Chùa Phúc Sơn còn có tên là chùa Phúc Long, xưa kia là một trong những ngôi chùa cổ, nổi tiếng của huyện Hoằng Hóa. Chùa Phúc Sơn hiện nay thuộc xóm Phúc Long, làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa.
Sách Địa chí văn hóa Hoằng Hóa khi viết về các ngôi chùa ở huyện Hoằng Hóa có ghi: “Đến đầu thời Lý, chùa chiền trên địa bàn Hoằng Hóa đã nhiều rồi. Cho đến đầu thế kỷ XX, ở Hoằng Hóa có khoảng 200 ngôi chùa, 1/6 số chùa ấy có sư trụ trì, 1/4 số làng không có chùa. Nhưng ba làng Đằng lại có đến 14 ngôi chùa. Những ngôi chùa xa xưa và nổi tiếng là chùa Bảo Phúc ở Phú Khê, chùa Hồi Long ở Lương Hà, chùa Sùng Khang ở Mỹ Đức, chùa Hoàng Môn ở Hạ Vũ, chùa Độ Mạt ở Đặc Đạt, chùa Già ở Đằng Xá, chùa Nhờn ở Hoằng Lộc, chùa Phúc Long ở Nguyệt Viên, chùa Sùng Nghiêm ở Yên Vực, chùa Hưng Viên ở Quỳ Chữ, chùa Diên Khánh ở Nghĩa Trang…”
Xã Hoằng Quang, trước Cách mạng tháng Tám là xã Nguyệt Viên thuộc tổng Từ Minh. Xã Hoằng Quang gồm các làng: Nguyệt Viên, Vĩnh Trị (làng Vĩnh), Phù Quang – Làng Nguyệt Viên, tên gọi này có từ năm 1637.
Kiến trúc
Quy mô kiến trúc cũ chùa Phúc Sơn đến nay không còn, chỉ còn lại nền móng cũ, 01 tấm bia và một số di vật, chùa được đánh giá là một trong những ngôi chùa có niên đại sớm và nổi tiếng của huyện Hoằng Hóa.
Theo lời kể của các cụ cao niên, xưa kia ngôi chùa nằm bên cạnh dòng sông Mã, trên diện tích đất khoảng 5000m2 với các công trình kiến trúc gồm Tam quan và khu vực chùa chính. Chùa chính gồm có Tiền đường và Hậu cung kết cấu theo kiểu chữ Đinh. Bên cạnh chùa còn có đình làng. Đình nằm ở phía nam của chùa được ngăn cách với nhau bằng một hồ nước. Kết cấu các vì kèo của chùa được dựng bằng gỗ, bên ngoài xây tường gạch. Chùa có bức đại tự được viết năm 1733. Trong chùa có tòa sen bằng đồng, tượng Phật nguy nga và có sư trụ trì. Cũng theo các cụ cao niên, hằng năm nước sông Mã dâng lên cao, nhà cửa, ruộng vườn của nhân dân đều bị ngập lụt nhưng chùa vẫn không bị ngập.
Giá trị lịch sử
Trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp, chùa Phúc Sơn cũng là nơi hoạt động và che chở cho các đồng chí cán bộ Cách mạng của Nguyệt Viên nói riêng và Hoằng Hóa nói chung. Song do sự hủy hoại của thiên nhiên và do hoàn cảnh lịch sử chùa Phúc Sơn đã bị hoang phế. Vật liệu của chùa như: Cột, kèo và những cấu kiện bằng gỗ, cái gì có thể tận dụng được thì nhân dân chuyển ra để làm trường học và các công trình công cộng khác. Đến năm 1984, do chính sách chuyển cư của nhà nước, một số cư dân chuyển đi xây dựng vùng kinh tế mới, một số chuyển vào phía trong đê để tránh bị ngập lụt.
Cho đến nay, những thư tịch ghi chép về chùa Phúc Sơn hầu như không còn. Tuy nhiên, tại nền móng cũ của chùa vẫn còn một tấm bia đá nằm trên lưng rùa. Tấm bia này chỉ còn một mặt có chữ, đã bị vỡ, sau này được nhân dân chắp vá lại và dựng lên. Chữ của tấm bia phần nhiều đã bị mờ và mất đoạn. Tuy nhiên, vẫn có thể đọc được một số chữ trên bia, nội dung bia đã phần nào nói lên được giá trị lịch sử và quá trình tồn tại của ngôi chùa này.
Trùng tu
Bia chùa Phúc Sơn có chiều cao 1,75m (tính từ lưng rùa), rộng 95cm, dày 15cm. Trán bia có dòng chữ: “Trùng tu Phúc Sơn tự bi ký”, nghĩa là: Văn bia ghi chép về việc trùng tu chùa Phúc Sơn. Dòng đầu tiên trong nội dung của tấm bia ghi: “Trùng tu Phúc Sơn tự bi tịnh minh” (Văn bia ghi chép về việc trùng tu chùa Phúc Sơn và bài minh văn). Phần đầu ca ngợi cảnh đẹp của ngôi chùa: “Chùa Phúc Sơn của làng Nguyệt Viên là chốn Thiền lâm đệ nhất”, đứng trước chùa, nhìn sang bên kia dòng sông Mã là ngọn Châu Phong, hay còn gọi là núi Ngọc trông như rồng xanh há miệng nhả hòn ngọc quý. Phần giữa ghi chép về những người cung tiến để tu sửa lại ngôi chùa, trong đó có những nhà hảo tâm thuộc các huyện trong tỉnh, chủ yếu là huyện Đông Sơn cũ, đồng thời còn rất nhiều nhà hảo tâm thuộc các xã của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh và rất nhiều người từ các địa phương khác.
Niên đại khắc bia đã bị mờ. Bia do Quốc tử giám Giám sinh Trương Phiệt soạn và được khắc bởi những người thợ đá tài hoa của làng An Hoạch, huyện Đông Sơn cũ là Lê Cảnh Phú, Nguyễn Đình Khoan, Lê Văn Minh.
Trong khuôn viên chùa cũ còn lại những di vật rất có giá trị như:
– Rùa đội bia (bia đã bị mất): dài 110cm, rộng 85cm, cao 18cm; lỗ cắm bia có kích thước 52cm x 13cm.
– Đá bó hè: Tấm thứ nhất: dài 1,65m, rộng 43cm; tấm thứ hai dài 60cm, rộng 40cm; tấm thứ ba dài 84cm, rộng 40cm.
– 01 chân tảng có cạnh vuông 40cm, đường kính mặt gương 25cm, cao 07cm. Hiện nay, trong khuôn viên còn có một ngôi miếu nhỏ do người dân địa phương tự xây lên trong những năm gần đây để làm nơi hương khói trong những ngày tuần tiết. Căn cứ vào lời kể của các cụ cao niên trong làng và một số thông tin của ngôi chùa được đề cập trong văn bia, chúng ta có thể cơ bản hình dung được quy mô và tính ảnh hưởng trước đây của ngôi chùa trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân.
Chùa Phúc Sơn, cùng với sông Mã, núi Ngọc, Hàm Rồng đã tạo nên một cảnh thắng vừa hào hùng vừa trữ tình. Vùng thắng tích ấy đã in đậm bao dấu ấn lịch sử, bao kỳ tích của tiền nhân trong quá trình chinh phục thiên nhiên, xây dựng và bảo vệ quê hương. Những rùa đá, tấm bia đá và di vật của ngôi chùa vẫn còn nằm đấy, tĩnh lặng bên dòng sông Mã như đang mong chờ một sự hồi sinh qua bàn tay của con người. Thiết nghĩ, trong thời gian không xa, chùa Phúc Sơn sẽ được khôi phục lại, sẽ trở thành một địa chỉ sinh hoạt tâm linh, nơi gửi gắm những ước nguyện, nơi khiến cho những tâm hồn được thanh tịnh… của nhân dân và du khách thập phương.
Tham khảo
- Chùa Xứ Thanh (Tập IV), Trịnh Thị Tâm