Tên gọi
Nằm trên đường Tân Lộ Kiều Lương, cách chùa Tây An chừng 2 km là chùa Phước Điền, hay được biết với tên khác là chùa Hang.
Lược sử
Ban đầu, khoảng năm 1840 – 1850, chùa chỉ là một am tu bằng tre lá, do Lê Thị Thơ (1818 – 1899), pháp danh Diệu Thiện, người Chợ Lớn, thạo nghề may (nên bà còn có biệt danh là Bà Thợ), tạo lập để làm nơi tu hành, khi tuổi hãy còn trẻ. Vì mến mộ đạo pháp cũng như cơ duyên hội đủ, năm 1836 bà đã đi xuất gia, một lòng cầu đạo giác ngộ và đến năm 1839 thì thọ giới Tỳ Kheo Ni. Sau vài năm tu hành thì người cảm ngộ được con đường tu tập của mình nên vào năm 1845 thì quyết định ẩn tu nơi thâm sơn cùng cốc và chọn Núi Sam là nơi để tịnh tu.
Người ta còn kể, kề bên am tu có một hang núi sâu, có đôi mãng xà to lớn dị thường ở trong hang ấy. Nhưng từ khi bà đến tu, đôi mãng xà không còn hung tợn nữa, mà thường đến nằm im lắng nghe kinh kệ. Bà đặt tên chúng là Thanh Xà, Bạch Xà và sau khi bà qua đời, đôi mãng xà cũng bỗng dưng biến mất.
Ngày 15 tháng 6 năm Kỷ Hợi (1899), sư bà Diệu Thiện (tức Bà Thợ) viên tịch, thọ 81 tuổi.
Ngày nay trong dân gian còn lưu truyền cuốn Sấm giảng Bà Thợ, lời lẽ giản dị dễ hiểu, khuyên người đời làm lành tránh dữ.
Năm 1885, do cảm mến đức độ của sư nữ Diệu Thiện, ông phán Thông (Nguyễn Ngọc Cang) ở Châu Đốc và nhân dân quanh vùng đã tự quyên góp tiền của, xây dựng lại chùa: nền lát gạch tàu, cột gỗ căm xe, kèo rui gỗ thao lao, lợp ngói móc…
Đến năm 1937, Hòa thượng Thích Huệ Thiện (1904 – 1990) trùng tu lần thứ hai. Sau đó kế thừa trụ trì đời thứ ba là Hòa Thượng Thích Thiện Chơn (1932 – 1998). Ngôi chùa được đại trùng tu và kiến thiết thêm nhiều hạng mục lớn nữa cho đến nay dưới sự coi lo chăm sóc của vị trụ trì đời thứ tư, Hòa Thượng Thích Thiện Tài.
Kiến trúc
Từ cổng chùa, theo nhiều bậc thang lên cao khoảng 300 m là đến chùa. Chùa có mặt chính 11m, mặt hông 10m, nền cuốn đá xanh cao ráo, tráng xi măng, lát gạch bông, tường gạch hồ vôi ô dước, cột bê tông cốt sắt, lợp ngói đại ống. Nhìn bao quát khuôn viên chùa, khách du lịch sẽ điểm nhấn với mái ngói đại ống màu đỏ cuốn hút nhưng hòa quyện vô cùng hài hòa với những cột gỗ bên trong. Lang thang ở bất kỳ đâu tại chùa Hang Châu Đốc, bạn cũng đều được dịp khám phá cận cảnh nét chạm trổ, điêu khắc độc đáo thể hiện sự tài hoa của nhiều thế hệ thợ xây nên chùa và cả qua những lần trùng tu. Những chậu cây xanh và hoa lá tọa lạc xen kẽ trên sân điện hay những lối đi, bậc thang điểm tô thêm cho khung cảnh bình yên, mát dịu hơn
Ngoài khu điện chính thì những ngóc ngách trong hang sâu vào vách núi ở chùa Hang rất được đặt những bức tượng Phật để thờ. Hai bên lối đi dẫn vào còn tồn tại bức tượng của đôi mãng xà như linh vật của chùa Hang Châu Đốc An Giang. Khu chính điện được bài trí tôn nghiêm với nhiều hoành phi và liễn đối chạm khắc tinh xảo. Phía trước chùa có cây cột phướng cao hơn 20 m. Dưới thềm chùa là đôi tượng sư tử bằng xi-măng khá sinh động. Đứng ở đây, khách thập phương có thể nhìn cảnh núi cao, hoặc ngắm cảnh ruộng đồng bát ngát…
Ngoài ra, từ cổng nhìn lên, phía bên trái và bên phải chính chính điện, còn có các công trình khác dành để tu học và sinh hoạt của các sư…
Những lưu ý khi tham quan chùa
- Bạn nên tránh lựa những bộ trang phục lòe loẹt, sặc sỡ hay những bộ váy quá ngắn.
- Vào những ngày lễ hội (Tết) hay vào mùa du lịch thì lượng khách du lịch đến đây khá đông. Vậy nên bạn phải giữ gìn tư trang của mình một cách cẩn trọng.
- Nếu trong chuyến đi của bạn có trẻ nhỏ thì hãy luôn theo sát chúng. Tránh để trẻ nhỏ nghịch phá đồ ở khu vực tam bảo, đồ cúng tế hay sờ vào những tượng Phật.
- Khi bước vào những điện thờ của chùa bạn nên bước vào từ cửa bên. Bạn không nên bước vào cửa chính giữa hay dẫm lên bậu cửa.
- Nếu muốn thắp nhang cầu nguyện, bạn chỉ nên cắm 1 nén hương vào bát hương và không cắm hương tùy tiện vào tay tượng, gốc cây, hay đồ lễ…
Sự kiện – Thành tựu
Ngày 10 tháng 7 năm 1980, Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam ra quyết định số 92/VHTT-Q.Đ công nhận Chùa Hang (Phước Điền Tự) là một Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Tham khảo
- https://vnexpress.net/ngoi-chua-mien-tay-gan-voi-chuyen-ke-ve-cap-ran-khong-lo-4345028.html
- https://bietthungoctrai.vn/chua-hang-an-giang/
- https://thamhiemmekong.com/thong-tin-du-lich-mien-tay/chua-phuoc-dien-chua-hang-chau-doc-giang.html
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Ph%C6%B0%E1%BB%9Bc_%C4%90i%E1%BB%81n