Chùa Phúc Long (Tĩnh Gia, Thanh Hoá)

Chùa Phúc Long (Tĩnh Gia, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Chùa Phúc Long thuộc địa phận xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, phía bắc giáp xã Hải Châu, phía nam giáp xã Hải An, phía tây giáp xã Triêu Dương và phía đông giáp biển, có đường quốc lộ 1A đi qua.

Lịch sử

Từ thế kỷ XI – XIV Phật giáo được truyền bá rộng rãi trong nhân dân, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội, in đậm dấu ấn trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Phật giáo chiếm ưu thế, các nhà sư giữ vai trò quan trọng. Quan lại, tầng lớp quý tộc nhiều người bỏ tiền ra dựng chùa, cung tiến ruộng cho chùa. Sách Tên làng xã Thanh Hóa viết: Chùa Phúc Long thờ Phật xây dựng từ thời Lý ở một vị trí văn hóa đặc sắc.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép: Lỵ sở phủ Tĩnh Gia ở thôn Liên Xá, huyện Ngọc Sơn, trước ở xã Hải Châu. Năm Minh Mệnh thứ 4 dời đến thành Thổ Sơn, xã Văn Trai. Năm Tự Đức thứ 3 dời đến chỗ ở hiện nay. Như vậy lỵ sở phủ Tĩnh Gia từ thời Nguyễn về trước nằm ở xã Hải Châu. Xã Hải Châu trước đây gồm cả các làng ở phía bắc Tĩnh Gia, nay là các làng thuộc hai xã Hải Ninh và Hải Châu mới, đóng trên đất làng Năng Cải gần chợ Kho.

Chùa Phúc Long nằm ở lỵ sở phủ Tĩnh Gia trở thành trung tâm Phật giáo cho cả vùng, được dựng và phát triển suốt thời kỳ Đại Việt, khi mà nền nghệ thuật điêu khắc đã thực sự nở rộ ở các vương triều Lý – Trần – Lê thế kỷ XI – XVIII. Đó là lúc nền tự chủ dân tộc được xác lập, chế độ phong kiến tập quyền trung ương đã vững mạnh, bờ cõi đã định vị mở mang. Đó cũng là lúc các công trình điêu khắc và kiến trúc được kiến tạo khắp nơi, trong số những ngôi chùa thời kỳ này, chùa Phúc Long đã bảo lưu được khá nhiều di vật điêu khắc đá, in đậm dấu ấn nghệ thuật thế kỷ XVIII XIX.

Chùa Phúc Long vốn chứa đựng nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá, tuy không còn dấu ấn của vương triều phong kiến Lý – Trần nhưng nó đã được sáng tạo và bổ sung ở nhiều thế kỷ kế tiếp thời Lê – Nguyễn (thế kỷ XVIII – XIX), nên qua các di vật hiện còn ở chùa, có thể phần nào thấy được sự biến chuyển của nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật điêu khắc cổ.

Công trình điêu khắc và kiến trúc

Theo dấu vết nền móng cũ và miêu tả lại của các cụ cao tuổi đã từng trông coi chùa ở địa phương thì chùa Phúc Long có cấu trúc hình chuôi vồ gồm Tiền đườngChính điện, ở hướng nam nhìn về núi Bợm (núi Ngọc Sơn). Tiền đường có chiều dài 12m, rộng 4,5m; chính diện rộng 3,5m dài 8m. Phía trước chùa có khánh đá được treo trên cột trụ đá và Tam quan có gác chuông. Trong có nhiều pho tượng đá tỷ lệ bằng người thật như: pho Kim Cương, Tôn Giả, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu Năm 1947, do chiến tranh, ngôi chùa đã bị phá hủy, nhưng bởi sức bền của đá, may mắn một số di vật đáng kể đã được thời gian và lòng đất bảo quản. Những cột đá đã chạm khắc, những pho tượng, chân tảng đá còn sót lại cho phép ta đoán định phải còn số tượng lớn tương xứng với nó còn đang thất lạc. Số di vật điêu khắc đá còn lưu lại của chùa Phúc Long đã chứng minh trình độ nghệ thuật tạo hình trên đá, lấy ra từ đá những cái đẹp thực thể đầy quyến rũ.

Pho Nam Tào: Tượng bị gãy đầu, dân ở đây thường gọi là Ông Nam Tào, được chạm từ đá nguyên khối gồm cả tượng, ngai, chiều cao còn lại 1,01m ở thế ngồi trên đế đá vuông mỗi cạnh 0,45cm, phần ngai dựa cao 0,33 dày 0,2m. Tượng là chân dung vị quan văn mặc triều phục chạm hoa dây, vân mây, sóng nước toàn khối. Nuột nà và trau chuốt từng đường nét, cách điệu trong giản đơn mà vẫn rất thực trong hình khối, vương giả ở phong độ nhưng vẫn rất gần với thực tại và đời sống tinh thần con người.

Cái đẹp của nghệ thuật pho tượng đá này không chỉ dừng lại ở phong cách đĩnh đạc của chân dung, trau chuốt nét chạm hay tài tình trong tạo hình tạo khối mà còn mang tính nhấn mạnh sự vận dụng tiết kiệm và thật khéo léo trong bố cục số hoa văn trang trí trên y phục tượng mà người nghệ sĩ đã khoanh lại trong tác phẩm của mình, theo một ý thức lưu luyến truyền thống tạo hình thời Lý – Trần. Tượng ở thế ngồi, bờ vai tròn hơi xuôi, hai tay đặt trên đầu gối, tay phải úp xuống, tay trái đặt ngửa, các ngón tay hơi cong lên, thon thả, thể hiện sự nhàn nhã của người ít lao động, dải áo tay thụng buông nếp xuống tới bàn chân như đang chuyển động. Trên ngực trong tiết diện 0,20m x 0,15m, là đồ án điêu khắc một con chim phượng nhọn mỏ, lông đuôi và lông cánh uốn cong lưỡi liềm rất duyên dáng, phía trên và dưới có đài hoa 5 cánh và cuống hoa biến thành cụm mây cách điệu.

Dải áo từ thắt lưng chảy xuống trong tiết diện dài 0,37m, rộng 0,35m trùm lên cổ dày, nếp gấp được thể hiện bằng 3 đường cong chạm sâu, đều đặn suốt mép áo, ở giữa là 2 làn mây hình lưỡi lửa, hai bên đầu gối cũng là vân mây cách điệu hình lá đề nằm đối xứng. Vân mây dưới đai lưng, cánh tay, nét uốn của nếp áo cho ta thấy đường nét trang trí phát triển theo tuyến chuyển động của móc câu và các đường cong. Ở vị trí nào các nét chạm hoa văn cũng nêu bật được những đặc điểm thực theo đề tài miêu tả.

Pho tượng này không có nhiều dạng hoa văn, mà vấn đề là nghệ sĩ đã đặt hoa văn thật đúng chỗ. Mặc dù đã bị gãy đầu nhưng với nghệ thuật tạo dáng ngồi thong thả, tự nhiên cho thấy đây là một tác phẩm điêu khắc đẹp, cảm kích người xem. Chỉ một vài hoa văn vân mây hình móc câu và những đường cong uốn lượn theo tiết diện nhịp nhàng từ to đến nhỏ người nghệ sĩ đã gợi ý được phong cách cho cả một thời đại. Đây là pho tượng được làm vào khoảng thế kỷ XVIII XIX.

Trong nghệ thuật tạo hình và điêu khắc cổ, người nghệ sĩ thường mắc phải một nhược điểm là không chuẩn v tỷ lệ. Nhà điêu khắc thường tạc ngay vào đá tượng người mà họ chỉ hình dung trong tư tưởng và cảm xúc. Đa số họ không được nghiên cứu về giải phẫu, cho nên khi phác ra được phần thân của tác phẩm thì phần dưới còn ngắn quá buộc họ phải làm phần dưới chùn lại như người lùn. Thông thường bố cục hợp lý trong tạo hình là từ bờ vai đến thắt lưng bằng hoặc tương đối bằng 1/3 chiều dài từ thắt lưng đến gót chân. Tượng Nam Tào cao 1,01m, từ gót chân đến gối và từ đầu gối đến thắt lưng đều dài 0,32m. Như vậy pho tượng này được chạm khắc khá cân đối giữa tỷ lệ chân tay và thân hình, đây là một ưu điểm không nhỏ.

Hai pho tượng Kim Cương hộ pháp thể hiện đại thần lực hộ trì của Phật được các nghệ nhân tạo ra theo nội dung tư tưởng ca ngợi sức mạnh của con người. Về phong cách, trước hết đây là hai tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tuân thủ thế đối xứng, sắc cạnh trong đường nét, đồ sộ trong hình khối nhưng lại thanh thoát trong cái đẹp tổng thể, trong bố cục hài hòa. Hai pho được đặt trước cửa Tam Bảo, giống nhau ở mô típ điêu khắc nhưng khác nhau về kích thước hình khối. Một pho có chiều cao 1,37m vai rộng 0,42m. Từ mặt đế đến vai cao 1,05m, con lân làm đế ngồi dài 0,69m, cao 0,51m, đế tượng hình bát giác: 4 cạnh dài kích thước 0,52m, 4 cạnh ngắn kích thước 0,11m. Pho tượng kia cao 1,51m vai rộng 0,61m, từ mặt đế đến vai cao 1,16m, con lân làm đế dài 0,77m, cao 0,48m, đế tượng hình chữ nhật, cạnh dài 0,70m, cạnh ngắn 0,55m.

Thế nghiêm trang, các vị ngồi trên con lân mang ý nghĩa dựa vào trí tuệ để hành đạo, mang hình võ tướng mặc giáp trụ, chân đi vân sảo. Khuôn mặt tự tin và cảnh giác được nghệ nhân diễn tả tập trung bao quát ở đầu tượng Kim Cương, với chiếc cằm bạnh ra, hai mắt thao láo, lưỡng quyền nhô lên dữ tợn gây ấn tượng mạnh. Toàn bộ khuôn mặt được bó gọn trong vành đai trước của mũ giáp trụ, mỗi bên chạm 3 hình cánh răng cưa. Mũ hình tròn có chu vi 0,50m, đỉnh chóp mũ cao 0,10m chạm hình múi cam. Dải viền mũ chảy xuống che kín gáy và bờ vai, nhưng vẫn được xẻ ở hai bên để lộ ra một phần dái tai. Nét mày quắc lên, một tay tỳ đầu lân với sức nặng kìm giữ, mặt lân mũi to, mắt lộ, tai lật phía sau thể hiện sự hiếu động trong tư thế muốn di chuyển, tay kia để trước ngực, giữa ngón cái và trỏ để trống một lỗ có thể cho vào một cán binh khí như kiếm, chuỳ, để tỳ lên vai, một pho cầm binh khí bên tay phải, một pho bằng tay trái.

Hai pho tượng Kim Cương tuy có bị áp đặt một số nguyên tắc ngặt nghèo, có phần câu nệ công thức trong điêu khắc các tác phẩm Phật giáo, nhưng ở đây có thể nói, nghệ nhân luôn tìm cách phá vỡ công thức, nhằm giải phóng mình để có thể tung hoành trong cái đẹp của đá. Tuy tuân thủ thế đối xứng của hai pho tượng, việc tạo hình một vị Hộ pháp cầm khí tay trái cho thấysáng tạo của nghệ nhân dân gian đã len lỏi trong dòng chính thống.

Sức mạnh, thế lực hộ trì nhà Phật được đồng hóa với thế lực hộ trì quốc gia. Ở cách tạo hình của hai pho Kim Cương này, chúng ta bắt gặp lối biểu hiện trùng lặp các hình tượng cũng như mô típ trang trí, cùng một tư thế, thần thái của khuôn mặt, đến các lớp chạm khắc hoa văn trên giáp trụ nói lên tính đồng nhất của hình tượng Kim Cương thể hiện tư duy, thẩm mỹ nhất quán trong tư tưởng nghệ nhân, tư tưởng đề cao sức mạnh cộng đồng. Sức mạnh cá thể của mỗi pho Kim Cương vẫn được thể hiện rạch ròi, nhưng sức mạnh của cả hai pho được nhân lên để trở thành “đại siêu lực” Kim Cương rất phù hợp với tinh thần cố kết sức mạnh dân tộc, dù tinh thần dân tộc ấy nằm trong phạm vi, khuôn mực của chế độ phong kiến, lấy Phật giáo làm hạt nhân của hệ tư tưởng.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, nghệ thuật điêu khắc với lối tư duy cổ truyền vẫn là cách thể hiện theo tuyến liên hoàn, các mô típ hoa văn hình vân mây quán xuyến toàn bộ thân tượng. Hàng dãy vân mây được chạm trên ngực giáp trụ, đường nét sâu, mập mạp, khoẻ khoắn được diễn tả đồng nhất theo quy luật tịnh tiến, cuối cùng được vặn xoắn thành hình lá đề. Phần cánh tay các chi tiết chuyển động lặp đi lặp lại các đường nét bằng một nhịp điệu dày dặn đối xứng ở hai bên. Ở hai gối, dãy hoa văn được thể hiện theo quy luật tạo hình kết nối từng đơn thể thành hai mặt hổ phù cách điệu đối xứng tưởng chừng như đơn điệu nhưng rất hiệu quả trong cảm xúc nhờ phương pháp sắp xếp đúng chỗ của từng dãy hoa văn thông qua sức thụ cảm thẩm mỹ của nghệ nhân.

Tuy vẫn giữ được tính chất cân dối của bố cục, tính vận động của từng họa tiết, hoa văn vân mây đã mất đi nhẹ nhàng uyển chuyển mà ngưng đọng theo một thế nghiêm trang. Nghệ thuật ấy đanh lại, cứng cỏi, rắn chắc, đáng sợ và nghiêm túc như những điều luật. Phong cách này chúng ta thường thấy ở nhóm điêu khắc tượng đá Đông Hưng (Đông Sơn), từ đây có thể đoán định được hai pho Kim Cương được làm thời kỳ thế kỷ XVIII – XIX.

Thực chất, hai pho Kim Cương này tương đối ít bị giáo điều gò bó. Căn cứ trên đặc tính mỗi vị thần theo kinh sách nhà Phật, nghệ sĩ có thể tuỳ ý bố cục cho hợp lý những điệu bộ của tác phẩm và chi tiết trên y phục. Tượng Kim Cương được diễn tả theo võ tướng ngày xưa. Như vậy hai pho tượng của chùa Phúc Long là tài liệu quý về con người tráng kiện Việt Nam. Ở đây đã nảy nở một nền nghệ thuật điêu khắc ít bị trực tiếp giám sát, chi phối bởi sức mạnh của chính quyền và thần quyền, một nghệ thuật mà giá trị tinh thần và xã hội đã được lấy trong nghệ thuật dân gian thuần chất nhất. Qua lớp vỏ tôn giáo, đi vào thực chất bên trong, ta gặp những mơ ước bình dị được các hình khối, nét chạm xuất hiện từ bàn tay của người nghệ sĩ dân gian, nạp đầy chất mỹ cảm. Đây là cái đẹp thật vô tình mà rất hàm xúc; tác giả làm ra tác phẩm không hề nghĩ mình đã sáng tạo. Điều đó chính là phẩm chất cao quý của nghệ sĩ dân gian.

Số di vật đá khác: Ngoài số tượng đá trên, tại chùa còn lưu giữ một số di vật đá có dấu ấn điêu khắc góp phần vào những hạng mục cấu tạo kiến trúc của chùa trước đây.

Con lân đá có chiều dày 0,18m cao 0,52m, đầu lân mũi to, mắt lộ, miệng ngậm viên ngọc minh châu, bờm vuốt về phía sau và uốn cong ở phần cuối, lưng cong, toàn bộ thân được tạo hình cách điệu không chi tiết, phần sau được cắt vát theo chiều nghiêng. Đây có thể là linh vật được đặt ở đầu lan can của bậc tam cấp trước khi lên thềm Tam Bảo.

Một phiến đá hình chữ nhật bị cắt góc gần 1/4 có chiều dài 0,78m, rộng 0,42m (phần bị cắt rộng 0,18m, dài 0,38m). Toàn bộ mặt đá được chạm vân mây, khuôn lại trong các gờ viền thẳng theo mép đá, nét chạm không sâu nhưng cũng đủ cho thấy từ hình dáng đến kỹ thuật đây là thứ hỗ trợ cho các trụ theo khánh đá vừa làm tăng độ bền vững chịu lực vừa là đồ trang trí. Cũng như chiếc đầu dư đá với chiều dài 0,38m, rộng 0,25m, dày 0,18m chạm khắc hoa vân mây với phong cách mô típ trên là chi tiết trong bộ khánh đá.

Nhóm điêu khắc đá chùa Phúc Long được làm bằng chất liệu đá xanh lấy từ núi Nhồi.

Núi Nhồi là trái núi không cao nằm ở phía đông nam huyện Đông Sơn, thuộc địa bàn hai xã Đông Hưng và Đông Tân. Núi nằm giữa đồng bằng. Đá ở Thanh Hóa khá nhiều như đá ba gian, đá vôi, đá cuội nhưng chỉ có đá Nhồi là tốt nhất cho các nghệ nhân thao tác sử dụng. Tài năng của người thợ đá dân gian Nhồi trong lịch sử đã được thể hiện qua việc chế tác các tác phẩm mang tính nghệ thuật. Trong sử sách chưa từng thấy ghi chép tên tuổi cụ thể của những nghệ nhân đã góp phần xây dựng các công trình kiến trúc đá, nhưng tài năng của họ đã được ghi chép và triều đình biết đến, sử dụng họ cho các công trình kiến trúc, điêu khắc bằng đá.

Trên địa bàn Thanh Hóa, cho đến nay có rất nhiều những công trình điêu khắc đá được tạo dựng từ bàn tay của người thợ đục đá, những nghệ nhân dân gian núi Nhồi. Có thể những tác phẩm điêu khắc đá ở chùa Phúc Long cũng nằm trong trường hợp như vậy. Các tác phẩm này được tạc bằng đá nguyên khối và chế tác ngay trên công trường khai thác hoặc vận chuyển vật liệu về địa phương rồi mới điêu khắc ra tác phẩm theo đề án được định sẵn. Nhưng dù bằng phương thức nào đi nữa ở đây đã để lại cho mai sau những tác phẩm giá trị về mặt điêu khắc đá truyền thống, ghi lại được dấu ấn, một thông điệp nghệ thuật của thời đại.

Nhóm tượng điêu khắc đá của chùa Phúc Long đã ghi lại nguyên tắc trong nghệ thuật điêu khắc đá trong kỷ nguyên Đại Việt là những nguyên tắc mang tính thẩm mỹ truyền thống của người Việt, những truyền thống vốn đã được định hình từ bao đời. Nói cách khác, đó là sự trưởng thành của tư duy thẩm mỹ trong thực tiễn sáng tác, sự điêu luyện trong bàn tay và khối óc của nghệ nhân trong nhận thức nhất quán của người Việt, là ca ngợi cuộc sống đa dạng của con người, diễn tả những độ rung mạnh mẽ nhưng hài hòa về tình cảm thông qua chuyển động nhịp nhàng của đường chạm cong, cách sắp xếp cân đối các khối hình điêu khắc, lấy ra cái đẹp từ đá để phục vụ cuộc sống tinh thần cho xã hội.

Những tượng điêu khắc đá về đề tài Phật giáo phần lớn được tạc theo những đồ án có sẵn trong kinh sách nhà Phật. Bởi vậy tìm đến các pho tượng ở đây không chỉ tìm được phẩm chất tạo hình của điêu khắc Phật giáo chúng ta còn gặp được ít hay nhiều tính chất sáng tạo chủ đề hoặc về phương pháp tạo hình để có thể nói nghệ thuật dân gian đã len lỏi trong dòng điêu khắc chính thống trong nhóm tượng đá chùa Phúc Long.

Nguồn: Chùa Xứ Thanh (Tập I), ​CN. Mai Phương

____________________________

Tiếng Anh (English)

Phuc Long Pagoda, located in Hai Ninh commune, Tinh Gia district, Thanh Hoa province, is an important Buddhist center in the region. Built since the Ly dynasty, the pagoda has undergone many stages of development and contributed to the development of stone sculpture art in Vietnam. The architecture of the pagoda consists of the Front Hall and the Main Hall, with stone sculptures such as the Diamond Buddha statue, Nam Tao, and other relics. In particular, these works demonstrate the flexibility and creativity of folk artisans in expressing the beauty and traditional spirit of the Vietnamese people. Phuc Long Pagoda is a bright spot in the history and culture of Buddhism in the region and the country.

Tiếng Trung (Chinese)

福龙寺位于越南海宁社区,庭仙区,清化省,是该地区重要的佛教中心。自从李朝建立以来,寺庙经历了许多发展阶段,并为越南石雕艺术的发展做出了贡献。寺庙的建筑包括前殿和正殿,以及诸如钻石佛像、南天等石雕作品。特别是,这些作品展示了民间艺人在表达越南人民的美丽和传统精神方面的灵活性和创造力。福龙寺是该地区和全国佛教历史与文化的一颗璀璨明珠。

Tiếng Pháp (French)

Phuc Long Pagoda, située dans la commune de Hai Ninh, district de Tinh Gia, province de Thanh Hoa, est un centre bouddhiste important de la région. Construite depuis la dynastie des Ly, la pagode a connu de nombreuses étapes de développement et a contribué au développement de l’art de la sculpture sur pierre au Vietnam. L’architecture de la pagode se compose du Hall avant et du Hall principal, avec des sculptures sur pierre telles que la statue du Bouddha de diamant, Nam Tao, et d’autres reliques. En particulier, ces œuvres démontrent la flexibilité et la créativité des artisans populaires dans l’expression de la beauté et de l’esprit traditionnel du peuple vietnamien. La pagode de Phuc Long est un point lumineux dans l’histoire et la culture du bouddhisme de la région et du pays.

Chấm điểm
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)