Chùa Phúc Khánh (Phúc Khánh tự – Yên Viên, Gia Lâm)

Chùa Phúc Khánh (Phúc Khánh tự – Yên Viên, Gia Lâm)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý 

Chùa Phúc Khánh thuộc tổ dân phố cơ khí Yên Viên, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, đây là ngôi chùa rất đặc biệt nằm trong khu tập thể của nhà máy cơ khí Yên Viên, được sư thầy trụ trì và các công nhân viên chức đứng ra xây dựng chùa vào năm 2010. 

Thầy Thích Thanh Hải hiện đang trụ trì của chùa Phúc Khánh

Lịch sử 

Theo tư liệu người dân là Phật tử tại chùa Phúc Khánh cung cấp thì vào năm 2000, cụ Nguyễn Hữu Thêu là hội trưởng hội Phật tử và hội phó Nguyễn Thị Chẵn cùng nhiều cụ trong hội đã đứng ra quyên góp đứng ra xây một ngôi miếu nhỏ để hương khói thờ Phật nhằm cầu phúc an lành cho mọi người. 

Nhiều năm sau thầy Thích Thanh Hải đi ngang qua và thấy trong miếu có thờ Tam Thế Phật và cho rằng đây là một ngôi chùa, không phải miếu vì vậy đến năm 2010 thầy cùng toàn thể nhân dân đứng ra xây dựng chùa rộng và thêm nhiều toà nhà hơn. Sau khi xây dựng xong chùa vẫn chưa có sư trụ trì, hàng ngày nhân dân thay phiên nhau vào trông coi, lên đèn hương, cúng cháo, thỉnh chuông. 

Sau nhiều năm xây dựng, ngôi chùa mới được Hội Phật giáo công nhận đây là ngôi chùa nằm trong danh sách hội Phật giáo, từ đó ngôi chùa mới đón được thầy Thích Thanh Hải là sư trụ trì đầu tiên của chùa Phúc Khánh. 

Các giai đoạn năm 2014 – 2020 ngôi chùa đã được tôn tạo, tu bổ lại các kiến trúc trở lên khang trang hơn.

Kiến trúc 

Chùa Phúc Khánh là ngôi chùa mới được xây dựng vào năm 2010, các kiến trúc cũng được xây theo kiến trúc hiện đại. Các kiến trúc bao gồm: Tam bảo, nhà khách, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, cổng Tam quan, nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, nhà kho. 

Cổng Tam quan 

Rẽ vào con đường vào tổ dân phố là cổng chào gắn tên chùa Phúc Khánh, đi vào tầm 100m là đến cổng Tam quan của chùa. Cổng chùa được xây dựng với diện tích rộng khoảng 12m, cổng chính ở giữa và hai cổng phụ hai bên. 

Cổng chính ở giữa được tạo bởi hai cột trụ cao 2,5m, cổng không có mái, diện tích rộng nhất, hai cột trụ chạm nổi hoa văn và khắc chữ Hán, đỉnh trụ gắn hình búp sen, cánh cửa làm bằng sắt, khắc rỗng các hoa văn. Nối với cổng chính là hai bên dãy tường gần 3m, trong dãy tường gồm có 2 cột trụ cao 1m nối liền nhau, trên thành tường được đắp nổi hoa văn rồng, hoa sen.  

Qua dãy tường thấp nối liền với hai bên cổng phụ, cổng phụ được xây kiểu 2 tầng mái, cổng có diện tích nhỏ hơn cổng chính. Mái cổng là hệ thống mái đắp giả kiểu ngói ống bằng xi măng, ngăn cách giữa 2 tầng mái là đắp nổi chữ “ từ bi môn”, hai bên đỉnh mái cổng phụ là được gắn hình bánh xe Chuyển pháp luân (đây được coi là biểu tượng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 

Án thờ tượng Bồ tát 

Qua cổng Tam quan, vị trí nằm ở bên trái cổng là án thờ Bồ tát, Tượng bồ tát được đặt trên bệ đá cao 1m, tượng với dáng đứng thẳng, một tay giơ niệm phật, một tay cầm bình cam lộ hướng xuống đất. 

Trước tượng có đặt một hương án bằng đá, là khối đá hình chữ nhật ngang, được khắc hoa văn nổi, mặt hương án được tạo kiểu cuốn thư, bên hương án đặt các dồ thờ cúng. 

Án thờ Địa Tạng 

Nằm trong sân trước tòa Tam bảo, đối diện với tượng Bồ tát, bên phải cổng tam quan là án thờ Địa tạng đặt trên bệ hình chữ nhật dài 2m, cao 60cm, toàn bộ bệ được lát gạch đá hoa. 

Tượng Địa Tạng với dáng đứng thẳng, tay cầm trượng, trên ban bày các đồ thờ cúng, đèn…

Sân chùa

Qua cổng Tam quan là một khoảng sân hẹp lát gạch đỏ, khoảng sân được lợp mái tôn, sau cánh cổng chính của Tam quan, trước mặt tòa tam bảo có dựng một bức bình phong dạng cuốn thư, đặt trên bệ đá, trên cuốn thư được trang trí nổi hoạ tiết rồng mây, phía trước bậc thềm tòa tam bảo có đặt một lư hương lớn và hai cây đèn đặt hai bên.

Ngoài ra tại khoảng sân trước tòa tam bảo có đặt gác chuông bằng gỗ cao khoảng hơn 2m, ở giữa có treo một quả chuông đồng, và một chày kình bằng gỗ dùng để đánh chuông, đây là chuông mới đúc có hoạ tiết trang trí cầu kì, quai chuông là hình rồng uốn, phần này là móc nối với gác chuông, thân và miệng chuông được trang trí hoạ tiết rồng và hoa cúc. 

Tam bảo 

Qua cổng Tam quan là một khoảng sân hẹp lát gạch đỏ, khoảng sân được lợp mái tôn, sau cánh cổng chính của Tam quan, trước mặt tòa tam bảo có dựng một bức bình phong dạng cuốn thư, đặt trên bệ đá, trên cuốn thư được trang trí nổi hoạ tiết rồng mây, phía trước bậc thềm tòa tam bảo có đặt một lư hương lớn và hai cây đèn đặt hai bên. 

Tòa tam bảo nằm đối diện với cổng Tam quan, Tòa gồm 5 gian, kiến trúc hình chữ Đinh, nền nhà cao hơn nền sân 5 bậc thang, không có hiên, các cửa ra vào được làm cửa bức bàn bằng gỗ. Bên trong nhà, khung gỗ trên mái làm kiểu giá chiêng, gồm các cột cái tròn, các gian được làm cửa võng sơn thếp vàng, có trang trí dày các hoạ tiết hoa, lá, rồng nổi, các cột được được treo câu đối, trên cửa võng treo các bức hoành phi. 

Tòa tam bảo có các gian thờ gồm: Đức Thánh Hiền, tượng Hộ Pháp, Đức Ông, Phật Quan Âm… và nhiều các bức tượng khác được đặt trên các bệ cao và sơn thếp vàng, trên các ban thờ được đặt các đồ thờ cúng. 

Gian Hậu cung ở gian giữa được chạy dài vào phía trong, các bệ được xây các bệ từ thấp đến cao, trên đặt các tượng theo cấp bậc, các đồ thờ được trang trí lộng lẫy nhất so với các ban còn lại. 

Mái lợp ngói mũi hài. 

Nhà ăn, nhà bếp

Nhà bếp nằm bên tay trái của tòa Tam bảo, là một gian rộng, không có cửa, dựng bằng khung thép, mái lợp tôn, đây là nơi phục vụ cho việc đun nấu và ăn uống cho mọi người. 

Nhà Kho

Nhà kho nằm bên tay phải của tam bảo, là một gian rộng, xây đầu hồi bít đốc, lợp mái ngói đỏ, bên trong là nơi để đồ dùng, tất cả các vật dụng phục vụ cho chùa. 

Nhà Mẫu

Phía sau Tam bảo là một khoảng sân rộng, lát gạch đỏ, đây là khoảng sân của toà thờ Mẫu, nhà Tổ, nhà khách. 

Nhà Mẫu nằm bên trái sau lưng tam bảo, nhà gồm 3 gian, nền nhà sao hơn nền sân 3 bậc thềm lên xuống, nhà xây kiểu đầu hồi bít đốc, hiên nhà hẹp, đầu hồi hiên được trổ cửa ra vào, lợp ngói mũi hài. 

Bên trong các vì nóc được làm kiểu giá chiêng, các gian được làm kiểu cửa võng sơn thếp vàng, trang trí hoạ tiết rồng, mây, mỗi gian đặt bệ thờ lớn, bên trên đặt các tượng thờ và bày biện đồ thờ cúng. Các cột ở mỗi gian treo câu đối, trên cửa võng mỗi gian được treo bức hoành phi khắc chữ Hán. 

Nhà Tổ 

Nằm sau lưng và song song với tam bảo là dãy nhà Tổ, nhà 5 gian, đổ mái bằng, gồm 3 bậc lên xuống, hiên rộng, đây là dãy nhà duy nhất của chùa Phúc Khánh được xây hoàn toàn bằng gạch. 

Trong nhà nền lát gạch đỏ, một gian rộng đặt duy nhất một gian thờ, ở bên đầu đốc toà nhà đặt một gian thờ theo hướng nằm dọc, gian thờ gồm có 3 bậc bệ với kích thước lên cao dần, bên trên đặt các tượng Phật và di ảnh của người đã mất và các đồ thờ cúng. 

Đằng sau các bệ thờ, có dán một tấm biển rộng cao ghi nội dung “ Lễ hội chùa Phúc Khánh”. 

Nhà Khách

Đối diện với nhà Mẫu là dãy nhà khách 3 gian 2 chái, 3 gian giữa được làm cửa ra vào, 2 chái hai bên đầu đốc được xây kín và trổ cửa sổ. 

Nhà khách có hiên và lợp mái ngói mũi hài, bên trong nhà khung nhà bằng gỗ, các gian ngăn chia bằng các cột cái, gian giữa có đặt tượng thờ trên bệ gỗ, hai gian ở hai bên đặt bộ bàn ghế để ngồi tiếp khách. 

Lễ hội 

Tháng Giêng tại chùa tổ chức lễ cầu an 
Tháng tư lễ Phật đản
Tháng 7 lễ cầu siêu 
Ngày 14 tháng 8 là lễ khánh thành chùa
Tất cả các ngày lễ hội dân làng đều tập trung tại chùa để tổ chức lễ hội, làm cơm chay và cúng lễ lên chùa cầu may. 

2.3/5 (3 bình chọn)
Chia sẻ
Chua Phuc Khanh Yen Vien Gia Lam (17)

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)