Chùa Phú Lâm (Yên Sơn, Tuyên Quang) 

Chùa Phú Lâm (Yên Sơn, Tuyên Quang) 

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý 

Chùa Phú Lâm tên chữ là Quang Sơn tự, nhân dân trong làng còn gọi là chùa Ba Ông Bụt, toạ trên đồi chè thuộc Nông Trường Tháng Mười, tại xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Chùa Phú Lâm là một trong 7 di tích cổ có niên đại thời Trần tại tỉnh Tuyên Quang, hiện tại Hoà thượng Thích Gia Quang, Phó chủ tịch HĐTS – GHPGVN làm trụ trì. 

Lịch sử 

Chùa Phú Lâm được xây dựng vào thời nhà Trần (thế kỷ XIII – XIV) tồn tại đến cuối thế kỷ XIX thì chỉ còn lại phế tích. 

Đến đầu thế kỷ XX, dân làng cùng nhau góp công sức dựng lại ngôi chùa từ tre, nứa để phục vụ nhu cầu thờ Phật, đến năm 1960 do cần diện tích để khai hoang trồng chè trên Nông Trường, ngôi chùa lại tiếp tục bị phá dỡ, chỉ giữ lại nền chùa.

Căn cứ vào khảo cổ học đã phát hiện, đây là ngôi chùa cổ cùng với hệ thống di vật cổ được tìm thấy, đây là nguồn sử liệu quan trọng góp phần tạo nên lịch sử, văn hoá Việt Nam. Do vậy ngày 10 tháng 3 năm 2005, chùa Phú Lâm được bảo tàng tỉnh Tuyên Quang cùng các cấp chính quyền huyện Yên Sơn khoanh vùng bảo vệ và gìn giữ. Đến ngày 2 tháng 8 năm 2017 UBND huyện Yên Sơn ra quyết định phê duyệt quy hoạch phục dựng lại di tích chùa Phú Lâm  do ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tuyên Quang đứng ra xây dựng. 

Kiến trúc

Chùa Phú Lâm cũ có kiến trúc hình chữ Đinh, các hoạ tiết kiến trúc được trang trí tỉ mỉ, ngày nay ngôi chùa mới hiện tại vẫn được xây trên nền nhà cũ, nền đất được nâng cao hơn so với mặt đất khoảng hơn 1m, các kiến trúc của chùa hiện nay gồm: Tam Quan, Nhà Tổ, Tam Bảo, Nhà Mẫu. Tổng khuôn viên ngôi chùa rộng thoáng, có nhiều cây cối xung quanh. 

Tam Quan

Từ mặt đường để bước lên Tam Quan gồm có 7 bậc thềm, thiết kế Tam Quan theo truyền thống của chùa Việt, với 3 cửa vào có diện tích lớn, uốn mái vòm, trên mỗi cửa là tầng gác mái có diện tích nhỏ hơn thiết kế 2 tầng 8 mái.

Tam Quan chùa Phú Lâm có diện tích lớn, chiều cao cổng khoảng hơn 6m, trên đỉnh các cột trụ có cấu trúc lồng đèn, trang trí hình chim phượng, ở thân cột được khắc các dòng chữ Hán chạy dọc thân cột. Phần gác mái của hai cửa phụ được nối với gác mái cửa chính ở giữa bằng cầu thang, tổng Tam Quan gồm có 24 mái, lợp ngói đỏ, các đầu đao uốn cong, gắn hình rồng. 

Qua cổng Tam Quan là khoảng sân rộng trước thềm Chính điện Tam Bảo, tại khoảng sân có kiến trúc nhà Lầu được thiết kế mô phỏng theo kiến trúc “Chùa Một Cột” còn có tên gọi khác là Liên Hoa Đài. Đây được coi là kiến trúc độc đáo của chùa Phú Lâm, điện thờ đặt trên một cột trụ duy nhất ngự trên hồ nước, xung quanh hồ được xây bức tường rào, từ sân nối ra Lầu là cầu bắc ngang qua hồ nước. 

Tam Bảo

Phía sau kiến trúc Nhà Lầu là tòa Tam Bảo kiến trúc chữ Đinh, 2 tầng 8 mái, nền nhà làm cao hơn nền sân gồm 5 bậc thềm lên xuống. Toà nhà được xây dựng với lối kiến trúc dãy hành lang ở hai bên và phía trước, được chống đỡ bằng các cột trụ. Mái lợp ngói đỏ, các đầu đao uốn cong gắn hình rồng, bên cạnh đầu đao có gắn hình con xô, trên đỉnh mái ở giữa có gắn tấm trụ biểu có khắc chữ Hán, hai bên góc mái gắn hai con kìm ở hai bên. 

Nhà Tổ 

Nhà Tổ là dãy nhà nằm bên cạnh Tam Bảo, tòa gồm 1 tầng mái, gồm hai cột trụ biểu hai bên trước đầu đốc, ở hiên nhà được chống đỡ bằng cột, bên trong có 5 ban thờ: Chính giữa thờ Đức Phật Thích Ca; bên trái là ban thờ Tổ Huyền Quang (sinh năm 1254 mất năm 1334, tên thật là Lý Tái Đạo, là một thiền sư, nhà lãnh đạo Phật Đại thừa ở Đại Việt thời Trần); Tổ Trần Nhân Tông (tên khai sinh là Trần Khâm, tự là Thanh Phúc, là vị vua thứ ba của nhà Trần nước Đại Việt; bên phải thờ Tổ Pháp Loa (còn có tên là Minh Giác hay Phổ Tuệ Tôn giả, là một thiền sư, nhà lãnh đạo Phật giáo Đại thừa ở Đại Việt thế kỷ XIII) và một ban đang đặt tôn tượng đức Phật Đản sinh.

Nhà Mẫu

Nhà Mẫu gồm 5 gian, hai cột trụ có kích thước lớn đặt ở hai bên trước đầu đốc, thân cột có khắc chữ Hán, đến gian thờ Mẫu Liễu Hạnh (Thánh Mẫu Liễu Hạnh (chữ Hán: 聖母柳杏) hay Liễu Hạnh công chúa (chữ Hán: 杏公主) là một trong những vị Thánh quan trọng của tín ngưỡng Việt Nam.

Nhà Thiền Đường 

Dãy thiền đường gồm hai tầng, đây là nơi tu tập, nơi ở khi chư tôn thiền đức, thiện tín về chùa dự lễ

Vườn Tháp 

Khu Vườn Tháp nằm ở khoảng vườn phía sau, xây theo khuôn viên đất vuông, nền được lát gạch đỏ, bên trong có xây dựng 3 tòa tháp với lối kiến trúc gồm 3 tầng, diện tích tầng nhỏ dần lên trên, đây đều là những kiến trúc mới được xây dựng gần đây. 

Xếp hạng 

Chùa Phú Lâm được đón nhận bằng di tích khảo cổ học cấp tỉnh vào ngày 24 tháng 3 năm 2016. 

Tài liệu tham khảo

  • Chánh Thường, Chùa Phú Lâm địa danh tâm linh Tứ Xuyên, tạp chí nghiên cứu Phật học.
Chấm điểm
Chia sẻ
Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 3.2024 Chua Phu Lam Thang Canh Moi O Xu Tuyen 1 (1)

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)