Giới thiệu
Thánh Duyên là ngôi quốc tự có vị trí đẹp, nơi trời mây sông nước quyện hòa cùng phong cảnh Bụt. Chùa tọa lạc tại Thúy Vân sơn, ngọn núi được vua Thiệu Trị xếp hàng thứ chín trong 20 cảnh đẹp của xứ Huế, thuộc phường Đông Am, tổng Diên Trường, huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên. Nay là làng Hiền An, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Chùa được vua đặt tên là Thánh Duyên vì: “Thánh tức thị Phật, Phật tức thị Thánh, hữu thị Thánh phương khai Phật pháp chi sùng thâm; duyên bổn thị nhân, nhân bổn thị duyên, hữu thị duyên nãi khuyếch thiện nhân chi quảng bị”. Chính vua Minh Mạng đã ngự chế câu đối ấy và cho lồng chép vào nội dung văn bia để khắc vào bia đá “Ngự chế Thánh Duyên tự chiêm lễ” vẫn còn ở chùa.
Lịch sử
Chùa được xây dựng vào khoảng nửa sau thế kỉ thứ XVII, tức dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần với quy mô nhỏ. Đến tháng Giêng năm Nhâm Thân (1692) chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho tu sửa lại chùa, chùa lúc ấy có tên là Mỹ am sơn tự. Năm 1825, vua Minh Mạng cho xây dựng lại trên nền cũ đặt tên là chùa Thuý Ba. Năm 1836 vua Minh Mạng cho sửa lại, xây thêm Ðại Từ Các và Tháp Ðiều Ngự đặt tên là chùa Thánh Duyên.
Kiến trúc
Chùa Thánh Duyên được xây dựng theo phong cách kiến trúc Nguyễn đặc trưng “trùng thiềm điệp ốc”, với bố cục chùa (Thánh Duyên) – Các (Ðại từ) – Tháp (Ðiều Ngự), là điều khác lạ so với các chùa thông thường là: tháp – chùa, phải chăng đây là thể hiện tư tưởng Tam giáo đồng nguyên trong kiến trúc Phật giáo.
Cổng tam quan của chùa nằm ở lưng chừng núi, được xây dựng theo dạng cổ lâu đặc trưng của xứ Huế. Chính điện của chùa năm gian hai chái với la thành bao quanh. Trong chính điện có ba án thờ và hai án tòng sự thờ Phật Tam Thế, Quan Âm, 18 vị La Hán… Đặc biệt, tượng 18 vị La Hán có đầu bằng đồng. Phía sau chính điện có lối dẫn lên các công trình tiếp theo ở trên núi. Lối đi được lát bằng đá rợp bóng cây rừng dẫn lên Đại Từ Các. Đây là một khu nhà cấu trúc ba gian có nghi môn và la thành bao quanh, bên trong thờ Phật và Bồ tát. Từ Đại Từ Các tiếp tục đi lên sẽ đến Tháp Điều Ngự ở đỉnh núi.Đây là một tòa tháp 3 tầng, cao khoảng 12m. Điều Ngự là một trong mười danh xưng của Đức Phật nhưng cũng có ý nghĩa là nơi để vua điều phục và chế ngự tâm. Khi tâm đã được chế ngự thì không có việc gì không làm được.Trên đỉnh tháp ngày xưa có dựng trụ đồng đặt pháp luân chuyển động theo gió, kèm theo hệ thống chuông lắc. Khi gió thổi pháp luân xoay, âm thanh của tiếng chuông sẽ vang vọng gần xa.Sau tháp có một ngôi đình nhỏ, gọi là đình Tiến Sảng.Trước đình có bình phong long mã, xung quanh có la thành.
Chùa chính có 3 án thờ và 2 án tòng sự thờ Phật Tam Thế, Quan Âm, 18 vị La Hán…, đặc biệt là tượng 18 vị La Hán đầu bằng đồng.
Từ đỉnh núi Túy Vân có thể ngắm nhìn khung cảnh thơ mộng của đầm Cầu Hai bao quanh chân núi. Với những giá trị lịch sử, kiến trúc và cảnh quan đặc sắc. Năm 1996, di tích này đã được Nhà nước công nhận là di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 310QÐ/BT ngày 13-2-1996. Ngày nay, đến với thắng cảnh này du khách không chỉ được đắm mình trong cảnh Phật an nhiên để tĩnh tâm, gột rửa mọi muộn phiền, mà còn có cơ hội được khám phá vẻ đẹp bình dị mà nên thơ của những xóm chài ven phá Tam Giang, vùng đầm phá rộng lớn và kì bí nhất Đông Nam
Tham khảo
- https://thuathienhue.gov.vn/vi-vn/Thong-tin-du-dia-chi/tid/Chua-Thanh-Duyen/newsid/09C7194B-D067-4C65-B058-5BD8655E1F2A/cid/010ADD5E-B8C1-4D12-81DD-05B7BBAB942B
- https://phatgiao.org.vn/chua-thanh-duyen-hue-d30211.html
- http://chuaviettoancau.com/chua-mien-trung/chua-thanh-duyen-thua-thien-hue-342.html