và khắc tên những người có công quyên góp tiền của để trùng tu ngôi chùa.

Về nội dung văn bia, vì chữ mờ, chữ mất khá nhiều cho nên xin dẫn đại khái về nội dung như sau:

Tên bia: (?) tự bi ký – (bia ghi chép về chùa…), của xã Phú Xá, tổng Thủ Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Bia được khắc ngày 15 tháng Giêng, niên hiệu Tự Đức thứ (?). Vì phần ghi niên đại của bia bị vỡ mất một chữ chỉ còn lại số hàng đơn vị là số 5, nên có thể chùa được trùng tu vào niên hiệu Tự Đức thứ 15 (1862) hoặc năm thứ 25 (năm Nhâm Thân 1872) và cũng có thể là niên hiệu Tự Đức năm thứ 35 (năm Nhâm Ngọ 1882). Đoạn đầu của mặt trước tấm bia ghi sơ lược về lịch sử ngôi chùa, ngôi chùa này được xây dựng trên một nơi thắng địa, cổ kính, rêu phong qua các triều đại, các tòa bằng đá đứng độc lập, việc trùng tu được làm trong 3 tháng là xong. Vậy nên mới ghi chép việc này vào bia đá để lại mãi mãi cho con cháu sau này. Đoạn sau của mặt trước và toàn bộ mặt sau của tấm bia ghi tên những người công đức cho chùa.

Chùa Phú Chung mặc dù đã bị hủy hoại bởi những biến thiên thăng trầm của lịch sử nhưng những hiện vật quý được lưu giữ tại đây đã minh chứng cho sự tồn tại của ngôi chùa. Việc tôn tạo lại chùa Phú Chung cũng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của bà con nhân dân, Phật tử trong và ngoài địa phương.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập IV), Lê Ngọc Hà

     

Chấm điểm
Chia sẻ
chua-chon-thieng-thanh-hoa

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.
Hình ảnh
Video

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *